Tìm sao
trong OCOP Lâm Đồng
Chương trình OCOP (mỗi xã một sản
phẩm) ở Lâm Đồng khởi động hai năm qua đã tìm thấy những ánh sao lấp lánh từ
vườn cây trái, rau xanh hộ gia đình đến trang trại, khu nhà xưởng sản xuất, chế
biến của các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Từng hạng sao OCOP Lâm
Đồng đã phân cấp và đang cần được hỗ trợ, đầu tư tạo ra những điều kiện, cơ hội
tốt nhất để ngày càng “tỏa sáng” hơn lên.
Bài 1, Ngát
xanh xà lách 3 sao
VĂN
VIỆT
Giữa hàng chục hecta rau thủy canh ở
Đà Lạt và vùng phụ cận đã xuất hiện cấp 3 sao xà lách OCOP với đa dạng chủng
loại của Trang trại Trường Phúc ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương cạnh tranh trên nhiều
khu vực thị trường trong nước và quốc tế.
2,2 tỷ đồng
nhà kính và 5,5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống thủy canh hồi lưu
Hạ
tuần tháng 3/2020, dịch covid vẫn đang cảnh báo mức lây nhiễm toàn cầu, phóng
viên đến Trang trại Rau thủy canh Trường Phúc tọa lạc giữa khu vực thung lũng xanh
thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Gọi là thung lũng xanh vì nhìn bao quanh
trang trại những dãy đồi thông mát rượi, cảm nhận môi trường khí hậu điều hòa
quanh năm trong lành, ưu đãi sinh trưởng tốt tươi đối với cây xà lách thủy
canh. Bước vào trang trại với không gian 10.000m2 nhà kính khoáng
đãng, cách ly bên trên mặt đất khoảng hơn một mét được giăng mắc từng hàng ngang,
trải rộng đều khắp hệ thống đường máng dẫn nước thủy canh hồi lưu theo quy
trình công nghệ Châu Âu, hàng ngày cung cấp dưỡng chất cho hơn 15 loại xà lách
nối tiếp nhau tạo màu xanh ngát. Chủ nhân Trang trại, anh Tô Quang Dũng cho
biết: “Cây xà lách thủy canh ở đây đã định canh hơn 5 năm, ban đầu trồng vài
trăm, vài ngàn mét vuông để thử nghiệm kỹ thuật và thăm dò thị trường. Đến nay
đã đúc kết một quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện sinh thái độ cao trên
dưới 1.500m so mặt biển. Kết quả trong 4 năm liên tục vừa qua, Trang trại chúng
tôi xuất khẩu 90% sản lượng sang Hàn Quốc và một vài nước Đông Nam Á với hàng
chục tấn rau xà lách thủy canh mỗi năm…”
Theo
hướng dẫn của chủ nhân Tô Quang Dũng trên từng giàn rau xà lách ngát xanh, phóng
viên ghi nhận quy trình sản xuất thủy canh khá đặc trưng của trang trại nhà
kính. Đó là một bể nước với dung tích 8.000 lít đặt trên giàn cao khoảng hai
mét thuộc vị trí trung tâm của toàn bộ khu nhà kính 10.000m2. Trong
đó bao gồm dung dịch hỗn hợp các thành phần dinh dưỡng, thuốc sinh học tăng khả
năng đề kháng được hòa tan theo các tỷ lệ tương ứng với nhiệt độ ánh sáng, độ
ẩm của đất… Một chiếc đồng hồ đo tỷ lệ thành phần dung dịch hiển thị để cài đặt chế độ thủy canh hồi lưu ổn
định trong ngày, trong tuần và trong tháng. Có 2 nguồn nước được sử dụng chăm
sóc rau thủy canh là nguồn nước mưa và nguồn nước giếng khoan. Nguồn nước mưa sử
dụng từ tháng 5 đến tháng 10, hệ thống đường ống dẫn nước chảy từ mái nhà kính
xuống bể chứa với chiều dài, chiều rộng, chiều cao lần lượt 12m, 8m và 3m. Và
nguồn nước giếng khoan sử dụng từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, khoan
dưới độ sâu khoảng 35m. Hệ thống đường máng thủy canh phân phối dung dịch thiết
kế cuôi chiều từ trên cao chảy xuống thấp chênh lệch 20cm, hồi lưu trở lại
chiếc bể chính 8.000 lít trước khi phân phối tuần hoàn theo dòng chảy mới.
Tính
theo thời giá tháng 3/2020, để vận hành đồng bộ quy trình sản xuất rau xà lách
thủy canh trên 10.000m2 theo tiêu chuẩn Châu Âu, Trang trại Trường
Phúc đã đầu tư từng giai đoạn hoàn chỉnh với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng nhà kính
và 5,5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống thủy canh hồi lưu cùng các thiết bị hệ thống
phụ trợ.
