VĂN
VIỆT
Hàng chục tấn mắc ca
chế biến từ thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng xuất khẩu sang các thị trường Hàn
Quốc, Singapore...đạt yêu cầu chất lượng và giá cả cạnh tranh, mở ra triển vọng
hình thành những vùng chuyên canh mới gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản
phẩm "hoàng hậu quả khô" này trên các vùng sinh thái đặc trưng Nam
Tây Nguyên Lâm Đồng....
Kết thúc tháng 3/2019, Nhà máy chế biến mắc ca của Công ty cổ
phần Việt Xanh Maca Lâm Đồng tại số 248, Quốc lộ 20, thị trấn Liên Nghĩa, Đức
Trọng thu mua trên dưới 50 tấn tươi mắc ca trái vụ của nông dân vùng Tây
Nguyên, trong đó chiếm 40% sản lượng của nông dân các huyện Đơn Dương, Đức
Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Cứ 2 sản
phẩm mắc ca tươi đưa vào dây chuyền chế biến ở đây thành 1 sản phẩm hạt nhân sấy
khô, đạt các tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm tại thị trường trong nước
và nước ngoài. Các dòng sản phẩm chính ở đây gồm hạt mắc ca sấy nguyên vỏ, hạt
mắc ca sấy hạt nhân, kẹo mắc ca…Như vậy tính riêng trong tháng 3/2019 vừa qua,
thương hiệu Macca Việt Xanh Lâm Đồng chế biến khoảng 25 tấn hạt nhân mắc ca
thành phẩm đưa ra thị trường, đặc biệt trong đó chiếm hơn 40% khối lượng thành
phẩm xuất ngoại sang thị trường Hàn Quốc và Singapore theo đơn hàng đặt trước
từ đầu vụ mùa chính thu hoạch trong 3 tháng 8, 9, 10 năm 2018. Còn lại 60% sản
phẩm phân phối tiêu thụ trong hệ thống siêu thị cao cấp trong nước.
Anh Đỗ Đình Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Xanh Maca Lâm
Đồng ước tính trong cả mùa vụ nghịch thu hoạch mắc ca năm 2019, công ty thu mua
khoảng 150 tấn hạt mắc ca tươi của nông dân. Và dự báo cộng thêm sản lượng
chính vụ thu hoạch vào 3 tháng 8, 9, 10/2019 tới, công ty thu mua chế biến tổng
cộng khoảng hơn 350 tấn mắc ca tươi, tăng 100 tấn tươi so với năm 2018. “ Với
dây chuyền thiết bị máy móc chế biến mắc ca hiện tại của công ty chúng tôi mới
đạt công suất 70% vào thời điểm thu mua chính vụ và 30% vào thời điểm thu mua
nghịch vụ. Bởi vậy công ty chúng tôi thường xuyên kết nối nông dân trong và
ngoài tỉnh Lâm Đồng mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất hạt mắc ca giống ghép
trong thuần kết hợp với trồng xen canh với các loại cây công nghiêp khác… ”,
Giám đốc Đỗ Đình Dũng nói.
Thực tế qua nhiều năm tự hoàn chỉnh thiết kế lắp đặt, đến nay đã
nâng cấp dây chuyền hệ thống thiết bị máy móc vận hành tự động chế biến sản
phẩm mắc ca đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất ngoại ở Công ty cổ phần Việt Xanh
Maca Lâm Đồng với tổng trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Trong khi dây chuyền với công
suất và chất lượng tương đương được nhập về từ nước ngoài hiện nay lên đến hơn
15 tỷ đồng. Lần lượt phóng viên được tiếp cận dây chuyền thiết bị chế biến mắc
ca thương hiệu Việt Xanh Lâm Đồng gồm: máy phun nước ly tâm rửa sạch hạt mắc ca
tươi, máy phân loại kích cỡ sản phẩm, hệ thống sấy khô, kho lưu trữ, dây chuyền
rang chin hạt nhân, khu vực cắt chẻ vỏ hạt mắc ca thành phẩm, hệ thống đóng gói
và dán nhãn xuất hàng. Công suất cụ thể từng bộ phận máy móc gồm: máy rửa 200kg
hạt tươi/5 phút, máy sấy khô 10 tấn/mẻ/4 ngày, máy rang chín 200kg/mẻ/60 phút,
máy chẻ hạt nhân 200kg/60 phút…Tất cả dây chuyền máy móc của “Việt Xanh” đều kết
nối hoạt động đồng bộ một nguồn điện năng, trên đó cài đặt hẹn giờ sản xuất tự
động tương ứng với từng bộ phận chức năng., nên công nhân chỉ thao tác điều
khiển ấn nút và theo dõi chỉ số hiển thị của các thiết bị đồng hồ…
Nguồn nguyên liệu mắc ca để cung cấp, vận hành đạt 70% công suất
chế biến sau 5 năm hoạt động Công ty cổ phần Việt Xanh Macca Lâm Đồng nói trên
với 100 nông hộ liên kết sản xuất, thu hoạch trong năm vừa qua trên tổng diện
tích hơn 140ha trồng thuần và trồng xen canh từ 5- 10 năm tuổi với cây cà phê,
chè. Trong đó hạch toán với cây mắc ca trồng xen canh đến năm thứ 8, 9 và thứ
10 với các loại cây trồng khác, năng suất lên đến 20- 30kg/cây (trung bình xen
canh 200 cây/ha) đạt thu nhập trên dưới 350 triệu đồng/ha/năm.
Để tăng công suất chế biến hơn nữa, đáp ứng từng bước nhu cầu
đặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Singapore… ổn định lâu dài, Công ty cổ phần
Việt Xanh Macca Lâm Đồng đang liên kết với một đơn vị chủ rừng trồng khoảng
3.000 cây “mắc ca lâm nghiệp” trên diện tích 15ha ở khu vực K’Nai, xã Phú Hội,
Đức Trọng.
Theo quy trình kỹ thuật chăm sóc 5 năm tới sẽ bắt đầu thu hoạch bói,
đạt từ 10- 15 kg/cây. Sản lượng này sẽ tăng lên đạt đến 30- 40 kg/cây từ năm
tuổi thứ 11 trở đi. “ Toàn bộ giống cây mắc ca trồng mới tập trung ở K’Nai, Phú
Hội, Đức Trọng đều là cây ghép chất lượng cao, nên yên tâm khi thu hoạch và đưa
vào chế biến đều đạt tỷ lệ xuất khẩu gần như 100%; trong khi yêu cầu này đối
với sản phẩm mắc ca thu hoạch từ cây thực sinh mới đạt trên dưới 50%... ”, Giám
đốc Đỗ Đình Dũng chia sẻ./.
THANG 4/2019