Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Đi qua “cánh đồng 05”


VĂN VIỆT
LTS: Chưa tới hai năm thực hiện Nghị Quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, những cánh đồng đa dạng cây trồng lợi thế đặc trưng từ Đà Lạt xuôi xuống các huyện xa nhất ở phía Nam đã và đang tạo ra bước chuyển tích cực, hình thành từng chuỗi liên kết sản xuất gắn với thị trường để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất. Đi qua những “cánh đồng 05” này, phóng viên đã ghi nhận những nguồn động lực mới.

Bài 1. Khi đồng đất được “làm mới”
Thông qua cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị từ cơ sở, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng từng bước hiện thực hóa rõ nét trên mỗi khu vườn canh tác“làm mới”. Từ đây cách nghĩ, cách làm của những thế hệ nông dân Lâm Đồng cũng đã thay đổi theo xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh toàn cầu.
Từ nông hộ vươn lên thành hộ doanh nghiệp
Trong năm 2018, phóng viên được theo Đoàn Công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng khảo sát những điển hình lan tỏa làm giàu trên những “cánh đồng 05” ở Đà Lạt và vùng phụ cận. Phần lớn những sản phẩm rau ở đây sản xuất theo quy trình VietGAP và hoa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao đều được gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”, “Hoa Đà Lạt” khi đưa ra thị trường. Sau buổi đầu tiên đi qua các vườn dưa leo, ớt ngọt, cà chua trồng trên giá thể xanh tốt, trĩu quả và ngập đầy hoa lá chạy dọc ven những cung đường bê tông các xã Đạ Ròn, Tu Tra, Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, Trưởng Đoàn Công tác- Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến nhận định: “ Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại ở giai đoạn đầu triển khai đã tạo ra động lực nhân rộng những điển hình nông hộ mới ở mỗi vùng nông thôn mới trong tỉnh Lâm Đồng. Từng nông hộ gia đình đã thể hiện quyết tâm đầu tư vốn, công nghệ và công sức trí tuệ để không ngừng nâng cao giá trị đất đai của mình. Từ đó vươn lên trở thành hộ doanh nghiệp gia đình rồi hướng đến mở rộng quy mô sản xuất hợp tác xã, doanh nghiệp lớn hơn…”  
Theo đó, những “cánh đồng 05” mà Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến qua đây đã và đang “làm mới”qau từng thời vụ công nghệ cao theo Nghị quyết 05 khá thiết thực và hiệu quả. Như nông gia trẻ Phạm Đình Vũ (sinh năm 1990) ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương chọn mục tiêu khởi nghiệp thành công ngay từ năm “vạn sự khởi đầu nan” nơi đồng đất của gia đình mình. Nguyên khu vườn ở đây với tổng diện tích 0,8ha trồng các loại rau truyền thống ngoài trời chỉ đạt lợi nhuận ở mức “ bình bình” quanh năm, Vũ quyết định “đổi đời” cho đất bằng cách dựng lên nhà kính, lắp đặt thiết bị công nghệ tưới nước, bón phân tự động để trồng ớt ngọt một phần diện tích nhỏ hơn; một phần diện tích lớn hơn còn lại được cải tạo môi trường đất thông thoáng, tơi xốp để trồng giống hoa đang còn mới mẻ trên thị trường- giống hoa chuỗi ngọc. Bên luống hoa chuỗi ngọc đỏ tươi những chùm búp và vàng rực những cành hoa vào thời điểm kinh doanh, chủ vườn- nông gia trẻ Vũ chia sẻ với phóng viên: “Trồng hoa chuỗi ngọc với quy trình chăm sóc khác biệt trong 8 tháng bắt đầu thu hoạch hàng tuần trên dưới 5.000 cành/7.000m2. Thu xong bán cho thương nhân lấy tiền liền. Giá hoa chuỗi ngọc trong 3 tháng vừa qua có ngày đạt đỉnh 5.000 đồng/cành, tổng thu 25 triệu đồng/tuần/7.000m2 này. Còn ớt ngọt trồng trên bịch giá thể trong nhà kính, trên lớp đất phủ bạt cách ly nấm bệnh phát sinh, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, thu hoạch khoảng 6 tấn/1.000m2/7 tháng, lãi trung bình 200 triệu đồng/1.000m2/năm… ”
Ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương có nông hộ Nguyễn Phú Thịnh chuyên trồng ớt ngọt nhà kính trên 1,5ha, tổng thu lợi nhuận mỗi năm 3 tỷ đồng. Sau những kết quả “làm mới” kỹ thuật sản xuất ớt ngọt trên luống đất cao phủ bạt, mật độ 4.000 cây/1.000m2, giăng bẫy diệt côn trùng gây hại, tưới nước, bón phân theo quy trình nghiêm ngặt về thời gian, liều lượng, nông gia Nguyễn Phú Thịnh luôn tích cực trao đổi kinh nghiệm với nông hộ quanh vùng, kết hợp với tiêu thụ một phần sản lượng ớt ngọt đã liên kết sản xuất theo giá cao nhất của thị trường. Và cũng tọa lạc trên địa bàn xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương có vườn rau sạch thủy canh Kiêm Hùng ( chủ nhân là nông hộ Nguyễn Thanh Hùng) đã đầu tư 10 tỷ đồng “mặc áo mới” nhà kính trên 1ha đất trồng 20 loại rau thủy canh theo công nghệ châu Âu. “ Hơn 2 năm qua, vườn rau sạch thủy canh Kiêm Hùng của hộ gia đình chúng tôi đã ổn định thị trường đầu ra với sản lượng hàng trăm ký mỗi ngày, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo giải pháp thông thường…. ”, người vợ của nông gia Nguyễn Thanh Hùng nói.  
“Làn gió mới” qua vùng đất cũ
Cùng dốc tâm sức “làm mới” cho đất sinh sôi lợi nhuận cao hơn, kỹ sư nông nghiệp Cao Văn Tạo (sinh năm 1966), người gốc gác từ vùng chè Bảo Lộc đã “đầu quân” lên Đà Lạt cộng tác giúp nhà đầu tư hàng chục tỷ đồng vốn liếng phủ xanh lại đồi chè Cầu Đất- một thương hiệu nổi tiếng từ gần một thế kỷ trước. Một buổi sáng trời xanh nắng vàng của năm 2018, phóng viên đã được kỹ sư Tạo giành riêng “thuyết minh” chi tiết hơn về quá trình đón nhận “luồng gió mới” của Nghị quyết 05 để khôi phục và phát triển thành một Farm Cầu Đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch canh nông, thu hút mỗi ngày ít nhất 1.000 lượt khách đến tham quan, đặc biệt dịp lễ, tết tiếp đón lên đến 3.500- 4.000 khách/ngày.

