VĂN VIỆT
Ngày 6/3, tại Đà Lạt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cùng chủ trì
Hội nghị toàn quốc bàn giải pháp phát triển chăn nuôi tằm bền vững.
Đánh giá tại Hội nghị cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế
phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, tập trung phần lớn ở các tỉnh Lâm Đồng,
Sơn La...Từ năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt triển
khai Dự án “Phát triển hệ thống nhân giống tằm, dâu” ở Hà Nội, Lâm Đồng, Sơn
La, Hải Dương. Kết quả Việt Nam đã chủ động nguồn giống dâu năng suất, chất lượng
cao, đồng thời sản xuất và cung cấp khoảng 10% nguồn giống tằm lưỡng hệ cho
nông dân chăn nuôi.
Tuy nhiên mặc dù là nước đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất
kén, nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động nguồn giống tằm lưỡng hệ kén trắng năng
suất cao, chưa kể còn phải nhập kén về sản xuất gia công hàng tơ lụa…
Những nhóm giải pháp phát triển chăn nuôi tằm bền vững được Hội nghị quan tâm gồm:
Tập trung nghiên cứu lai tạo các giống tằm cao sản thế hệ mới đáp ứng nguồn
cung trong nước; hiện đại hóa công nghiệp ươm tơ và dệt lụa; nâng cấp hệ thống
nhân giống dâu; phát triển sản xuất dâu, tằm theo hướng liên kết chuỗi, truy xuất
nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm; kết nối sản xuất dâu tằm với các
làng nghề dệt lụa truyền thống…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trên cơ sở đánh giá đầy đủ
thực trạng, thống nhất định hướng và giải pháp khả thi, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chiến lược
phát triển chăn nuôi tằm bền vững trong cả nước giai đoạn năm 2020- 2025, tầm
nhìn đến năm 2040.
tháng 3/2020