VĂN VIỆT
Bước ra từ cuộc thi, “bơ 034” trở
thành “thần tài” trong khu vườn chuyên canh hoặc xen canh cà phê trong và ngoài
tỉnh Lâm Đồng. Tiếp nối thành công này, Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao kỹ thuật
cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng đã bình tuyển thêm nhiều giống “bơ tứ
quý”, mở ra nhiều triển vọng mới làm giàu cho nông dân.
Từ “bơ thần tài” thu nhiều tỷ đồng
Trở
lại cuộc thi vào tháng 6/2009 do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật
cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng tổ chức, “bơ thần tài” 034 sau khi công nhận cây giống đầu dòng đã
được chủ nhân Dậu Loan không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu thêm nhiều biện pháp
nhân giống khác nhau, kết quả đã đúc kết quy trình ghép mầm chồi trong nhà
kính. Năm 2010, Dậu Loan “trình làng” 1.000 cây bơ 034 ghép đầu tiên đã được
nhà vườn các xã Lộc Phú, Lộc Đức, Lộc Nam của huyện Bảo Lâm tìm mua hết về trồng
xen canh với cây cà phê. Đến năm 2011, Dậu Loan đồng loạt xuất vườn 1.000 cây
bơ ghép để trồng xen canh trong chính diện tích cà phê trang trại của mình, mật
độ 150 cây/ha. Trong 2 năm 2016, 2017, 1.000 cây bơ 034 thế hệ F1 này chính thức
đủ số tuổi, “chung sức” cùng với cây bơ 034 “mồ côi” giống gốc cung cấp mầm chồi
cho Trang trại Dậu Loan mỗi năm sản xuất từ 15- 20.000 cây ghép như đã nêu
trong bài viết trước.
Kết
thúc năm 2017, bơ ghép 034 ở Trang trại Dậu Loan và ở các diện tích xen canh cà
phệ khác trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, trung bình mỗi hecta trồng 150 cây sinh
trường từ 4-7 năm tuổi đã đạt tổng sản lượng 15 tấn trái. Nhân với 150.000 đồng/kg
(không đủ bán theo nhu cầu khách hàng) thành tổng doanh thu hơn 2,25 tỷ đồng.
Trừ hết mọi chi phí vẫn còn thu lãi ròng 2 tỷ đồng/ha. Chưa kể số thu cà phê
nhân trên diện tích 1ha này.
Đến chọn “bơ tứ quý” cho mùa sau
Cuộc
thi đáng kể tiếp theo vào ngày 10 tháng 6 năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu Chuyển
giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng đã bình tuyển 6 cây giống
bơ đầu dòng đoạt giải (gồm 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải 3 và 02 giải khuyến
khích) với những đặc tính vượt trội như: sinh trưởng tốt, năng suất cao và ổn định,
chất lượng trái ngon, hình dáng đẹp…Và đặc biệt trong số đó có 05 cây “bơ tứ
quý” thu hoạch cả chính vụ và trái vụ đã khai sinh những tên mới là BLĐ/041,
BLĐ/045, BLĐ/046, BLĐ/047 và BLĐ/056.
Theo
đó, cây bơ đạt giải nhất BLĐ/056 của
hộ ông Phạm Hoàng Lư, địa chỉ Thôn 6, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Nguồn gốc vào
mùa mưa năm 1990, ông Lư ra chợ mua trái bơ về ăn thấy thơm ngon, nên giữ lại hạt
gieo ươm trong vườn cho những mùa sau thu hái. Đến thời điểm đi thi, cây sinh
trưởng 24 năm tuổi, phát triển tốt, năng suất trái 2 vụ/năm, trái lớn, dạng bầu
dài, thịt vàng, dẻo, béo. Tại hội thi đã thuyết phục ban giám khảo khi kiểm
tra, đánh giá chất lượng trái bơ với tổng điểm đạt 94,5/100 điểm.
