Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Đi qua “cánh đồng 05” Bài 3, Cây trồng hiện đại- hướng đột phá mới


VĂN VIỆT
Những cuộc chuyển dịch cây trồng hiện đại, ổn định và bền vững theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định những khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao mới với sức cạnh tranh hàng hóa nông sản nâng cao, chủ động hội nhập quốc tế. Hướng đột phá trong 2 năm tới, Lâm Đồng phấn đấu đạt giá trị sản phẩm cây trồng hiện đại từ 35-40% trên tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp địa phương.

Nhà nông chọn tạo giống ghép, nhà nước công bố tiêu chuẩn
   Hạ tuần tháng 10/2018, phóng viên được nông gia Nguyễn Quốc Thắng, chủ Vườn ươm Thiên Sinh (xã Lạc Lâm, Đơn Dương) cho biết ước tính trong cả năm 2018 đã xuất vườn khoảng 6 triệu cây giống rau các loại có nguồn gốc từ Mỹ và châu Âu. Và đây cũng là sản lượng cây giống bình quân trong ba năm qua của vườn ươm công nghệ cao với 2ha nhà kính cung cấp theo đặt hàng sản xuất của nông dân các vùng rau Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt và sang đến tỉnh Đắk Nông. Trong đó chiếm 25% cây cà chua giống ghép; 75% còn lại khoảng 20 loại rau khác. Đó là những giống rau ươm trồng trong điều kiện sạch bệnh, sinh trưởng khỏe mạnh; khi đưa ra trồng trên “cánh đồng 05” với quy trình chăm sóc hiện đại, đạt lợi nhuận từ 300- 500 triệu đồng/ha/năm như: xà lách, hành lá, cải sú…; cá biệt có thể đạt lợi nhuận đến trên dưới 1 tỷ đồng/năm như ớt ngọt.
Cùng thời điểm này, Sở NN&PTNT Lâm Đồng công bố quy trình sản xuất giống cà chua ghép đạt tiêu chuẩn chất lượng của Vườn ươm Thiên Sinh cho nông dân Lâm Đồng tiếp cận, chọn lựa sản xuất phù hợp trên diện tích đất vườn của mình. Theo đó, Vườn ươm Thiên Sinh được phân bổ thành các khu vườn ươm nhà kính và khu vận hành máy móc, thiết bị, trộn giá thể, ghép cây…riêng biệt và  và cách ly với khu vực trồng trọt bên ngoài để dễ kiểm soát sâu bệnh và côn trùng. Riêng cây cà chua với kỹ thuật sản xuất giá thể gồm tỷ lệ 50% xơ dừa, 30% than bùn và 20% phân gia súc. Hạt giống trước khi gieo được xử lý nhiệt độ từ 45- 50 độ C; giảm lượng nước tưới sau khi cây ra lá từ 12- 15 ngày. Cây giống ghép sau 3 ngày đưa vào phòng phục hồi, tưới sương mù 30 phút một lần. Đến 12 ngày sau, cây giống cà chua ghép xuất vườn đạt chiều cao 15- 20cm, đường kính gốc 0,2- 0,3cm, mỗi cây từ 4- 5 lá…
Nếu nông dân ở vùng rau mang thương hiệu Đà Lạt yên tâm với một trong những địa chỉ cung cấp nguồn giống hiện đại như vườn ươm mẫu Thiên Sinh thì tương tự ở vùng cà phê Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà có vườn ươm giống cà phê Trường Sơn đầu dòng quen thuộc ở Lâm Đồng. Phóng viên đến đây vào giữa năm 2018 mới hay niềm đam mê chọn tạo từ mầm chồi cà phê của chủ nhân “7X” Phạm Quang Sơn đã góp phần tích cực thay đổi cuộc sống khấm khá hơn cho nhiều khu vực nông thôn địa phương. Trong đó dấu mốc gắn nhãn tên Trường Sơn (viết tắt TS) trong năm 2018 là cây giống TS5 xanh lùn hiện đại, được Sở NN&PTNT Lâm Đồng công nhận giống đầu dòng thứ 4 trong hơn 10 năm qua. Thực tế giống TS5 xanh lùn đã được nông dân trồng khảo nghiệm thành công năng suất hàng năm trên mỗi hecta từ 3 tấn đến 5 tấn và 7 tấn từ các vùng chuyên canh cà phê Lâm Đồng “xâm canh” qua vùng Bắc Tây Nguyên (Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông), xuống các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu..). Trước đó là 3 giống cây cà phê hiện đại TS1, TS2 và TS4 đã ổn định mật độ 1.100 cây/ha, năng suất 5- 7 tấn/ha/năm. Và giống cây cà phê xanh lùn TS5, mật độ 1.500 cây/ha là “sự kế tục” xứng đáng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu Trường Sơn. Mùa tái canh cà phê năm 2018, giống cà phê TS5 tiêu thụ 500.000 cây theo đơn đặt hàng, giá 12.000 đồng/cây. Tương ứng với phần diện tích tăng thêm hơn 330ha cà phê tái canh trồng mới với triển vọng lợi nhuận đột phá bắt đầu từ 3 năm tới…
Cộng 2 Vườn ươm Thiên Sinh và Vườn ươm Trường Sơn nói trên thì toàn tỉnh Lâm Đồng đến tháng 10/2018 có đến hơn 300 cơ sở sản xuất trên dưới 2 tỷ cây giống ghép hiện đại mỗi năm. Đặc biệt mỗi năm còn có hơn 80ha vườn cây đầu dòng sản xuất và nhân giống ghép mới 11 triệu cây công nghiệp và cây ăn quả. Bên cạnh đó hàng năm có gần 55 cơ sở nuôi cấy mô giống rau, hoa với 45 triệu cây nối tiếp nhau sinh trưởng phủ xanh trù phú trên những “cánh đồng 05” của vùng nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng.
