Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Thu nhỏ rừng phong lan giữa phố

VĂN VIỆT
Đón xuân Mậu Tuất 2018, ở Đà Lạt khá bất ngờ với rừng phong lan thu nhỏ bên đường phố Xô Viết Nghệ Tĩnh nhiều sắc màu độc đáo, không chỉ gồm những loài đặc hữu của ở cao nguyên Lang Biang mà còn có ở những vùng miền núi các tỉnh phía Bắc…

“Hoa huy chương” từ rừng về phố
Vào thời điểm đón rằm tháng chạp Đinh Dậu 2017, tôi tìm đến cánh rừng phong lan thu nhỏ của anh Phạm Quang Bình ( sinh năm 1965) bên đường phố Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt đang rực nở nhiều sắc màu hoa quý hiếm trong nước và thế giới. Trong đó có 4 loài hoa vừa đoạt các màu Huy chương từ “Đồng” đến “Vàng” trong những ngày diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017.
Cây phong lan đầu tiên “trò chuyện” với tôi trong vườn nhà tên là Bạch hạc LangBiang, Lâm Đồng đoạt Huy chương Vàng trong Cuộc thi Triển lãm hoa, cây cảnh quốc tế tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII nói trên. Đúng lúc loài hoa này sáng một màu trắng tinh khôi, mang hình con hạc xòe cánh bay, thuộc nguồn gien quy hiếm đang bên bờ tuyệt chủng nên các nhà khoa học trên thế giới đang cảnh báo cần có những giải pháp bảo tồn. Tuy nhiên với chủ vườn Phạm Quang Bình đã thực hành thành công những kỹ thuật nhân giống, kéo dài thời gian cho hoa nở đón xuân về. Nhờ vậy, thời điểm giữa tháng chạp tôi vẫn được chiêm ngưỡng cận cảnh từng cánh hoa bạch hạc - dù mùa hoa trắng trong rừng tự nhiên chủ yếu nở rộ từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch hàng năm.
“ Vừa kết thúc Festival Hoa Đà Lạt năm 2017, khách chơi hoa nhiều nơi trong nước tìm đến vườn phong lan của mình rất thích mua cây bạch hạc, tôi phải bán hơn 20 đơn vị với giá “hữu nghị”mỗi đơn vị từ 1 triệu đồng. Hiện trong vườn tôi giữ lại 5 cây bạch hạc đầu dòng tiếp tục nhân giống sang năm 2018… ”, chủ vườn Phạm Quang Bình cho biết. Theo đó, để có cây bạch hạc đoạt Huy hương Vàng vừa qua, anh Bình đã cất công đến các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số dưới chân núi LangBiang thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng sưu tầm từ 5 năm trước. Rồi đưa vào trong nhà lưới ở phố Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt vừa chăm sóc vừa nghiên cứu, chọn ra từng quy trình kỹ thuật hiệu quả nhất với điều kiện sinh thái mới đi vào nhân giống đại trà.
Với cây phong lan Tóc Tiên đoạt Huy chương Đồng tại Festial Hoa Đà Lạt 2017, chủ vườn Phạm Quang Bình đã và đang có những biện pháp tác động đặc biệt cho hoa nở trắng tinh từng chuỗi dài, bung xõa bồng bềnh như suối tóc mây. Hiện cây phong lan Tóc Tiên cho hoa nở liên tục từ tháng 10 đến giữa tháng chạp, dự báo tiếp nối những đợt hoa mới qua hết tháng giêng âm lịch năm sau. Được biết, cây phong lan Tóc Tiên được phát hiện từ trong một buôn làng huyện Lạc Dương đưa ra vườn phố Đà Lạt của anh Bình vào năm 2013. Sau hơn một năm với nhiều cách nuôi dưỡng từ trong chậu đất, giá thể dớn đến trong chậu gỗ hoặc cột treo bám vào gốc gỗ mục, anh Bình chọn cách nuôi thả rễ trong không khí với kết quả cây nở những dòng “suối hoa” vừa nêu.
Cũng đoạt Huy chương Đồng tại Festial Hoa Đà Lạt năm 2017, giống cây phong lan lan hài của anh Phạm Quang Bình lại trở về vườn nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh Đà Lạt “dâng hiến” những đài hoa đẹp nhất cho khách thưởng lãm đón xuân mới Mậu Tuất năm 2018. Phóng viên được tiếp xúc trưc tiếp hơn 20 loài lan hài đa sắc màu hồng nhung, tím đỏ, vàng ánh trăng…tươi thắm một góc rừng thu nhỏ ở đây. Lúc này, chủ nhân Phạm Quang Bình vừa xuất vườn bán hàng chục chậu lan hài theo nhu cầu tha thiết mua của khách hàng trong và ngoài thành phố Đà Lạt. Mỗi chậu có đến chục cành hoa trở lên, giá phổ thông từ 2- 3 triệu đồng.   
Cánh rừng phong lan trong vườn nhà
Trên đây là 3 loài “hoa huy chương” trong cả trăm loài hoa phong lan đón xuân Mậu Tuất năm 2018 của khu rừng thu nhỏ 200m2, tọa lạc bên đường phố Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt. Khu vườn nhỏ này, chủ nhân Phạm Quang Bình đã tạo dựng liên tục 10 năm cần mẫn tìm kiếm, bình tuyển và trao đổi từ nhiều nguồn khác nhau ở các vùng rừng sinh thái trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh phần lớn gồm các giống phong lan đặc hữu của cao nguyên LangBiang và các vùng phụ cận Đà Lạt, chủ nhân Phạm Quang Bình còn nhân giống thành công nhiều loài hoa phong lan sinh trưởng các tỉnh miền núi phía Bắc có tên như Ngũ tinh, hiện đã trở thành “công dân hoa phong lan” mới ở Lâm Đồng.
“Ăn Tết Mậu Tuất 2018 xong, tôi sẽ mở rộng diện tích khu rừng hoa phong lan thu nhỏ cũng tọa lạc trong sân vườn nhà mình, nhằm phát triển đa dạng hơn nữa các loài hoa phong lan quý hiếm trong nước và thế giới… ”, chủ nhân Phạm Quang Bình chia sẻ. Với phóng viên đây cũng là tín hiệu mới, triển vọng mới về một sản phẩm vườn hoa phong lan đặc hữu phục vụ du lịch, nghiên cứu bảo tồn nguồn gien và chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất kinh doanh trên địa bàn./.
THÁNG 01/2018