VĂN
VIỆT
Cuộc đua thuyền độc mộc kết thúc,
hẹn tranh tài trong 2 năm tới theo định kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Chia
tay hồ Lắk mỗi lần đến, du khách không chỉ hòa mình với không gian thắng cảnh
thiên nhiên trong lành, đậm chất hoang dã, mà đó còn có những trải nghiệm với
chiều sâu văn hóa đa dạng, phong phú và thấm đẫm nhân văn của đồng bào các dân
tộc anh em nơi này.
Đêm
trước ngày khai hội đua thuyền độc mộc, nhóm phóng viên chúng tôi vội vàng di
chuyển từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột đến thị trấn Liên Sơn nằm bên bờ hồ
Lắk thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trên chặng đường dài gần 60km để dừng chân
nghỉ lại, chờ sáng sớm tinh mơ sương giăng mắc trên mặt nước hồ để ngoạn cảnh,
thu vào ống kính dữ liệu ấn tượng nhất cho chuyến đi. Quả thực như khi hình
dung ban đầu, buổi sáng rảo quanh một vài cung đường chính của buôn Jun ven hồ
Lắk sương khói huyền ảo, mênh mông. Dưới bến, những chiếc thuyền độc mộc buông
neo chờ mặt trời lên đưa từng người lao động qua phần đất bên kia hồ Lắk chăm
sóc các loại cây trồng lúa, cà phê, bắp…tốt tươi, lần lượt cho hoa lợi quanh
năm. Xa xa dưới chân trời nổi lên những rặng núi rừng đặc dụng nhấp nhô, bao
bọc cả một không gian hồ Lắk rộng lớn đến mười mấy ngàn hecta. “Khu rừng núi
kia cả trăm năm trước, ông bà chúng tôi đã chọn lựa những cây gỗ sao cổ thụ đưa
về làm thành những chiếc thuyền độc mộc để lại cho con cháu hôm nay. Cứ 2 năm
một lần, những người nông dân chúng tôi được kéo nhau ra hồ Lắk reo hò với ngày
hội đua thuyền độc mộc truyền thống bao đời…”, ông Y Chông, 56 tuổi, một vận
động viên đua thuyền độc mộc có mặt ở hồ Lắk khá sớm trước giờ đua để trải lòng
với phóng viên. Ông Y Chông kể rằng từ lúc tuổi thiếu niên đã lên thuyền độc
mộc theo người lớn hàng ngày ra hồ Lắk thả lưới bắt cá hoặc qua bờ bên kia trồng
lúa, bắp… Dần dần lớn lên được giao một mình chèo lái rồi gắn bó máu thịt với
con thuyền độc mộc. Sau này, nhà nước tổ chức những cuộc đua thuyền độc mộc định
kỳ 2 năm một lần, ông Y Chông được tuyển chọn là một trong những vận động viên
tích cực tham gia phong trào tích cực rèn luyện sức khỏe cho bàn thân mình và
cho cộng đồng, góp phần bảo tồn các môn thể thao truyền thống độc đáo của Tây
Nguyên
Cuộc
đua thuyền độc mộc trên hồ Lăk hôm đó có 19 chiếc với gần 100 tay chèo, nhưng riêng
phóng viên chúng tôi được bước lên trên một chiếc thuyền độc mộc thứ 20 và
người thứ 101 cầm cây chèo lái là một phụ M’Nông bản địa, năm nay gần 50 tuổi,
tên là Mây Văm. Với 4 người con thì đã có 2 người con đầu đã bắt chồng hoặc
được rước về nhà vợ; còn lại 2 người con sau đang đi học phổ thông, Mây Văm
không còn phải tất tả ngược xuôi cùng chồng chạy lo từng bữa cơm cho gia đình
như ngày xưa nữa, nhưng với chiếc thuyền độc mộc và cây chèo vẫn như một người
bạn đồng hành thân thiết mỗi ngày. “Có ngày mình đi thả lưới bắt cá. Ngày khác
lên qua hồ Lắk để xuống đồng bón phân, làm cỏ. Hoặc ngày khác nữa chở nhiều
chuyến khách du lịch buôn Jun vòng quanh giữa hồ Lắk, mỗi chuyến kéo dài khoảng
một giờ đồng hồ… ”, Mây Văm kể. Vậy là chiếc thuyền độc mộc vẫn đều đặn cho thu
nhập cho gia đình Mây Văm mỗi ngày ? phóng viên chia sẻ bằng câu hỏi của mình,
người phụ nữ 50 tuổi Mây Văm trả lời với nụ cười chân chất, hiền lành.
Người
giới thiệu Mây Văm chèo lái đưa phóng viên đến gần đường đua bên kia bờ hồ Lăk thả
neo tác nghiệp là anh Bùi Văn Đức, thành viên Ban Tổ chức Cuộc đua thuyền độc
mộc hồ Lắk. Anh Đức cho biết, hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan hàng ngày bên cạnh hàng
chục chiếc thuyền độc mộc còn có 15 chú voi. Tất cả đều được điều khiển bởi
những tay chèo và nài voi là người dân tộc thiểu số địa phương.
Phóng
viên trò chuyện được biết anh Bùi Văn Đức năm nay ở tuổi lục thập, người gốc
miền Trung định cư và làm công việc du lịch ở buôn Jun, hồ Lắk đã ba mươi mấy
năm, nên hiểu khá tường tận niềm háo hức của du khách trong nước và quốc tế đến
thắng cảnh hồ Lắk không chỉ bước lên thuyền độc mộc ngoạn cảnh non nước, ngồi
lên lưng voi chậm rãi bước qua những ngôi nhà sàn, nhà dài của người dân tộc
bản địa Tây Nguyên, mà qua đó được trải nghiệm, thẩm thấu những câu chuyện kể,
những phong tục tập quán mang giá trị văn hóa truyền thống trường tồn nơi đây. Và
bởi vậy, những trầm tích tiềm ẩn bên trong vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên kiến
tạo của hồ Lắk, huyện Lắk luôn luôn cuốn hút sự khám phá mới mẻ của du khách
bốn phương không chỉ ở một lần đến mà với bao lần trở lại…/.
THANG 4/2019