Ba tiểu vùng cùng chuyển đổi
Theo từng điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tự nhiên, tỉnh Lâm Đồng quy hoạch 3 tiểu vùng sinh thái rau, hoa, cây ngắn ngày (Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương); cà phê, chè (Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc); cây ăn quả và cây lương thực (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên). Đưa Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về xây dựng nền nông nghiệp ổn định và bền vững hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, ngành nông nghiệp địa phương đã vào cuộc tổ chức, vận động và hỗ trợ 3 tiểu vùng cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện đại, tạo nên diện mạo “cánh đồng 05” mới với nhiều triển vọng mở ra phía trước.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 theo Nghị quyết 05 ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Sở NN & PTNT Lâm Đồng đã ban hành chương trình hành động hoàn thiện, bổ sung các quy hoạch cây trồng chủ lực; đồng thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong ngành, doanh nghiệp, hộ nông dân từ đó cụ thể hóa vào sản xuất. Theo đó, Sở NN & PTNT Lâm Đồng đã tham mưu hình thành 7 khu 19 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 6.000ha rau, hoa, chè, sầu riêng, cà phê, lúa.. trên tất cả 12 huyện, thành phố của tỉnh; đồng thời lựa chọn, phê duyệt 10 đề án trọng tâm chuyển đổi giống cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành và phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Tính chung tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay ổn định gần 300.000ha. Kết quả thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, các cây trồng tiếp tục được chuyển dịch, cơ cấu một cách hợp lý, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng vùng sinh thái. Cụ thể, diện tích rau, hoa tăng nhanh theo cả 2 hướng canh tác và hệ số sử dụng. Địa bàn trồng rau, hoa được mở rộng từ Đà Lạt và các vùng phụ cận xuống huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Cộng lại 5 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi khoảng 4.000ha đất trồng cây hàng năm (lúa 1 vụ) và cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng rau, hoa (Nghị quyết chuyển đổi từ 1.500 - 2.000ha). Tổng diện tích rau đạt 66.250 ha (gần 2,4 triệu tấn); hoa đạt hơn 9.260 ha (3,3 tỷ cành), năng suất bình quân hàng năm lần lượt tăng 4,8%. và tăng 3,7%. Đặc biệt diện tích rau, hoa công nghệ cao đạt tỷ lệ 95% diện tích canh tác (Nghị quyết 05 là 75%). Riêng tỷ lệ rau sơ chế đạt 54% tổng sản lượng, (vượt 14% Nghị quyết 05).
Với cây cà phê, Lâm Đồng đã tái canh gần 54.330ha, tăng năng suất từ 27tạ/ha lên 31,5 tạ/ha; cá biệt đạt 70 - 80tạ/ha. Đến nay có 56.880ha cà phê cấp chứng nhận bền vững UTZ, 4C, Rainforest..;hình thành 1.500ha cà phê ứng dụng công nghệ cao. Cây chè đã thay thế hơn 2.020ha giống cao sản; cấp chứng nhận VietGAP gần 500ha; tiếp tục đầu tư 600ha chè chất lượng cao ở huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.
Các cây trồng khác cũng vào cuộc chuyển đổi đạt hiệu quả gồm: 27.430ha lúa chất lượng cao tại các huyện Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, sản lượng 267.600 tấn. Diện tích 315 ha cây dược liệu atiso, đảng sâm, đương quy, diệp hạ châu, nấm linh chi... với giá trị sản xuất khoảng 700 triệu đồng/ha, cao gấp 4 lần so với giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh Lâm Đồng. Cây dâu tằm đạt 6.500 ha, tăng 73% so với năm 2013.
“Ngoài ra còn có gần 17.000ha cây ăn quả cho thu nhập từ 250 - 300 triệu/ha, cá biệt lên đến 1 tỷ đồng/ha, trồng xen gần 3.500ha mắc ca...Đến hết năm 2018, toàn tỉnh Lâm Đồng còn 55.600ha có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm, tương ứng giảm từ 32% năm 2015 xuống còn 20%. Như vậy Lâm Đồng đã giảm hơn 30.000 ha đất sản xuất kém hiệu quả, đạt 100% chỉ tiêu đến năm 2020....”, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đánh giá.
Và thực tế đi qua những “cánh đồng 05” đạt và vượt nhiều chỉ tiêu ngay từ bước xuất phát như vậy, phóng viên dự báo triển vọng đang mở ra tầm nhìn đột phá của ngành nông nghiệp Lâm Đồng ổn định, bền vững và hiện đại đến năm 2025. /.
THÁNG 10/2018