Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Berryland Đà Lạt với ISO 22000

               VĂN VIỆT
Trở về quê Đà Lạt khởi nghiệp chế biến nông sản sấy dẻo bắt đầu từ một chiếc máy nhỏ sau nhiều năm, một đôi bạn trẻ chạm ngưỡng tuổi “tam thập” đã năng động, sáng tạo, vượt khó mở rộng dây chuyền quy mô sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 22000, thu hút việc làm hàng chục cử nhân tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Tọa lạc trên đường Lý Nam Đế, phường 8, Đà Lạt, thương hiệu nông sản chế biến Berryland đang được nhiều đối tác trong và ngoài nước tìm đến kết nối giao thương lâu dài. Đây là thương hiệu vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận bảo hộ độc quyền, trong đó chất lượng sản phẩm cũng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 22000 về an toàn thực phẩm trên toàn cầu. Khu chế biến ở đây đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng ổn định giai đoạn đầu trên diện tích hơn 330m2 với dây chuyền khép kín từ công đoạn phân loại nguyên liệu, sơ chế đến công đoạn chế biến, đóng gói thành phẩm, đạt công suất lên đến 130 tấn nguyên liệu/năm. 2 “đồng chủ nhân ” trẻ gốc gác thành phố hoa Đà Lạt đưa phóng viên tham quan dây chuyền chế biến nông sản Berryland là nam thanh niên Phan Đắc Hướng (sinh năm 1989) và nữ thanh niên Lý Nguyễn Hạnh Tâm (sinh năm 1990). Trước khi về Đà Lạt khởi nghiệp xây dựng thương hiệu Berryland, Hướng và Tâm là đôi bạn cùng tốt nghiệp Đại học ngành ngân hàng và cùng trải nghiệm các công việc quản trị kinh doanh, phân phối mặt hàng nông sản thực phẩm các loại nhiều năm trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh rộng lớn. “Xứ lạnh Đà Lạt nổi tiếng với thế mạnh du lịch và nông sản luôn cần được phát huy, khuyến khích đầu tư phát triển. Bởi vậy việc hình thành Công ty TNHH Berryland Việt Nam tại Đà Lạt với nguồn vốn kinh nghiệm bước đầu xây dựng thị trường tiêu thụ mặt hàng nông sản các tỉnh phía Nam không ngoài mục đích thể hiện ước mơ góp phần của mình nâng cao giá trị nông sản của “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, 2 “đồng chủ nhân ” Hướng và Tâm cùng chia sẻ.
Đi vào hiện thực hóa ước mơ của mình, Hướng và Tâm với tâm thế đón nhận những khó khăn, thách thức để tìm hướng vượt qua. Đó là vào đầu mùa đông năm 2015, sau khi huy động được người thân mới hơn 60 triệu nguồn vốn ban đầu, Hướng và Tâm bảo nhau mua chiếc máy chế biến dâu tây, công suất tối đa vài chục ký nguyên liệu chế biến/ngày. Những mẻ thành phẩm sản xuất đầu tiên chủ yếu thử nghiệm hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, đánh giá chất lượng, dẫn đến vẫn phải nợ tiền mua nguyên liệu hàng tháng. Khi sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm và hương vị đặc trưng nhất của Đà Lạt mới đưa ra thâm nhập thị trường các điểm du lịch vừa giới thiệu khách hàng thưởng thức miễn phí vừa bán với giá thành đủ thu hồi vốn nguyên liệu đầu vào, chủ yếu hướng vào mục tiêu quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu mới của mình. Phải đến hơn một năm kết hợp nghiên cứu thị trường với nghiên cứu kỹ thuật chế biến nông sản mới tiếp nhận từ các lớp tập huấn của Hà Lan tổ chức tại Đà Lạt, từ các tài liệu trong và ngoài nước, Hướng và Tâm dần dần xây dựng các đầu phối phân phối trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, từ đó quyết định đầu tư quy mô sản xuất trên đường Lý Nam Đế, phường 8, Đà Lạt nói trên.
“Hai năm đầu ( 2016- 2017) xây dựng cơ sở nhà xưởng mới trên đường Lý Nam Đế, phường 8, Đà Lạt, Công ty TNHH Berryland đạt được công suất chế biến mỗi tuần trên dưới 500 kg nông sản nguyên liệu tươi, phần lớn gồm mứt atiso đỏ, dâu tây sấy dẻo, nước cốt dâu tây, nước cốt dâu tằm, cam sấy dẻo, thơm sấy dẻo…  ”, Hướng và Tâm cho biết. Đến năm 2018, Berryland tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh Lâm Đồng, tại các hội nghị chuyên đề đầu tư chế biến nông sản cấp trung ương và cấp tỉnh Lâm Đồng, thông qua người quen giới thiệu mặt hàng đặc sản Đà Lạt ra nước ngoài, kết quả công suất chế biến mỗi tuần tăng lên gấp 12- 15 lần so với năm đầu khởi nghiệp. Số lượng lao động tốt nghiệp cử nhân các trường đại học trong nước đã tìm đến Đà Lạt cùng xây dựng thương hiệu Berryland từ 25-  30 người. Và số lượng cử nhân này đến đầu năm 2020, Berryland đang tiếp tục thông báo tuyển dụng thêm nhiều hơn nữa, bởi công suất chế biến đã tăng thêm 30% trở lên, hơn 10 dòng sản phẩm đa dạng mẫu mã, chất lượng khác biệt, không chỉ cung cấp các thị trường chính trong nước như: Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Long Xuyên, Cà Mau, Đà Nẵng, Quảng Nam…mà còn thâm nhập sang thị trường Canada, Hàn Quốc…
Từ kết quả khởi nghiệp thành công bước đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã “ghi danh” Công ty TNHH Berryland Việt Nam là một trong những mô hình chuỗi liên kết tiêu biểu của Lâm Đồng hiện nay. Theo đó, tính đến hết tháng 2/2020, Berryland liên kết 10 hộ nông dân Đà Lạt và vùng phụ cận sản xuất, tiêu thụ ổn định trên diện tích 5ha dâu tây, dâu tằm, thơm, atiso… “So với nhu cầu đặt hàng, sản phẩm Berryland chỉ mới đáp ứng 70- 80% trong năm 2020. Mục tiêu trong 3- 5 năm tới, Berryland mở rộng diện tích nhà xưởng, nâng cấp dây chuyền công nghệ, tăng công suất lên gấp 10 lần hiện nay.
Định hướng của Berryland luôn tạo ra những sản phẩm nông sản thương hiệu Đà Lạt đặc trưng, đạt tiêu chuẩn ISO 22000, hương vị hài hòa, món quà thân thiện với người tiêu dùng trong và ngoài nước…”,    2 “đồng chủ nhân “Phan Đắc Hướng và Lý Nguyễn Hạnh Tâm bày tỏ./.  
THÁNG 3/2020