VĂN VIỆT
Với mục tiêu “hình thành và phát triển chuỗi giá trị, tổ chức mạng lưới
thu mua, tiêu thụ nông sản hợp lý, tăng thu nhập cho nông dân, đáp ứng yêu cầu
hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… ” theo Nghị Quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng,
trên nhiều cánh đồng thực hành công nghệ cao đã xuất hiện ngày càng nhiều những
mô hình chủ động mở rộng liên kết sản xuất, giảm đáng kể chi phí trung gian cả
hai khâu đầu vào- đầu ra trên thương trường.
Quy trình sản xuất hiện đại, giá trị sản phẩm tăng 20%
Trong một ngày khảo sát nông nghiệp
công nghệ cao ở Đà Lạt và vùng phụ cận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến
rất quan tâm đọc kỹ các dòng nhật ký nông vụ gắn bên từng luống rau, thửa vườn.
Theo đó, người nông dân công nghệ cao hàng ngày ra đồng đều ghi chép chi tiết
thời điểm xuống giống cây trồng, tưới nước, bón phân, thu hoạch ở mỗi lứa rau sản
xuất theo hợp đồng liên kết. Điều này không chỉ xác định quy trình kỹ thuật sản
xuất an toàn tối ưu qua từng mùa vụ mà còn tạo niềm tin, sự an tâm đối với
khách hàng sử dụng rau mang thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Qua đó cho thấy một thế hệ nông dân mới xứng đáng kế thừa tinh thần lao động hăng
say, sáng tạo của thế hệ nông dân đi trước, đồng thời tích cực tìm tòi học hỏi,
kịp thời tiếp cận, ứng dụng sản xuất phù hợp và từng bước làm chủ khoa học kỹ
thuật mới theo bước tiến công nghệ của toàn cầu. “Bây giờ vận hành tưới nước nhỏ giọt kết hợp
với châm phân tự động xuống gốc rau, hoa trồng trực tiếp dưới đất hoặc trên giá
thể xơ dừa, tro trấu…khá phổ biến ở hộ gia đình thành viên các hợp tác xã. Đây
là một công đoạn sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, kết quả đã giảm đáng kể các
khâu trung gian tiêu thụ sản phẩm, bởi vậy đối với chính sách tỉnh Lâm Đồng
luôn luôn khuyến khích hỗ trợ phát triển…”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân
Tiến trò chuyện với nhiều nông hộ trên “cánh đồng 05” ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn
Dương.
Phóng viên cũng đã ghi chép những số
liệu của nông hộ Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1973) ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương
báo cáo Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến về kết quả sản xuất liên kết với
HTX Nông nghiệp Thiện Thanh ở địa phương. Đó là trên diện tích 7.000m2
nhà kính trồng dưa leo trên luống đất phủ bạt nhô cao lên mặt đất hoặc trong bịch
giá thể lớn có bắc đường dây tưới nhỏ giọt. Qua thiết bị cảm biến, các van tưới
nhỏ giọt tự động đóng - mở theo nhu cầu dinh dưỡng của cây dưa leo ở mỗi giai
đoạn sinh trưởng khác nhau. Và qua đầu mối tiêu thụ ổn định của HTX Thiện Thanh
với mức giá trung bình 15- 16.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 7.000m2 của
nông gia Nguyễn Thanh Nhàn đạt gần 500 triệu đồng trong một năm vừa qua.
Giám đốc
HTX Nông nghiệp Thiện Thanh- anh Trần Thiện Thanh (sinh năm 1984) xác nhận nông
hộ Nguyễn Thanh Nhàn là một trong gần 50 nông hộ liên kết với HTX sản xuất hơn
75ha rau các loại đạt chuẩn VietGAP, sản lượng tiêu thụ ổn định hàng năm hơn
10.000 tấn. Giá thu mua của HTX thường cao hơn mức giá thu mua của thương lái
trung gian trên dưới 20%. Đáng kể hàng năm, HTX cho nông hộ thành viên vay ứng
trước không lãi suất bằng phân bón tương ứng với giá trị từ 200 triệu đồng đến
500 triệu đồng/hộ…
Lan tỏa chuỗi liên kết giá trị sản phẩm thế
mạnh
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Lâm
Đồng, HTX Nông nghiệp Thiện Thanh là 1 trong 35 mô hình HTX liên kết sản xuất
theo chuỗi giá trị trên địa bàn. Đồng
hành HTX liên kết còn có 75 doanh nghiệp, 42 Tổ Hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và 12.570
hộ nông dân. Đặc biệt trong đó có gần 70 chuỗi liên kết đã được các tổ chức
trong nước và quốc tế cấp chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Tại một diễn đàn nông nghiệp 4.0 toàn
quốc vừa qua, tiến sĩ Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh việc xây
dựng và mở rộng liên kết sản xuất là một trong 4 yếu tố cốt lõi để xây dựng nền
tảng nông nghiệp công nghệ cao ổn định, bền vững và hiện đại. 3 yếu còn lại gồm
khoa học công nghệ làm then chốt, doanh nghiệp làm nòng cốt và nông dân làm chủ
thể. Theo đó với nhiều chính sách hỗ trợ
cùng các giải pháp động lực khác, Lâm Đồng đã và đang hình thành và phát triển hệ
thống chuỗi liên kết hầu hết các phẩm chủ lực trên địa
bàn.
Đáng kể trước hết với hơn 60 chuỗi
liên kết gần 1.800 nông hộ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ gần 190.000 tấn rau, củ,
quả mỗi năm ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh (60%); các tỉnh Nam Bộ (10%); miền
Bắc, miền Trung và Tây Nguyên (30%). Tiếp theo gồm các chuỗi liên kết sản xuất,
sơ chế và tiêu thụ hàng năm hơn 40.200 tấn chè búp tươi (20 chuỗi, 305 nông hộ,
gần 1.700ha); hơn 46.200 tấn cà phê nhân (10 chuỗi, gần 7.300 nông hộ, hơn
8.600ha); 55triệu cành hoa (5 chuỗi, 255 nông hộ, hơn 130ha). Còn lại gồm sản
phẩm các chuỗi liên kết giá trị tiêu thụ ổn định mỗi năm như: hơn 8.500 tấn
trái cây (4 chuỗi, hơn 70 nông hộ, gần 305ha); gần 4.400 tấn lúa (4 chuỗi, hơn
320 nông hộ, gần 500ha); gần 2.900 tấn dược liệu (5 chuỗi, hơn 130 nông hộ, gần
100ha)…
Để tiếp tục lan tỏa mô hình liên kết
theo chuỗi giá trị các sản phẩm thế mạnh ổn định, bền vững và hiện đại theo
tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Sở NN&PTNT Lâm Đồng xác định các
giải pháp mang tính khả thi trong 2 năm tới sẽ xây dựng các vùng sản xuất tập
trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng
tiêu thụ sản lượng lớn với giá cả ổn định, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động khác sẽ ưu tiên hỗ trợ đầu
tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nội đồng, thủy lợi, kho chứa…phục vụ
nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở các vùng sản xuất tập trung này…/.
Bài 3, Cây trồng hiện đại- hướng đột phá mới
THÁNG 10/2018