VĂN VIỆT
Rau họ cà là cây trồng chủ lực, nhiều lợi thế
cạnh tranh ở các vùng nông nghiệp Đơn
Dương, Đức Trọng, Đà Lạt, Lạc Dương, nhưng do dịch bệnh xoăn lá virus khiến diện
tích và sản lượng không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất
trong nhiều năm qua.
Bởi vậy việc đảm bảo nguồn giống rau họ cà sạch bệnh trước
khi đưa vào canh tác đang là một trong những vấn đề cấp thiết từ nhiều phía quản
lý nhà nước, sản xuất kinh doanh và gieo trồng chăm sóc...
Cây nhiễm virus, năng suất và giá trị thấp
Thống kê của
Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng, hàng năm trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn
Dương, Đà Lạt và Lạc Dương, nông dân xuống giống trồng cây rau họ cà trên diện
tích từ 13.300ha đến gần 13.600ha, chiếm 25% tổng diện tích rau các loại trên
toàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó chiếm hơn 90% cà chua, khoai tây và ớt ngọt; 10%
còn lại là cà tím, ớt cay và cà pháo. So sánh trong 6 năm đã qua, tổng sản lượng
rau họ cà Lâm Đồng đạt từ gần 512- 544.000 tấn/năm. Thông qua đầu mối các cơ sở
thu mua và thông qua hình thức sản xuất liên kết với hàng chục hợp tác xã, tổ hợp
tác trên địa bàn, rau họ cà Lâm Đồng tiêu thụ khoảng 90% sản lượng đến hệ thống
siêu thị, các khu vực chợ trung tâm ở thành phố Hồ Chí Minh ra các tỉnh miền
Trung và Hà Nội; 10% sản lượng được chế biến xuất khẩu đến các thị trường Singapore,
Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nếu tính mức
giá 9 tháng đầu năm 2018 cao nhất rau họ cà là ớt chuông vàng với gần 29.000 đồng/kg,
nhân với năng suất đạt đỉnh 45 tấn/ha/năm, thành tổng doanh thu hơn 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên mức giá thấp nhất của rau họ cà lại là cà chua riêng trong tháng
8/2018 vừa qua lại “bắt đáy” còn 3.300 đồng/kg, nhân với năng suất bình quân khoảng
45 tấn/ha, kết quả thu vào chưa đầy 150 triệu đồng/ha/năm. Nếu khấu trừ tất cả
chi phí thì người trồng cà chua thu hoạch trong thời điểm này đều lỗ công lao động
và lỗ cả tiền mua giống cây.
Như vậy với 2 kết
quả “tương phản” của 2 loại rau họ cà (ớt chuông vàng) và cà chua vừa nêu cho
thấy, tiềm năng, lợi thế rất dồi dào, nhưng nếu sản xuất thiếu quản lý được dịch
hại tổng hợp thì không chỉ năng suất kém mà chất lượng thu hoạch xuống thấp, khiến
thị trường giá cả kéo theo “lao dốc”.
Cụ thể nguyên nhân chính ở đây là dịch hại
virus lây lan xoăn lá cà chua từ năm 2016 đến nay, phần lớn người sản xuất vẫn
chưa kịp thời áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả sạch bệnh ngay từ cây giống
gốc đưa về trồng. Trong khi đó về phía quản lý nhà nước, Chi cục TT&BVTV
Lâm Đồng đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp 2 huyện Đức Trọng và
Đơn Dương tổ chức tập huấn cho 85 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cà chua về
các nội dung thiết kế vườn ươm, quản lý cây giống sạch bệnh.
Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn giống xuất vườn
Đến năm 2017,
Chi cục kiểm tra đồng loạt gần 15 cơ sở vườn ươm các giống rau họ cà như cà
chua, cà tím, ớt ngọt, cà pháo, qua đó lấy 33 mẫu cây giống và 16 mẫu hạt giống
đưa đi phân tích, kiểm nghiệm với những kết quả gần như đã dự báo trước. Theo
đó, cà chua nhiễm virus ToMV đến 60% mẫu hạt giống ngọn ghép và 33,3% mẫu hạt giống gốc
ghép. Và cũng bị nhiễm virus này ở vườn ươm cây cà chua ghép chiếm tỷ lệ từ 80-
87,5%. Riêng vườn ươm cây giống cà tím và ớt ngọt chiếm tỷ lệ lần lượt từ 50% đến
100% số cây nhiễm virus ToMV và CMV.
Đến năm
2018, Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng tiếp
tục hướng dẫn các vườn ươm Tiến Trâm, Thiên Sinh, Biết Huệ tọa lạc trên địa bàn
2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng thiết kế và kiểm soát chất lượng sản xuất các giống
cây họ cà khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn cơ sở xuất vườn; bên cạnh đó còn hỗ trợ lắp
đặt 4.000m2 lưới chắn côn trùng, lưới chắn nắng. Ngoài ra còn phối hợp
với Công ty TNHH Thương mại hạt giống nông sản Phù Sa cấp phát 5.000 bẫy vàng cho
nông dân phòng trừ, tiêu diệt các đối tượng lây truyền virus như bọ trĩ, bọ phấn,
ruồi đục lá…,đạt mật độ150 bẫy/1.000m2. Tuy nhiên, hiện các nguồn giống
cây họ cà sản xuất trên các vùng nông nghiệp Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt, Lạc
Dương đôi lúc đôi nơi vẫn chưa thực sự kiểm soát chặt chẽ, nên vẫn còn “lọt lưới”
nguồn giống đầu vào kém chất lượng, nhiễm
bệnh từ các vườn ươm tự phát “3 không” (không đăng ký kinh doanh, không kiểm
soát bệnh hại và không công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống xuất vườn). Còn ở
ngoài đồng sản xuất thì thành phần virus lây nhiễm xoăn lá trên cây rau họ cà ngày
một phát triển rất đa dạng như ToMV, CMV,
TYLCV, TNRV…, hiện vẫn không có thuốc bảo vệ thực vật đặc trị; nhưng người nông
dân chưa chú trọng đến việc thu gom, tiêu hủy, ngăn chặn các tàn dư lan truyền dịch
bệnh…
Để khôi phục vùng
chuyên canh rau họ cà sạch bệnh ở Lâm Đồng, thiết nghĩ trước hết phải tăng cường
hướng dẫn nông dân mua giống cây sạch virus từ các cơ sở sản xuất kinh doanh
công bố đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn cơ sở. Biện pháp tiếp theo cũng cần vận động
nông dân ưu tiên nguồn vốn đầu tư đưa rau họ cà vào nhà lưới, nhà kính sản xuất
để ngăn chặn côn trùng chích hút truyền bệnh. Và biện pháp thường xuyên là tổ
chức quản lý, áp dụng đồng loạt biện pháp đặt bẫy dẫn dụ, tiêu diệt bọ phấn, bọ
trĩ và các loại côn trùng truyền bệnh; khi nhổ bỏ, tiêu hủy số cây bị bệnh phải
sử dụng dụng cụ bảo hộ để tránh lây lan; sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật để
phòng trừ kịp thời các đối tượng trung gian lan truyền virus xoăn lá họ cà như bọ
cưa, ruồi hại lá, rầy rệp, bọ trĩ, bọ phấn…/.
THÁNG 10/2018