Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Chạm vào nông nghiệp 4.0


VĂN VIỆT
Là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng đang xây dựng một nền tảng chạm vào ngưỡng công nghệ thông minh 4.0, tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro do thời tiết hoặc dịch bệnh gây hại.

Tăng năng suất 25% nhờ kết nối internet vạn vật
Một ngày cuối năm 2018, phóng viên đến triển lãm công bố Đề án “xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh đến năm 2025” và dừng lại gian hàng Mimosatek với các giải pháp nông nghiệp 4.0. Đây là công ty trong nước khởi nghiệp thành lập từ năm 2014 với các giải pháp công nghệ tự động giúp cho người sản xuất tăng năng suất mùa vụ, giảm lượng phân bón bị rửa trôi; giám sát và điều khiển các thiết bị nhà kính. Theo người phụ trách gian hàng, Công ty Mimosatek có chi nhanh tại Lâm Đồng và đã triển khai lắp đặt, vận hành thành công các hệ thống kết nối internet với thiết bị cảm biến đo độ ẩm của đất, nhiệt độ không khí, tốc độ gió… để ra lệnh điều khiển các chế độ canh tác trên nhiều khu vườn trang trại sản xuất rau, hoa Đà Lạt và vùng phụ cận. Kết quả ứng dụng tại Trang trại rau Ogarnik Đà Lạt, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng nói: Giải pháp tưới chính xác của Mimosatek đã giúp trang trại chúng tôi tiết kiệm nước và điện năng đến 30%, tăng năng suất đến 25% trong suốt 2 mùa vụ cà chua…
Cũng tăng năng suất từ 20- 25% khi áp dụng thiết bị “điện toán đám mây” tự nghiên cứu lắp đặt, gần 3 năm trước đây, thạc sĩ sinh học Nguyễn Đức Huy đã sản xuất cà chua trên diện tích 2.000m2 nhà kính ở khu vực Lữ Gia, phường 9, Đà Lạt. Đến nay, Huy đã trở thành Giám đốc HTX Thủy Canh Việt trực tiếp mở rộng sản xuất trên hệ thống nông nghiệp 4.0 với diện tích 1ha đa dạng các loại rau có giá trị cao trên thị trường. Huy chia sẻ với phóng viên rằng, khi sử dụng hệ thống tưới nước kết hợp với bón phân nhỏ giọt theo công nghệ thông thường phải cài đặt hẹn giờ hoạt động. Để nâng cấp tự động hóa hoàn toàn, Huy và các cộng sự của mình đã lắp đặt thành công hệ thống thiết bị cảm biến tự động tắt -mở tưới nước kết hợp bón phân phù hợp với diễn biến độ ẩm, nhiệt độ, nhu cầu dinh dưỡng của cây và phòng chống các bệnh hại có thể xảy ra.
Với hoa lan hồ điệp sản xuất chạm vào công nghệ 4.0, trong tháng 10/2018, phóng viên được vào tham quan Trang trại Nguyễn Phú Sơn ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh với khu vực nhà kính 2.100m2 bố trí các thiết bị cảm biến tự động tưới nước, điều hòa nhiệt độ, ánh sáng từng giờ, từng phút đạt chuẩn châu Âu. Dự kiến đón Tết Kỷ Hợi năm 2019, Trang trại xuất vườn bán khoảng 60.000 chậu lan hồ điệp chất lượng cao, giá chốt đặt hàng từ đầu năm 2018 với 130.000 đồng/chậu, thành tổng doanh thu 7,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, các thiết bị tự động thông minh lắp đặt mới trong Trang trại Nguyễn Phú Sơn đã mở rộng diện tích và tăng thêm sản lượng 20.000 chậu lan hồ điệp giống nhập khẩu từ Đài Loan.
Tạo nền tảng 60.000ha nông nghiệp công nghệ cao
Tương tự với diện tích 2.000m2 lan hồ điệp, Trang trại Trường Hoàng ( thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) đã đầu tư đồng bộ thiết bị thông minh từ hệ thống máng trượt, lưới che nắng đến khung, sườn, mái lợp nhà kính, hệ thống quạt gió…đều được lập trình vận hành qua dữ liệu điện toán đám mây. Khối nhà kính 2.000m2 với những thiết bị 4.0 ở đây đều nhập về châu Âu và được các chuyên gia nông nghiệp Hà Lan lắp đặt, chuyển giao công nghệ cho Trang trại Trường Hoàng, tổng kinh phí 8 tỷ đồng vào thời điểm năm 2012. Đến nay được biết, thương hiệu hoa lan hồ điệp Trường Hoàng đã mở rộng cả chục ngàn mét vuông nhà kính từ địa bàn huyện Đức Trọng đến huyện Đơn Dương, trở thành mô hình mẫu để nông dân trong tỉnh Lâm Đồng tiếp cận và ứng dụng nhân rộng công nghệ  4.0 trên từng khu vườn của mình…
Theo khảo sát mới đây của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, các mô hình chạm vào nông nghiệp 4.0 nêu trên nằm trong tổng số 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất hơn 60ha các loại cây trồng trên địa bàn. Cụ thể chiếm nhiều diện tích ứng dụng 4.0 là cây hoa gần 44ha, cây đặc sản và cây chè 10ha, rau hơn 6ha.    “Các doanh nghiệp, nhà nông ứng dụng công nghệ kết nối internet vạn vật (IoT) trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng đã tạo bước chuyển mới hiệu quả, thiết thực và chuẩn xác trong quản trị sản xuất, quản lý kho hàng, bán hàng, tài chính, thông tin sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…Trong đó tiêu biểu ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất đạt giá trị kinh tế cao như các Công ty TNHH Dalat Hasfarm, Công ty TNHH Đầu tư SXPTNT Vineco; Trường Hoàng… ”, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng nhận định.
Định hướng đến năm 2020, Lâm Đồng xác định công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực then chốt để tập trung đào tạo cho đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật cao, qua đó tăng cường tập huấn, chuyển giao cho nông dân địa phương mở rộng ứng dụng vào sản xuất. Và trong mục tiêu đạt tỷ lệ 20% (khoảng 60.000ha) diện tích ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng tiếp tục chạm vào nông nghiệp 4.0 với quy mô ngày càng lớn hơn và chất lượng sản phẩm không ngừng nâng cao, khẳng định uy tín và giá trị khi gắn thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”…/.
THÁNG 12/2018