Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Nhà nông tìm hướng đa canh

VĂN VIỆT
Nhà nông Phạm Văn Bảy ở xã Gia Lâm, Lâm Hà đã chọn lọc các nguồn giống cây mới ở nhiều vùng miền trong nước về trồng đa canh trên đất cà phê chủ lực, đúc kết những quy trình kỹ thuật phù hợp trên từng địa hình sản xuất, mang lại vụ mùa bội thu cả về doanh số và lợi nhuận hàng năm.

Chọn cây trồng không cuốc cỏ
Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm (Lâm Hà) Ngô Trung Kiên đưa tôi đến gặp ông Phạm Văn Bảy (62 tuổi) để tìm hiểu về kinh nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ ở khu vực trung tâm xã này. Đó là một ngày trung tuần tháng 11/2017 vừa bước qua thời điểm thu hoạch rộ chuyển ra thị trường các tỉnh phía Bắc, nên thanh long ruột đỏ trên cành phần lớn trái còn xanh, chỉ số ít đang ngả màu đỏ chín. Chủ vườn Phạm Văn Bảy phong thái hoạt bát, cởi mở với câu xã giao đầu tiên tiếp chuyện: “ Tôi khẳng định với nhà báo là vùng đất đỏ bazan xã Gia Lâm, Lâm Hà rất có nhiều tiềm năng về trồng trọt. Các giống cây thanh long, sầu riêng, tiêu.. ở các vùng miền khác nhau trong nước, hộ gia đình chúng tôi đưa về đây đều canh tác đạt kết quả khá cao….”
Bước ra vườn thanh long ruột đỏ 2.000m2 sau nhà, Nhà nông Phạm Văn Bảy bảo tôi nhìn gần xuống từng trụ gốc cây và nói: “ Nhà báo thấy đó, từng gốc cây thanh long được hộ gia đình chúng tôi luôn cắt sạch cỏ bằng máy. Tuyệt đối không dùng cuốc, xẻng để đào bứng cỏ vì rất dễ tác động đến bộ rễ cây thanh long nằm dưới mặt đất khoảng 20- 30cm…” Đây là một trong những kinh nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ trên 2.000m2 đất chuyển đổi từ cây cà phê của nhà nông Phạm Văn Bảy trong 4 năm qua trên đất Gia Lâm, Lâm Hà. Ý tưởng trồng thanh long của ông Bảy khá đơn giản là để “ăn chơi trong nhà”, dần dần thấy cây phát triển tươi tốt, cho năng suất cao, chất lượng trái ngon ngọt, nên đi đến quyết định chuyển đổi đại trà. Kỹ thuật trồng ban đầu được “tham vấn” trực tiếp từ nông dân chủ vườn ở các vùng chuyên canh thanh long tỉnh Bình Thuận, sau đó bổ sung từ thực tế canh tác hàng ngày trên vườn sản xuất, ông Bảy đã chọn một quy trình chăm sóc, quản lý dịch hại đạt hiệu quả cao nhất trên diện tích trên 2.000m2 thanh long ruột đỏ của mình.
Cụ thể đến nay mật độ trồng thanh long của nhà nông Phạm Văn Bảy ổn định cây cách cây 2,5m, trụ đúc xi măng chôn sâu 0,5m, cao 1,2m tính từ mặt đất. Tổng số 360 trụ thanh long trên diện tích 2.000m2, mỗi trụ trồng 4 hom, mỗi hom dài 30- 40cm. Bón lót vôi để xử lý đất sạch bệnh. Một tháng sau hom giống phát triển nhiều mầm, nhưng chỉ chọn lại mầm khỏe mạnh ở gốc hom để tập trung chăm sóc đủ dinh dưỡng. Đầu mùa mưa bón phân chuồng hoai mục, dùng rơm hoặc vỏ cà phê tủ quanh gốc thanh long để giữ độ ẩm. Mùa khô 15 ngày tưới 1 lần vào gốc cây, nước tưới bơm lên từ giếng khoan.
Kết quả thực hành đúng quy trình thanh long theo hướng VietGAP của nhà nông Phạm Văn Bảy ở xã Gia Lâm, Lâm Hà phát tán cành nhánh leo kín trụ xi măng; 1 năm sau vào vụ thu bói. Qua năm thứ 2 trở đi thu hoạch chính vụ liên tục trong 2 tháng 8 và tháng 9; các tháng còn lại trong năm thu nghịch vụ với sản lượng ít hơn chính vụ khoảng 70%. Tính trung bình trong 3 năm vừa qua, vườn thanh long 2.000m2 theo quy trình như vậy, nhà nông Phạm Văn Bảy thu hoạch khoảng 20kg/trụ/năm, với giá 20.000 đồng/kg nhân với 360 trụ, thành tổng doanh thu 144 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí còn thu lãi ròng 100triệu đồng/2.000m2/năm.      
Ổn định cà phê, đột phá sầu riêng và tiêu
Trước khi chuyển đổi 2.000m2 cây thanh long đạt giá trị cao, nhà nông Phạm Văn Bảy đã chọn các giống sầu riêng Thái Lan năng suất và hương vị khác biệt về trồng xen canh trên 5ha cây cà phê ở cùng xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà. Tất cả 200 cây sầu riêng che bóng 5ha cà phê sau 4 năm đều bước vào thời kỳ thu hoạch. Tính riêng trong năm 2017, tổng sản lượng sầu riêng xen canh ở đây đạt khoảng 18 tấn, doanh thu hơn  1 tỷ đồng. Về cây cà phê ổn định 5 ha vào mùa thu hoạch năm 2017, ước năng suất trung bình khoảng 3 tấn/ha.
Và trong 2 năm gần đây, nhà nông Phạm Văn Bảy tiếp tục chọn 400 trụ gốc cây tiêu cao sản về trồng xen canh trên 2.000m2 đất thanh long, hiện đang cho trái bói, sang năm 2018 sẽ vào vào thu chính thức. Dự kiến hàng năm thu thêm khoảng 2tấn tiêu, lãi hơn 100 triệu đồng nữa.
“Sang năm 2018, hộ gia đình chúng tôi trồng mới khoảng 5.000m2 đất thanh long chuyển đổi từ diện tích đất trồng cây bắp và các loại hoa màu ở vùng trũng thấp. Đồng thời liên kết khoảng 10 hộ nông dân quanh vùng chuyển mỗi hộ trồng 1.000m2 thanh long, bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch”, nhà nông Phạm Văn Bảy cho biết. Với Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm (Lâm Hà) Ngô Trung Kiên đánh giá: “ Nhà nông Phạm Văn Bảy là người đầu tiên của xã Gia Lâm đưa cây giống sầu riêng cao cấp Thái Lan về ghép nhân rộng thành công, cung cấp cho nông dân quanh vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Với cây thanh long, ông Bảy chủ động liên hệ đối tác các tỉnh phía Bắc bao tiêu ổn định sản phẩm, hy vọng góp phần giúp nông dân địa phương gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ…”./.
THÁNG 12/2017