Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Tôn vinh cà phê “á quân” thế giới

Ghi nhanh VĂN VIỆT
Hơn 19 giờ ngày 10/12, tại Đài Phun nước của Quảng trường Lâm Viên Đà Lạt, Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ nhất được khai mạc. Đông đảo nhà doanh nghiệp, nhà nông từ nhiều vùng miền đất nước về đây tôn vinh ngành cà phê của mình qua 160 năm phát triển, trở thành vị trí “á quân” về sản xuất, chế biến cà phê nhân trên thế giới sau nước Brasil.

Tăng từ 1% lên 19% thị phần thế giới
Ngày 10/12/1961, Bác Hồ đã về thăm và động viên cán bộ, công nhân Nông trường Cà phê Đông Hiếu, Nghệ An thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với ngành cà phê Việt Nam đầy tiềm năng và triển vọng. Đến ngày 29/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 6306 VPCP chọn ngày 10 tháng 12 là Ngày Cà phê Việt Nam.
      
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh: Hiện nay cả nước có tổng diện tích 645.000ha cà phê, kết thúc năm 2016 đạt sản lượng gần 1,8 triệu tấn nhân xuất khẩu, giá trị kim ngạch 3,3 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu cà phê chế biến rang xay và hòa tan chiếm 10% tổng giá trị, ổn định đời sống cho hàng triệu nông dân trong cả nước, đặc biệt là nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên.
Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ nhất năm 2017 do Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại thành phố Đà Lạt là dịp tôn tôn vinh những tổ chức, cá nhân đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam sản xuất và chế biến đứng thứ 2 trên thế giới; đồng thời  tạo cơ hội các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư, thưởng thức văn hóa uống cà phê, tìm hiểu giá trị của cà phê đối với sức khỏe con người…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định: “Cà phê thực sự là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm thị phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân, nhất là người dân ở khu vực Tây Nguyên… ”
Đến nay, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Cà phê quốc tế. Nhìn lại từ năm 1991 trên thị phần thế giới, sản lượng cà phê Việt Nam mới đạt 1% thì nay đã tăng lên hơn 19%, mục tiêu giữ vững ngôi vị số 2 thế giới hướng tới xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030. Với kết quả vượt bậc này, ngài Rose Sette, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê Quốc tế nhận định: “Từ thế mạnh rất lớn của mình, ngành cà phê Việt Nam đang phấn đấu vượt qua những thách thức lớn của biến đổi khí hậu, chúng tôi tin chắc sẽ tiếp tục đạt những kết quả tươi sáng hơn trong thời gian tới…”
“Yêu mến hạt cà phê Việt Nam ”
Sau 160 năm có mặt tại Việt Nam, muộn hơn nhiều so với các nước trên thế giới, nhưng cây cà phê đã nhanh chóng khẳng định vị thế trong nền kinh tế, trong cộng đồng cà phê thế giới. Trong đó xuất hiện nhiều vùng cà phê nổi tiếng như Cầu Đất Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Đắk Nông, Sơn La, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum…với sản phẩm có  mặt ở hàng trăm quốc gia trên thế giới, không chỉ mỗi năm mang về cho đất nước hàng tỷ USD mà còn góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định bổ sung cà phê Việt Nam chất lượng cao vào danh mục sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Với mong muốn góp phần chuyển tải thông điệp yêu mến hơn nữa hạt cà phê Việt Nam đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, chủ nhân thương hiệu “Cà phê Thái Châu Đà Lạt”, chị Trương Thị Mỹ Phương chia sẻ: “ Doanh nghiệp chúng tôi sản xuất những dòng sản phẩm cà phê Arabica, Robusta, Cherry…được khách hàng nhiều nơi trên thế giới tin dùng nhờ vào hương vị nguyên chất. Đó là nguyên liệu hạt cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững; kỹ thuật rang xay thuần chất cà phê mộc, không pha trộn các nguyên liệu bên ngoài...Thương hiệu Cà phê Thái Châu chúng tôi ngày càng mở rộng thị trường với những cảm nhận của khách hàng về chất lượng thơm dịu, đọng lại vị ngọt thanh. Đặc biệt tất cả sản phẩm Cà phê Thái Châu đều đạt tuyệt đối an toàn thực phẩm theo quy định… ”
Sau 3 năm đi vào hoạt động, Doanh nghiệp Thái Châu Đà Lạt đã nâng công suất sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê nhân các loại đạt 15 tấn nhân/tháng, trong đó chiếm 50% sản phẩm cà phê Arabica Đà Lạt; 50% còn lại gồm sản phẩm cà phê Robusta, Cherry…Thương hiệu Cà phê Thái Châu Đà Lạt là 1 trong 10 tổ chức, cá nhân đầu tiên được cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt”
    Ở gian hàng trưng bày cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt trong khu vực lễ hội Ngày Cà phê Việt Nam, mỗi ngày tiếp đón hàng trăm lượt khách đến tìm hiểu và thưởng thức sản phẩm. Trong đó chiếm trung bình 50% lượng khách quốc tế tham quan và được hướng dẫn theo yêu cầu về Trang trại Cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt khám phá từng hạt cà phê Arabica chất lượng hàng đầu thế giới ở đây…
Lễ khai mạc đã tôn vinh khoảng 20 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến kinh doanh cà phê trong cả nước. Theo chương trình, Lễ hội Ngày Cà phê Việt Nam tiếp tục diễn ra đến hết ngày 11/12 tại Đà Lạt, hy vọng lưu lại niềm yêu mến của người tiêu dùng trong nước và quốc tế mỗi khi thưởng thức hương vị nồng thơm đặc trưng của sản phẩm cà phê mọi vùng miền của Việt Nam nói chung, của Lâm Đồng nói riêng. 
THÁNG 12/2017