VĂN VIỆT
Tiếp cận
với công nghệ kết nối internet vạn vật, Làng hoa Thái Phiên Đà Lạt bắt đầu xuất
hiện các quy trình đưa hoa cúc lên dữ liệu điện toán đám mây để quản lý, chăm
sóc theo các chế độ tự động thông minh, mở ra hướng đột phá công nghệ cao trong
sản xuất rau, hoa quy mô hộ gia đình.
Giữa tháng 1/2019, phóng viên tiếp cận với
1ha hoa cúc ứng dụng công nghệ thông tin điều khiển tưới tự động ở khu vực
“vùng sâu” của Làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt. Chủ vườn Lê Văn Hải (một nông dân sản
xuất giỏi toàn quốc nhiều năm liền) cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh (smartphone)
để kiểm tra độ ẩm của đất, nhiệt độ trong nhà kính, độ ẩm không khí, dự báo thời
tiết… để lập trình mặc định chế độ tưới nước, bón phân trong chu kỳ 3 ngày tới.
Đây là chiếc điện thoại đã cài đặt phần mềm kết nối mạng internet, hàng ngày tự
động lưu giữ toàn bộ nhật ký chăm sóc lên dữ liệu điện toán đám mây. Trước đó vào
giữa năm 2016, được sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật của ngành nông nghiệp Lâm Đồng,
khu vườn chuyên canh hoa cúc trên 1ha của anh Lê Văn Hải được lắp đặt bộ điều
khiển tự động tưới nước kết hợp với bón phân nhỏ giọt, xây dựng thành mô hình để
đúc kết nhân rộng trên địa bàn. Là một nông dân luôn tích cực tự nghiên cứu,
xây dựng phòng cấy mô và khu vườn ươm khép kín sản xuất hơn 10 giống hoa cúc sạch
bệnh từ 15 năm về trước, anh Hải đã nhanh chóng hợp tác đóng góp 50% vốn đối ứng,
đồng thời bố trí, định vị trở lại toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước, bể chứa
nước, béc phun, dây dẫn điện, đèn chiếu sáng…trong căn nhà kính mô hình sản xuất
1ha hoa cúc thương phẩm vừa nêu.
Cụ thể ở từng công đoạn thiết kế lắp đặt mới
kết hợp tận dụng và thay thế đầy đủ thiết bị phục vụ sản xuất trên 1ha hoa cúc
chuyên canh, anh Hải cho biết: “Trước hết tiến hành nâng cấp 1 chiếc giếng đào sâu
60m lấy nước với tổng kinh phí 35 triệu đồng. Tiếp theo gồm đầu tư khoảng 30
triệu đồng xây bể chứa nước, 150 triệu đồng hệ thống ống dẫn nước và béc phun,
25 triệu đồng đường dây dẫn điện, 12 triệu đồng bóng điện thắp sáng… ” Toàn bộ dây
chuyền vận hành này từ tháng 5/2016 trở về trước, nông dân Lê Văn Hải phải bố
trí mỗi ngày 3 nhân công lao động trên diện tích 1ha vườn hoa cúc, thao tác bằng
tay bật công tắc tắt - mở tưới nước, bón phân. Theo đó với thời vụ hoa cúc trên
dưới 100 ngày thì giai đoạn cây con sau 30 ngày xuống giống trồng cần canh trực
tưới bằng béc phun liên tục 15 phút/ngày. Đến giai đoạn hoa cúc trưởng thành
kéo dài khoảng 60 ngày sau, cứ 3 ngày tưới 1 lần kéo dài đến 30 phút. Bên cạnh
đó còn phải bón phân bằng tay rải đều dưới từng hàng gốc cây hoa cúc; một nhân
công trực tiếp bón phân 4 lần mỗi vụ trên khu vực 1.000m2 sản xuất.
Chuyển sang điều khiển thiết bị tự động bằng
điện thoại thông minh hoặc bằng remote khoảng cách hàng trăm mét, chủ vườn Lê
Văn Hải hàng ngày chỉ bố trí 1 nhân công thăm vườn hoa cúc 1ha vào đầu giờ buổi
sáng và cuối giờ buổi chiều, chủ yếu nhằm theo dõi về diễn biến sinh trưởng của
cây, dự báo những mầm bệnh có thể phát sinh gây hại để áp dụng các biện pháp
phòng trừ kịp thời. “ Ưu việt trước hết đối với việc áp dụng công nghệ thông
tin tự động điều khiển và lưu dữ liệu chăm sóc hoa cúc trên điện toán đám mây để
theo dõi, làm cơ sở đưa ra các giải pháp tưới nước, bón phân với liều lượng
thích hợp và đạt hiệu quả cao nhất, trong đó chất lượng hoa cắt cành thu hoạch với
tỷ lệ đồng đều khá cao. Và đặc biệt đã tiết kiệm rất nhiều thời gian trong
ngày. Vì có thể vừa chăm sóc hoa cúc thương phẩm trên điện thoại thông minh, vừa
điều hành phòng cấy mô và vườn ươm cây giống trên tổng diện tích 4ha của hộ gia
đình chúng tôi tại Làng hoa Thái Phiên…”, chủ nhân Lê Văn Hải chia sẻ.
Hiện tại có nhiều hộ nông dân ở Làng hoa
Thái Phiên đến tham khảo mô hình đưa hoa cúc lên điện toán đám mây của anh Lê
Văn Hải, qua đó lên kế hoạch ứng dụng trên diện tích nhà kính của mình. Những
năm tới đây, anh Hải tiếp tục tính toán đến việc đầu tư mở rộng các thiết bị kết
nối internet tự động điều hòa nhiệt độ, ánh sáng ban ngày, thắp đèn điện ban
đêm, tăng - giảm chế độ tưới nước, bón phân, phòng trừ bệnh hại bằng biện pháp
sinh học...đối với hoa cúc chuyên canh trên từng hàng cây, luống cây và từng diện
tích nhà kính của mình.
THÁNG 01/2019