Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp- góc nhìn tổng quan


VĂN VIỆT
Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Lâm Đồng với những thành tựu đáng kể về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới quan hệ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới...Dẫu vậy vẫn còn đó nhiều khó khăn thách thức, cần một góc nhìn tổng quan mới để đánh giá đầy đủ thực trạng và nguyên nhân, làm cơ sở triển khai những giải pháp phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn.

Chuyển dịch đúng hướng, hình thành những vùng chuyên canh
Đánh giá chung cho biết, sau 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 2 năm  thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, sản xuất tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt là áp dụng công nghệ cao trên các cây trồng chủ lực như rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản…với tổng diện tích ổn định canh tác gần 280.000ha.
Kết quả tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng đạt 5,5%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của ngành nông nghiệp cả nước. Phần lớn các tỷ lệ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực đều đạt và vượt chỉ tiêu. Cụ thể lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ tăng lần lượt gần 5%, 6,5% và 1,3%. Bình quân mỗi năm tăng năng suất cây trồng 3-5%; chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng 5,2%. Tổng số 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng 3% so với năm 2015. Những chỉ tiêu khác cũng đạt ở mức khả quan gồm: 62% diện tích tưới nước tiết kiệm, 88% dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, 40% lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp, 38% nông sản tiêu thụ theo hợp đồng; đạt chuẩn bình quân 17,5% tiêu chí nông thôn mới/xã. Ngoài ra, toàn tỉnh Lâm Đồng giảm 12% diện tích đất sản xuất thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm.
“Nhìn chung cơ cấu cây trồng ở Lâm Đồng dịch chuyển đúng định hướng, tập trung đi vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sinh thái. Qua đó hình thành những vùng chuyên canh về cây công nghiệp, rau, hoa với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Các hình thức liên kết đã chứng minh hiệu quả sản xuất gắn với tiêu thụ. Thương hiệu nông sản Lâm Đồng ngày càng khẳng định giá trị và năng lực cạnh tranh trong thị trường trong nước và xuất khẩu…”, Sở NN&PTNT Lâm Đồng nhận định.
Khắc phục yếu kém để đạt 60.000ha ứng dụng công nghệ cao
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đã nhìn nhận những yếu kém bộc lộ sau 5 năm tái cơ cấu. Cụ thể cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch còn nặng về trồng trọt; tỷ trọng ngành chăn nuôi 15,5% và dịch vụ 3,1% là còn quá thấp. Sản xuất phần lớn tập trung cải tiến giống mới, hoàn chỉnh quy trình canh tác để tăng năng suất và chất lượng, trong khi chưa đầu tư đúng mức cho dây chuyền công nghệ sơ chế, đóng gói tại địa phương. Người nông dân chưa nhận thức đầy đủ và chưa hình thành thói quen sản xuất các giống có bản quyền, từ đó hạn chế khả năng xuất khẩu nông sản của địa phương. Đáng nói về hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và nâng cao đời sống của người dân, trong đó công tác quản lý thủy lợi, nước sạch ở một số nơi còn kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn nước tự nhiên.
Nguyên nhân chính dẫn đến những yếu kém vừa nêu, đó là chất lượng xây dựng và tiến độ thực hiện các đề án tái cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn chậm. Một số đề án chỉ phê duyệt triển khai hàng năm, không phê duyệt toàn giai đoạn, dẫn đến thiếu tính tổng quát trong quá trình thực hiện. Đến nay chỉ có 1/15 vùng nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương được công nhận.
Mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp Lâm Đồng đến năm 2020 đạt giá trị sản xuất bình quân 170 triệu đồng/ha/năm. Trong đó gồm 60.000ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ít nhất 50% sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi sản xuất an toàn. Bình quân mỗi năm tăng 6% tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm. Để đạt và vượt các chỉ tiêu này, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục xác định những nhóm giải pháp chủ yếu để phối hợp thực hiện đồng bộ “việc áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, tưới nước, chăm bón, bón phân và thu hoạch phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi, tập trung vào một số vùng sản xuất hàng hóa lớn, thiếu lao động…Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào ( giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) phòng, chống lụt bão và dịch bệnh cho cây trồng nhằm giảm thiểu những thiệt hại xảy ra trong quá trình sản xuất… ”
Và nhóm giải pháp tổng quan của Lâm Đồng vẫn “tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh liên kết, xây dựng và phát triển thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn… ”./.
*THANG 01/2019