Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Lâm Hà có trà -rau hữu cơ

Ghi chép VĂN VIỆT
Cách xa Đà Lạt tám mươi cây số có dư, vùng Phúc Thọ, Lâm Hà bây giờ không chỉ hướng đến 100ha trà ô long hữu cơ mà còn đang mở rộng những khu nhà kính “che chở” cho từng luống rau, củ, quả ngày ngày xanh tươi, cung cấp cho nhu cầu thực phẩm an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.
  
Nước xanh, trà xanh như ngọc
Trong những ngày diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, dạo gót quanh phố trà - cà phê - rượu vang trên đường Hồ Tùng Mậu, quan khách thường ngồi lại lâu hơn để cảm nhận những giọt trà Long Đỉnh xanh như ngọc kết tinh kỳ diệu từ đất lành Phúc Thọ, một vùng đất phụ cận của Đà Lạt. Trong hơn 15 sản phẩm trà ô long Long Đỉnh giới thiệu dịp này, ấn tượng mới nhất là sản phẩm trà sữa chế biến lá hồng trà nguyên liệu sản xuất vùng đất đồi thấp ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà. Vị thuần khiết thiên nhiên của dòng nước trà sữa ô long Long Đỉnh bất chợt như ngưng đọng lại bởi từng hạt trân châu mềm dẻo chất bột năng, phối trộn hài hòa các loài thảo dược quý hiếm trên cao nguyên Lâm Đồng, được ghi nhận có những tác dụng hỗ trợ bảo vệ khỏe mạnh đôi mắt và lá gan…Và điều đặc biệt hơn hết đối với quan khách thưởng thức bất kỳ sản phẩm trà ô long Long Đỉnh trong Festival Hoa Đà Lạt năm 2017 đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng hữu cơ.
Trước đó, tôi đã có một buổi sáng trải nghiệm khó quên giữa không gian hữu cơ ở khu đồi trà ô long Long Đỉnh khoáng đạt đến tận chân trời. Cuối đông, nước hồ Phúc Thọ trong xanh như ngọc bởi đồi trà và bầu trời in bóng, chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ Lục Thiện Vương của Long Đỉnh hướng dẫn tôi khám phá từng chồi nụ chồi non tơ, từng phiến lá còn đẫm hơi sương của trời, mùi hương của đất đỏ bazan. “ Bắt sâu bằng bẫy dính, nhổ cỏ bằng tay, không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…”, kỹ sư Vương khẳng định thêm lần nữa cho tôi vô tư ngắt một đọt trà nhâm nhi chút đắng, chút ngọt, chút chát nhẹ dâng lên đầu lưỡi. Rồi đến giữa một hàng cây mộc hương, hái một chùm hoa li ti đượm hương thơm, kỹ sư Vương thuyết minh: “Mộc hương là một trong những loại cây, hoa đối kháng xua đuổi sâu bọ, côn trùng gây hại cây trà ô long. Cây mộc hương ăn dưỡng chất rơm rạ, các loại cây thân mộc, vỏ cà phê xay nghiền…cùng phối trộn chế phẩm sinh học ủ hoai mục; uống nước sạch từ hồ nước Phúc Thọ bơm lên phun mưa cung cấp chung với cây trà ô long…” Tôi nhìn sang hàng cây xen canh kế bên, dễ dàng nhận ra tên của mỗi loài cây “đồng minh” với cây mộc hương xua đuổi dịch hại, bảo vệ an toàn cho cây trà ô long Long Đỉnh như: hương nhu, kinh giới, vạn thọ, sả, gừng…
Nhưng đâu phải mọi loài dịch hại đều “sợ hãi” trước mùi hương của cây đối kháng, nên Trang trại trà ô long Long Đỉnh còn nghiên cứu, pha chế hỗn hộp các dung dịch chiết xuất từ lá sầu đông, ớt, tỏi…phun định kỳ hàng tuần, hàng tháng trên những luống trà bị nhiễm bệnh. “Mà quan trọng nhất vẫn phải đáp ứng đủ đầy dinh dưỡng hữu cơ cho cây trà sinh trưởng tốt nhất để tự đề kháng, miễn nhiễm trước xâm nhập quanh năm từ các loại bệnh hại…”, kỹ sư Vương nói thêm. Cụ thể những cành, tán lá trà sau khi cắt tỉa đều thu gom, tủ lên gốc cây để giữa độ ẩm cần thiết. Đồng thời định kỳ bón cân đối lượng phân hữu cơ, tưới đều nước lên trên các loại nước ép từ thân cây chuối hòa với mật mía, bột xương bò, sữa đậu nành…     
Tính ra thì cây trà ô long Long Đỉnh chuyển đổi hướng sản xuất hữu cơ mới từ năm 2015 theo kỹ thuật tư vấn, chuyển giao của các chuyên gia nông nghiệp đến từ Châu Âu. Trước đó là 5 năm thực hành quy trình VietGAP đồng bộ 20 tiêu chí sản xuất trà ô long an toàn. Chủ Doanh nghiệp Long Đỉnh, chị Trần Phương Uyên (người gốc xứ chè Cầu Đất Đà Lạt nổi tiếng) cho biết, đến nay Trang trại trà ô long Long Đỉnh ổn định sản xuất theo hướng hữu cơ trên diện tích 10ha tọa lạc theo những triền đồi thoai thoải, bao bọc xung quanh hồ nước tự nhiên Phúc Thọ diện tích khoảng 50ha.