Mỗi ngày thu
hoạch 5.000 cây xà lách thủy canh 3 sao
“Hàng
tuần Trang trại Trường Phúc chúng tôi ươm hạt giống trồng mới 2- 3 lần và hàng
ngày đều thu hoạch sản phẩm rau thủy canh các loại…”, chủ nhân Tô Quang Dũng
nói. Theo đó, toàn bộ số lượng hạt giống hơn 15 loại xà lách đều nhập khẩu từ
Hà Lan, đưa vào ngâm trong dung dịch đặc biệt trong nhiều giờ liền trước khi
vớt ra ươm trong từng rổ nhựa nhỏ đựng giá thể xơ dừa, chăm sóc hơn 20 ngày mới
đưa ra trồng trên hệ thống máng thủy canh. Thời gian chăm sóc từ 30- 35 ngày lần
lượt thu hoạch, sơ chế, đóng gói tại khu vườn để chuyển đến tiêu thụ ở các hệ
thống các siêu thị, khu vực chợ đầu mối trong nước hoặc xuống cảng biển xuất
khẩu sang nước ngoài. Xong một lứa thu hoạch, toàn bộ hệ thống đường máng phải
thực hiện các giải pháp làm sạch vi khuẩn trước khi triển khai lứa rau xà lách
thủy canh trồng mới.
Còn
nhớ cách đây chừng bốn năm, các đối tác Hàn Quốc tìm đến Trang trại trồng rau
xà lách thủy canh Trường Phúc ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương để lấy mẫu đất, mẫu
nước, mẫu rau, đo nhiệt độ đưa về các đơn vị khoa học của nước này phân tích. Kết
quả đều đạt các thông số an toàn thực phẩm, chất lượng cạnh tranh và hương vị
tươi ngon khác biệt, nên đã đặt bút ký hợp đồng tiêu thụ hàng năm với 4 tháng
liên tục trong mùa đông. Bình quân mỗi tuần thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo
quản 6 tấn rau xà lách thủy canh với phương pháp riêng biệt rồi đưa xuống cảng
biển ở phía Nam vận chuyển hơn 10 ngày tới Hàn Quốc vẫn còn giữ đủ độ tươi
xanh, đảm bảo các thành phần dinh dưỡng.
Khi
mùa đông năm 2019 vừa hoàn thành hợp đồng cung ứng hàng chục tấn sản phẩm mỗi
tháng thì cũng là lúc dịch covid- 19 vẫn đang cảnh báo mức độ lây nhiễm toàn
cầu, Trang trại Trường Phúc tập trung khai thác thị trường nội địa mỗi ngày 5.000
cây xà lách thủy canh, mỗi cây cân nặng trung bình 0,2kg. Tổng doanh thu ước khoảng 25- 30 triệu
đồng/ngày.
Cùng
thời điểm mùa đông năm 2019 đang xuất khẩu xà lách thủy canh sang Hàn Quốc,
Trang trại Trường Phúc được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc
Dương lựa chọn sản phẩm chấm điểm OCOP với 3 phần tiêu chí về đánh giá sản phẩm
và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm. Kết quả đến
mùa xuân năm 2020, xà lách thủy canh Trường Phúc chính thức được UBND tỉnh Lâm
Đồng cấp chứng nhận đạt cấp hạng 3 sao OCOP, đồng thời thuộc sản phẩm triển
vọng nâng cấp 4 sao OCOP trong năm 2021. Trở về với quy trình thường ngày chăm
sóc ngát xanh khu vườn xà lách thủy canh 10.000m2 của mình ở xã Đạ
Sar, huyện Lạc Dương, chủ nhân Tô Quang Dũng chia sẻ: “Đã qua nhiều năm, các
đối tác nước ngoài vẫn giành nhiều lời đánh giá cao rau xà lách thủy canh của
Trang trại Trường Phúc không ngừng tập hợp những bài học kinh nghiệm thực tế chăm
sóc mới, sản phẩm luôn giữ được màu xanh
đậm, giòn ngọt, tươi ngon...
Đến nay được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt cấp
hạng 3 sao OCOP, trang trại chúng tôi tiếp tục có cơ sở khẳng định và nâng tầm
giá trị thương hiệu của mình cạnh tranh tích cực và hiệu quả hơn nữa trên nhiều
thị phần khác nhau trong nước và nước ngoài… ”./.
*THÁNG 3/2020
Bài 2/ Ngôi sao may mắn từ hạt thanh long