Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Tìm sao trong OCOP Lâm Đồng Bài 3, "Phát lộ" 3 cấp sao tiềm ẩn


VĂN VIỆT
Chương trình OCOP Lâm Đồng đã tìm thấy cấp 3 sao, 4 sao và đang nâng cấp lên 5 sao đối với 45 sản phẩm đặc trưng giá trị tiềm ẩn, tiếp tục khai thác những lợi thế so sánh để tăng trưởng thu nhập, góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội trên địa phương…

Chọn làm điểm phân hạng sao OCOP trong cả nước
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, 2 sản phẩm cây cảnh may mắn trang trí nội thất Phạm Quốc Việt ở huyện Di Linh và rau xà lách thủy canh Trường Phúc ở huyện Lạc Dương đã nêu trong 2 bài trước là một trong 45 sản phẩm OCOP Lâm Đồng vừa được phân hạng 4 sao và 3 sao giai đoạn đầu triển khai hai năm vừa qua. 
Trong đó gồm 27 OCOP Lâm Đồng 4 sao với 70 điểm thấp nhất thuộc về sản phẩm mứt, nước cốt phúc bồn tử đỏ; rượu vang phúc bồn tử đỏ, đen (Công ty TNHH Langbian. F Dâu rừng, Lạc Dương); hồng sấy gió (Doanh nghiệp tư nhân chế biến nông sản Shin Sang, Đà Lạt). Cao nhất với 87 điểm thuộc về sản phẩn OCOP 4 sao trà oolong Long Đỉnh (Công ty cổ phần trà Long Đỉnh, Lâm Hà).
Còn lại 22 sản phẩm OCOP 4 sao đạt từ 71 điểm đến 86 điểm của các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh khá hiệu quả trên địa bàn Lâm Đồng như: Trà atiso thượng hạng túi lọc, cao nước atiso, cao mềm atiso trà oolong, trà xanh; hoa tươi mãi mãi; cà phê arabica Cầu Đất; cấp đông đậu cove, bí đỏ, bó xôi, khoai lang Nhật, bắp ngọt Mỹ, khoai tây; mứt, nước cốt phúc bồn tử đen; trà đương quy túi lọc; cà phê bột; hạt mắc ca; gạo nếp quýt Đạ Tẻh, tơ tằm.
Với 18 sản phẩm OCOP Lâm Đồng hạng 3 sao đạt cao nhất 68 điểm (nấm hương Langbiang, Công ty cổ phần Nguyên Long, huyện Lạc Dương); sản phẩm bơ BLĐ 034 của Công ty TNHH Cây giống Bảo Nguyên, thành phố Bảo Lộc và củ năng của HTX Củ năng Pró, huyện Đơn Dương cùng đạt 52 điểm thấp nhất.
Và 15 sản phẩm OCOP Lâm Đồng hạng 3 sao đạt từ 59 điểm đến 67 điểm gồm: Hạt điều rang muối; gạo hạt ngọc Cát Tiên; đông trùng hạ thảo con nhộng khô, sợi sấy khô, sấy thăng hoa; linh chi đỏ đặc hữu Đà Lạt xắt lát; rau xà lách thủy canh; cà phê sạch; mắc ca sấy; bơ 034; bơ booth 7; hồng sấy dẻo…
“Lâm Đồng là một trong 12 tỉnh, thành trong nước được chọn làm điểm Chương trình OCOP giai đoạn 2018- 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kết quả giai đoạn đầu vừa qua, Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đánh giá, phân hạng tổng số 47 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thuộc các nhóm hàng dược liệu, nông sản thực phẩm, trang trí…Trong đó bên cạnh 45 dòng sản phân hạng 4 sao, 3 sao cấp tỉnh Lâm Đồng; còn lại 2 sản phẩm đạt trên 90 điểm (sản phẩm Ladoactiso trà nhất diệp nguyên hương và Ladoactiso cao ống của Công ty Cổ phần dược Lâm Đồng), Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đang hoàn thành hồ sơ đăng ký đánh giá phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 5 sao cấp quốc gia trong thời gian tới…”, ông Hồ Thanh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết thêm.
Liên tục xúc tiến thương mại, nâng cấp hạng sao OCOP
Để đạt kết quả trong giai đoạn đầu triển khai vừa qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng được giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan  và chính quyền cấp huyện, xã trong tỉnh Lâm Đồng phối hợp lựa chọn đánh giá những sản phẩm OCOP hạng sao mang lợi thế đặc trưng nổi trội của từng vùng sinh thái khác nhau. Đó là những sản phẩm sản xuất, chế biến từ nguyên liệu trong tỉnh Lâm Đồng mang tính cộng đồng gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt là thị trường thế giới. Qua đó thể hiện tính sáng tạo cải tiến quy trình sản xuất, kế thừa kỹ thuật truyền thống trên từng sản phẩm của công đồng dân  cư, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương.
Đồng thời thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm OCOP hạng sao để kết nối giao thương, hợp tác tiếp tục đánh thức giá trị tiềm ẩn, nâng cao khả năng tiếp thị trên thị trường. Cụ thể như tham gia các Hội chợ Quốc tế OCOP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thành phố Hồ Chí Minh; Hội nghị OCOP do Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức tại tỉnh Bến Tre; Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng và khu vực Miền Trung Tây nguyên tại tỉnh Quảng Nam;  Festival OCOP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại tỉnh Nam Định; Hội chợ sản phẩm OCOP Khu vực Tây Nguyên và Miền Trung của Trung tâm Xúc tiến thương mại Trung ương tại tỉnh Đắk Lắk; Hội nghị thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với thu hút đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng; Festival Hoa Đà Lạt và Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng tại thành phố Bảo Lộc năm 2019…
Từ kết quả tìm thấy những hạng sao OCOP tiềm ẩn giá trị trên địa bàn, Chương trình OCOP Lâm Đồng tiếp tục đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, nhóm sản phẩm OCOP đã đạt từ 80 điểm trở lên như: Atiso, cà phê arabica (Đà Lạt), cà phê robusta (Di Linh); hồng ăn trái (Đà Lạt, Đơn Dương); thảo dược (Lạc Dương, Đơn Dương); trà (Đà Lạt, Lâm Hà, Bảo Lộc); quả phúc bồn tử (Lạc Dương, Đức Trọng); hạt mắc ca (Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm); lụa tơ tằm (Lâm Hà, Bảo Lộc)…được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, nâng nâng cấp trở thành sản phẩm OCOP quốc gia hạng 5 sao. “Riêng OCOP hạng 3 sao, 4 sao Lâm Đồng được giao chỉ tiêu đến cuối năm phát triển mới 35 sản phẩm trên 12 huyện, thành gồm phúc bồn tử, mật ong, rau củ quả sấy, rượu linh chi, trầm hương, trà dây leo, chuối la ba,  sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, tơ tằm, trà, cà phê, măng cụt…”, Phó Chi cục Hồ Thanh Phát thông tin./.
tháng 4/2020