Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Nông nghiệp công nghệ cao- những con số cập nhật


VĂN VIỆT
Chưa hết quý 1 năm 2020, Lâm Đồng công nhận mới 3 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng số lên 11 doanh nghiệp. Đây là một trong những kết quả cập nhật liên tục từ đầu năm 2019 đến nay, mở ra hướng phát triển nông nghiệp công nghiệp cao tập trung thêm nhiều vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn.

“Xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã hỗ trợ tư vấn các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm, lập hồ sơ công nhận…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
Phóng viên đã tập hợp số liệu đến giữa tháng 3/2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có 11 doanh nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích khoảng 700ha, trong đó gần 280ha đang canh tác mang lại hiệu quả vượt trội. Theo đó như Công ty TNHH Dalat Hasfarm với 100% vốn nước ngoài đầu tư sản xuất 111ha hoa công nghệ cao, thu hoạch 60% sản lượng xuất khẩu, 40% sản lượng tiêu thụ nội địa. So sánh trong một năm vừa qua, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 35% giá trị nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng, đồng thời tăng lên tỷ lệ lợi nhuận 40% doanh thu. Trung bình trên mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt lợi nhuận 400 triệu đồng. Chưa kể số lợi nhuận này đã đạt từ 3 tỷ đồng/ha trở lên đối với nhiều mô hình ứng dụng giải pháp công nghệ IoT trên nhiều vùng nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng.  
Cụ thể cập nhật đến đầu năm 2020,  toàn tỉnh Lâm Đồng đã và đang ứng dụng giải pháp IoT trên tổng diện tích gần 215ha hoa, rau và chè. Kết quả thông qua hoạt động hệ thống cảm biến lắp đặt trên vườn, người sản xuất tiếp nhận chính xác thông tin về độ ẩm đất, nhiệt độ môi trường, nhu cầu dinh dưỡng từng giờ, từng phút trên từng thời điểm canh tác, từ đó quyết định điều khiển các chế độ tưới tiêu, châm phân, điều hòa nhiệt độ, ánh sáng phù hợp, giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu nhất…Tiếp theo là công nghệ sản xuất rau, hoa trong nhà kính với hơn 4.200ha trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Phân bổ phần lớn diện tích này trên các huyện, thành gồm: thành phố Đà Lạt gần 2.555ha; các huyện Lạc Dương 922ha, Đơn Dương 290ha, Đức Trọng gần 236ha, Lâm Hà gần 169ha; còn lại rải rác vài chục hecta ở thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Đam Rông. Ngoài ra còn có khoảng 2.445ha sản xuất rau bằng công nghệ nhà lưới ở huyện Đơn Dương…
Ở khâu nhân giống cấy mô cây trồng sạch bệnh, toàn tỉnh Lâm Đồng đã cập nhật 51 cơ sở sản xuất với 394 box cấy, đạt công suất 46 triệu cây giống gốc/năm. Tương ứng trên 2 tỷ cây giống được sản xuất trong khoảng 200 vườn ươm toàn tỉnh Lâm Đồng. Đáng kể cũng trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Công ty Huyền thoại Toàn Cầu đã nhập tuyến trùng về nhân nuôi, phòng trừ ruồi nhuế gây hại trên 1,5ha hoa tiểu quỳnh; Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm sử dụng các loài nhện hypro, amblyseius sp. tiêu diệt côn trùng gây hại trên 30ha hoa cúc…
Kết quả đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định công nhận 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao ở thành phố Đà Lạt là: Làng hoa Vạn Thành, phường 5 (158ha); Làng hoa Thái Phiên, phường 12 (150ha). Tính chung toàn tỉnh Lâm Đồng hiện đang phát triển 18 vùng trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 3.960ha. Phân bổ gồm 8 vùng sản xuất rau, hoa (1.017ha); 5 vùng sản xuất cà phê (hơn 1.443ha); 2 vùng sản xuất chè ( 600ha); 2 vùng sản xuất lúa ( 600ha); 1 vùng sản xuất sầu riêng (300ha).
Trên nền tảng xuất phát mới nói trên, Lâm Đồng đặt mục tiêu cập nhật số liệu canh tác đến cuối năm 2020 gồm: 60.226ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao; giá trị thu nhập bình quân 440 triệu đồng/ha; 400ha ứng dụng công nghệ cảm biến; công nhận thêm 2 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Để đạt và vượt mục tiêu cập nhật này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng nhấn mạnh các nhóm giải pháp tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu; khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ thông minh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh nông sản; phát triển du lịch canh nông, xúc tiến tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước…/.
Tháng 3/2020