Tương tự, 3 cây bơ trái vụ ở Bảo Lộc đoạt 1 giải nhì là BLĐ/047 (hộ ông Trịnh
Văn Điện, thôn 10, xã ĐamBri,) và
2 giải 3 gồm BLĐ/045 (hộ ông Nguyễn
Viết Đạo, tổ 18, phường 2), BLĐ/046 (hộ ông Trần Minh Hồng, số 54A, Lý Thái Tổ,
phường 2) đều được chủ nhân mua ngoài thị trường về ăn cảm nhận hương vị đặc biệt
rồi ươm hạt ngay trong khu vườn của mình để “tự cung tự cấp” lâu dài. Cây bơ
khi thu hoạch trái đi thi đoạt giải 1 giải nhì và 2 giải 3 này có tuổi trồng từ
15 - 20 năm, có cây thu hoạch cân nặng 1kg/trái.
Còn
lại 2 cây “bơ tứ quý” đoạt giải khuyến khích đều trồng trên địa bàn huyện Bảo
Lâm, được chủ hộ thu thập từ mầm của cây bơ mẹ (cây bơ hạt) tại phường Lộc Phát,
Bảo Lộc. Đó là cây bơ BLĐ/041 (hộ ông Bùi Văn Chính, thôn 12 , xã Lộc Ngãi)
ghép mầm lên cây bơ hạt trong vườn nhà vào năm 2008. Đến nay, trái bơ BLĐ/041
thu hoạch có chất lượng ổn định cơm vàng, rất dẻo, béo, không xơ.
Và
cây bơ BLĐ/043 (hộ ông Nguyễn Văn Thể, thôn 3, xã Tân Lạc) ghép mầm lên cây bơ
hạt trong vườn nhà vào năm 2006, đậu trái có hình dạng trái bí, người tiêu dùng
khá ưa chuộng.
Đến tháng 10 năm 2014, Sở NN&PTNT Lâm Đồng ra quyết định
công nhận 06 cây bơ đoạt giải nêu trên đáp ứng các tiêu chuẩn cây đầu dòng. “Việc
đăng ký và cấp chứng nhận cây đầu dòng cho 6 cây bơ đoạt giải là cơ sở pháp lý
quan trọng để các cơ sở sản xuất và nông hộ khai thác nguồn vật liệu phục vụ
công tác phát triển giống, đồng thời giúp lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý hiếm,
làm phong phú thêm cho bộ giống bơ của tỉnh Lâm Đồng...”,Trung
tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng khẳng
định.
Thu thập trong 3 năm liên tiếp (năm 2015-
2017), Trung
tâm Nghiên cứu Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng đánh giá 6 cây bơ đầu
dòng bình tuyển có khả năng sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh
hại, trọng lượng và năng suất trái ổn định qua các năm. Cụ thể xây dựng vườn mô hình nhân chồi 1.500m2 tại hộ bà Lê Thị Bảo Yến (thôn 9, xã Tân Lạc, Bảo Lâm), mật độ
444cây/ha. Bước qua năm thứ 2 và thứ 3, mỗi cây bơ đầu dòng ở đây đạt lần lượt 21 và 29
cành. Mỗi cành khai thác từ 2 đến 4 chồi ghép.
Riêng tại Trung tâm Nghiên cứu Chuyển
giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng (51, Hà Giang, Bảo Lộc), vườn sản xuất giống bơ đầu
dòng 500m2 nhà kính có bố trí hệ thống
tưới, hệ thống lưới che ánh sáng, đạt quy mô 20.000 bầu ươm/năm. Kết quả Trung
tâm đã xuất vườn cung cấp nông dân giống bơ ghép “tứ quý” trồng
đại trà 14.800cây (năm 2014 – 2015) và 15.000 cây (năm 2015 – 2016).
Kết quả, Trung tâm Nghiên cứu Chuyển
giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng đã chuyển
giao cho các nông hộ chủ
vườn giống bơ đầu
dòng về 2 quy trình trồng, chăm sóc vườn nhân chồi và kỹ thuật khai thác
mầm ghép. Đồng
thời tiếp tục theo dõi, đánh giá từ nay đến giai
đoạn cây bơ giống đầu dòng kinh doanh ổn định, từ đó khuyến cáo nông dân các giải pháp
kỹ thuật đầu tư phù hợp, hiệu
quả từng vùng sinh thái ở Lâm Đồng…/.
THÁNG 12/2017