Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Tháo gỡ khó khăn cho cây dâu con tằm


VĂN VIỆT
Ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng nhiều năm trở lại đây có xu hướng khôi phục và phát triển, nhưng phía trước vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, rất cần những giải pháp tháo gỡ từ ngành nông nghiệp trung ương đến địa phương.

Khôi phục diện tích, năng suất và sản lượng dâu
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 10 năm qua, ngành dâu tằm tơ Việt Nam đã khắc phục tình trạng suy giảm diện tích, sản lượng dâu và năng suất kén tằm. Tính riêng trong 2 năm gần đây, diện tích cây dâu tằm cả nước đã mở rộng từ 10.475ha lên 11.871ha, tương ứng tỷ lệ tăng từ 13,3% lên 26%. Cùng với đó, sản lượng kén cả nước đạt 8.295 tấn năm 2018 và 9.185 tấn năm 2019, tăng so với năm 2017, năm 2018 lần lượt gần 13% và 11%.
 Trong đó khu vực Tây Nguyên chiếm gần 73% diện tích trồng dâu với năng suất bình quân từ 35- 40 tấn lá/ha, bao gồm phần lớn nguồn giống dâu tam bội trồng bằng hom S7CB. Đây là một trong những nguồn giống dâu cao sản do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (trụ sở tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) thuần hóa và chọn lọc phát triển thành công, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận từ năm 1994 với đặc tính lá to và dày, khả năng kháng bệnh rỉ sắt cao. Cụ thể từ năm 2015 đến nay, Trung tâm này đã cung cấp cho khu vực Tây Nguyên gần 29 triệu hom giống dâu S7CB/năm, tương ứng với trồng mới 700ha. Đến nay trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và 2 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh của Lâm Đồng, Trung tâm đã xây dựng khoảng 30ha diện tích vườn ươm hom giống dâu tam bội S7CB đầu dòng.  
Thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay có khoảng 15.000 hộ sản xuất hơn 8.500ha diện tích cây dâu tằm. Hàng năm tổng sản lượng dâu đạt 160.000 tấn; sản lượng kén đạt 10.800 tấn; sợi tơ hơn 1.500 tấn; lụa các loại hơn 5, triệu m2. So sánh trong cả nước, diện tích dâu tằm Lâm Đồng chiếm tỷ lệ khoảng 70%, tập trung các địa bàn Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Tẻh…Ngoài ra Lâm Đồng hiện đang khôi phục và phát triển hoạt động 5 làng nghề và gần 60 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm. Bên cạnh giống dây S7CB nói trên, nông dân Lâm Đồng còn thay thế các giống dâu mới đạt năng suất và chất lượng cao như: VA201, TBL05, TBL03…  
Ở khâu đầu vào với khoảng 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung phần lớn ở huyện Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc, số lượng bình quân mỗi cơ sở nuôi 100 hộp mùa nắng và 200 hộp mùa mưa. Để đáp ứng nhu cầu trồng dâu nuôi tằm mỗi năm, Lâm Đồng nhập về từ Trung Quốc khoảng 270.000 hộp trứng tằm lưỡng hệ, trị giá khoảng 60 tỷ đồng. Ở khâu đầu ra, Lâm Đồng hiện có 150 cơ sở thu mua kén tằm cung cấp cho 42 cơ sở ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn. Cụ thể gồm 32 cơ sở ươm tơ, công suất mỗi cơ sở chế biến 1 tấn kén/ngày. Và 10 cơ sở dệt lụa tơ tằm với hơn 100 dãy ươm tơ tự động 400 mối/dãy. Sản phẩm chiếm 80% xuất khẩu và 20% tiêu thụ nội địa. Công suất mỗi năm đạt 200.000 sản phẩm may. Bình quân mỗi cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên từ 60- 80 lao động.
Phát triển vẫn thiếu bền vững
“Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành sản xuất dâu tằm tơ Lâm Đồng vẫn chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm và phụ thuộc phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến thực trạng phát triển còn thiếu bền vững. Việc nhập khẩu trứng tằm chủ yếu theo con đường tiểu ngạch, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về kinh doanh trứng giống tằm trên địa bàn…”, theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng. Trong khi đó, vấn đề nghiên cứu sản xuất trứng giống tằm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng hàng năm. Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất dâu tằm tơ còn thiếu đồng bộ; việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kén của nông dân chủ yếu vẫn theo hình thức tự phát, chưa được ký kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng, giá cả thị trường chưa hết bấp bênh.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường làm việc với các cơ quan chức năng Trung Quốc để sớm thỏa thuận nhập khẩu trứng tằm giống theo đường chính ngạch phục vụ sản xuất. Đồng thời có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng khai thác thêm nguồn giống trứng tằm nhập về từ các nước khác. Về lâu dài cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chủ động sản xuất trứng giống tằm trong nước đảm bảo chất lượng và số lượng hàng năm theo nhu cầu.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, ươm tơ dệt lụa trong nước cần tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi và có cơ chế ưu đãi hơn nữa để xây dựng và phát triển ngày càng nhiều mô hình chuỗi liên kết trồng dâu nuôi tằm, sản xuất, chế biến tơ lụa gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài./.
 tháng 3/2020