Đây rồi đồi chè cành đã được “trẻ hóa” với diện tích 60ha nằm kề bên triền đồi chè ô long 30ha, càng lên trên đỉnh cao càng được “thụ hưởng” những ngọn gió mát lành tỏa ra từ môi trường sinh thái bao la bốn bề. Rồi nối tiếp phía sườn đồi thoai thoải có 15ha chè shan cổ được cải tạo nhiều năm trước, hiện đã bước vào đón khách du lịch gắn với kinh doanh, cứ 60 ngày thu hoạch một lần đến 4 tấn chè búp tươi, đưa vào dây chuyền máy móc cổ xưa để chế biến thuần loại sản phẩm chè hương đặc trưng riêng biệt của xứ Cầu Đất. Riêng chè ô long trong một năm cũng chế biến hàng chục tấn sản phẩm chất lượng cao. Cộng lại phần lớn các sản phẩm chè Cầu Đất chế biến được tiêu thụ khá ổn định từ nguồn khách du lịch tham quan và nguồn phân phối đến hệ thống kênh siêu thị và chuỗi cửa hàng trung tâm các đô thị lớn trong nước…
Bên cạnh việc ghép chè cành cao sản, Cầu Đất Farm đã phục hồi 70ha cà phê arabica thơm ngon hàng đầu thế giới, đạt năng suất 4 tấn nhân/ha. Và ấn tượng hơn nữa, Cầu Đất Farm còn mạnh dạn chuyển đổi quy mô hàng loạt diện tích chè hạt và cây cà phê già cỗi để xây dựng thành cánh đồng xanh ngát các loại rau, rực rỡ muôn sắc hoa công nghệ cao trải rộng đến chục hecta, trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của Đà Lạt lôi cuốn khách du lịch bốn phương. “ Về 70ha cà phê arabica, Cầu Đất Farm phân bổ 14ha sản xuất theo mô hình trình diễn; còn lại 56ha liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với 50 nông hộ. Toàn bộ quy trình kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm cà phê đều thuộc về trách nhiệm của Cầu Đất Farm theo hợp đồng ký kết quanh năm. Bởi vậy với nông hộ liên kết với Cầu Đất Farm đều yên tâm đầu tư thâm canh trên từng đơn vị diện tích đất… ”, kỹ sư Cao Văn Tạo ( hiện đảm trách Phó Giám đốc Cầu Đất Farm) chia sẻ.       
Đánh giá về bước đột phá trên những “cánh đồng 05” ở Cầu Đất Farm, Đoàn Khảo sát nông nghiệp công nghệ cao năm 2018 do Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến dẫn đầu nhấn mạnh: “Phát huy lợi thế và tiềm năng của nghề trồng chè, cà phê truyền thống kết hợp với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mới, thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao, Cầu Đất Farm đã tạo nên mô hình quy mô lớn về liên kết sản xuất, phát triển du lịch canh nông đặc trưng mang thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, chính sách của tỉnh Lâm Đồng luôn khuyến khích nhân rộng…”/.
Bài 2/ Giảm trung gian, lan tỏa mô hình liên kết

THÁNG 10/2018