Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Chống hạn không chỉ với giải pháp khẩn cấp


VĂN VIỆT
Mùa hạn năm 2020 đang đến với các vùng sinh thái Lâm Đồng, công tác phòng chống đặt ra không chỉ với giải pháp khẩn cấp mà còn chú trọng với giải pháp căn cơ lâu dài...

25.000ha không đủ nước tưới, 4.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Lâm Đồng, 6 tháng đầu năm 2020, hiện tượng Enso trên địa bàn Lâm Đồng sẽ nghiêng về trạng thái nóng và có thể tiếp tục duy trì đến 6 tháng cuối năm 2020.
Tính riêng từ nay đến giữa tháng 6/2020, dòng chảy các sông suối thiếu hụt tỷ lệ từ 20- 25% ở các vùng Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đam Rông; từ 30- 45% ở các vùng Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Riêng dòng chảy trên sông La Ngà (trạm Đại Nga, Bảo Lộc) đạt mức thấp hơn 96- 98%.
Đến thời điểm tháng 2/2020, mực nước trên 10 hồ lớn trong tỉnh Lâm Đồng đã không tích đủ nước so với thiết kế. Trong đó mực nước ở 4 hồ Đạ Ròn, R’Lôm, Ma Đanh, BôKaBang (Đơn Dương) giảm từ 2,3m đến 7,15m; 2 hồ Ma Póh, Yên Ngựa (Đức Trọng) giảm 1,8m  đến 5m; 2 hồ Đắk Lô, Phước Trung (Cát Tiên) giảm từ 2,2m đến 2,42m; hồ số 7 (Lạc Dương) giảm 2,95m; hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) giảm 7,15m.
Khả năng trong mùa khô năm 2020, trên địa bàn 12 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng có khoảng 25.000ha cây trồng không đủ nước tưới và 4.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Điển hình dự báo ở huyện Bảo Lâm thiếu nguồn nước tưới cho 5.634ha cây trồng tại xã Lộc Phú; thiếu nguồn nước sinh hoạt tại các xã khác như Lộc Bắc, Lộc Lâm, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc. Tiếp theo khu vực huyện Lâm Hà với 4.200ha cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả không đủ nước tưới, tập trung phần lớn 3 xã Đan Phượng, Phú Sơn, Gia Lâm; 1.500 hộ dân thuộc 3 xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Còn ở huyện Di Linh với kế hoạch gieo trồng năm 2020 trên tổng diện tích 57.746ha cây dài ngày và cây hàng năm. Trong đó có khoảng 4.000ha bị thiếu nước tưới nghiêm trọng nếu nắng nóng kéo dài trong mùa khô năm 2020. Còn 3 huyện phía Nam Lâm Đồng gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên có nguy cơ thiếu nước tưới tiêu cho các loại cây trồng lần lượt diện tích 335ha, 1.471ha và 807ha. Ở 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc có khả năng không đủ nước tưới tương ứng khoảng 170ha và lên đến 2.000ha. Và dự báo thành phố Bảo Lộc còn thiếu nước sinh hoạt đối với khoảng 2.000 hộ dân. Các khu vực còn lại trong tỉnh Lâm Đồng cũng không ngoài dự báo ảnh hưởng hạn hán cục bộ trong sản xuất nông nghiệp như: ở 5 xã vùng Loan (huyện Đức Trọng); thị trấn Lạc Dương, xã Lát, xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim, Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương); xã Đạ Ròn, xã Tu Tra, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương); riêng các xã thuộc địa bàn huyện Đam Rông dự báo nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp tập trung vào thời điểm cuối mùa khô năm 2020…
Không chỉ với giải pháp khẩn cấp
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán năm 2020 gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa khuyến cáo các nhóm giải pháp cấp bách triển khai đồng loạt trên 12 huyện, thành phố trên địa bàn. Đó là bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước; ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước cho chăn nuôi gia súc và nước tưới cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và hệ thống tưới tiết kiệm; huy động người dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào giếng, sử dụng máy bơm nước từ các khe suối, ao hồ để cấp nước tưới…  
“ Về phía chính quyền các huyện, thành dự báo thiếu nước ở mức cao trong mùa khô năm 2020 cần liên tục theo dõi thời tiết, nắm bắt tình hình sản xuất để đề xuất lên UBND tỉnh Lâm Đồng, các sở, ngành liên quan chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống hạn…”, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Với nhóm giải pháp phòng chống hạn lâu dài cần tiếp tục trồng rừng theo quy hoạch, tăng cường công tác bảo vệ rừng đầu nguồn. Bên cạnh đó nên triển khai cơ chế, chính sách thuận lợi hơn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông minh, tăng diện tích cây trồng chủ động cấp nước tưới tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt đối với các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chủ động kế hoạch sản xuất, chống hạn khi mực nước hồ xuống thấp hoặc công trình hư hỏng cần bảo dưỡng.
 Ngoài ra cần ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi trọng điểm, đảm bảo tích trữ đủ lượng nước điều hòa, phân phối hợp lý cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, phục vụ sinh hoạt kết hợp với phòng, chống lũ lụt hàng năm./.
Tháng 3/2020