Cứ trung bình 50 ngày một lần thu hái 3 tấn búp trà búp tươi/ha, trừ số ngày cho cây “nghỉ dưỡng”, còn lại mỗi năm thu từ 5-6 đợt, đạt tổng sản lượng từ 15- 18 tấn. So sánh thì năng suất trà hữu cơ này thấp hơn 25- 30% so với năng suất trà VietGAP. “Do cây trà ô long sinh trưởng theo môi trường hữu cơ chưa tới 3 năm nên khả năng hấp thu còn chậm. Phải từ năm thứ 7 trở đi, cây trà ô long mới thích nghi môi trường hữu cơ ở đây, năng suất sẽ phục hồi trên dưới 20 tấn búp tươi/ha/năm…”, chị Uyên nhận định.      
Hái rau xanh giữa ngàn xanh
Nghỉ chân trên sảnh gác gỗ nhìn toàn cảnh Trang trại ô Long Đỉnh xanh ngát, anh Hồ Tất Và, chồng chị Uyên cầm theo nắm rau bồ công anh vừa hái lên giữa ngàn xanh của nương trà hữu cơ. Ăn sống rau bồ công anh, uống trà ô long sóng sánh giữa ngàn xanh hữu cơ, lòng người như thư thái, nhẹ tênh.  
Lại tiếp tục trải nghiệm với kỹ sư Vương vào khu nhà kính 5.000m2 theo hướng hữu cơ nằm giữa ngàn xanh trà hữu cơ của Trang trại Long Đỉnh. Nào cà chua, dâu tây, dưa leo, bồ công anh, xà lách, cải xoăn...với cách thức xuống giống luân canh, cuốn chiếu, gần như ngày nào cũng có thể thu hoạch và ngày nào du khách cũng có thể vào đây trải nghiệm làm xốp tơi đất bằng cuốc, nỉa, vận hành hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống đèn đổi màu thu hút côn trùng, hệ thống quạt điều hòa nhiệt độ; cùng hái dâu, cà chua, rau xanh và ăn tươi trực tiếp. “ Đầu tư và đi vào sản xuất hơn một năm qua, mục đích trước mắt tạo thêm không gian hữu cơ nhà kính đa dạng các loại rau ôn đới, bên cạnh không gian lớn là đồi trà hữu cơ và hồ nước sinh thái Phúc Thọ. Về lâu dài, rau nhà kính hữu cơ Long Đỉnh sẽ hoàn chỉnh các quy trình tối ưu nhất để cùng trao đổi, chia sẻ với nhà nông địa phương theo nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị kinh tế cao hơn…”, anh Hồ Tất Và bày tỏ mong muốn của mình.  
Gần mười năm trước, tôi về doanh nghiệp trà ô long Long Đỉnh ghi nhận chỉ mới vài hecta trồng mới ven hồ Phúc Thọ. Đồng hành lúc đó gồm 10ha của nông hộ bắt đầu chuyển đổi dần dần cà phê sang trồng các giống trà ô long do ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà hỗ trợ 60%, doanh nghiệp Long Đỉnh 40%. Nhìn lại đã qua mười năm, Long Đỉnh từng giai đoạn vững chắc đi lên, nâng tổng số 45 nông hộ liên kết sản xuất khoảng 50ha sản xuất theo quy trình từ VietGAP chuyển đổi sang quy trình hữu cơ sinh học gắn với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo khoản lãi hàng năm 250 – 300 triệu đồng/ha. Không chỉ đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại, đạt công suất lên đến 80 tấn sản phẩm trà ô long mỗi năm (tiêu thụ chiếm 80-90% xuất khẩu, 10- 20%% nội địa); mà đang mở rộng liên kết không gian du lịch trà- rau hữu cơ kết tinh kỳ diệu từ các vùng đất lành Phúc Thọ, Hoài Đức thuộc huyện Lâm Hà.
Ghi nhận sự vươn mình ấn tượng ấy, trong những ngày diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, Chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã quyết định tôn vinh doanh nghiệp Long Đỉnh là một trong 125 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tiêu biểu 4 sản phẩm kết tinh kỳ diệu từ đất lành là rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông. Động lực mới này sẽ giúp doanh nghiệp Long Đỉnh sớm đạt mức phấn đấu 100ha trà ô long với rau nhà kính hữu cơ thương phẩm kết hợp phục vụ du lịch canh nông vào năm 2020./.
Đà Lạt- Lâm Hà ngày cuối năm 2017