VĂN
VIỆT
Nhà
nông Tiêu Văn Phước ở xã Nam Hà, Lâm Hà với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đã mạnh
dạn bố trí hàng trăm mét vuông xây nhà nuôi dế và liên tục chuyển đổi từng
hecta cà phê sang trồng các loại cây ăn trái chất lượng cao, trong đó có nhiều
giống bơ “thượng hạng” của Mỹ đang đơm hoa kết trái, hy vọng những mùa thu hoạch
đạt giá trị kinh tế vượt trội.
Mỗi
năm ổn định thu nhập 250 triệu đồng/400m2 nuôi dế
Anh
Hoàng Xuân Phổ, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện
Lâm Hà giới thiệu tôi tiếp cận trang trại 6ha bơ chất lượng cao, trên đó xen
canh cây cam đường và căn nhà nuôi dế thương phẩm ở khu vực Hoàn Kiếm, xã Nam
Hà của huyện này. Qua điện thoại được giới thiệu chủ trang trại là anh Tiêu Văn
Phước, tuổi bắt đầu ở ngưỡng ngũ thập, lập vườn định canh định cư vùng đất xã
Nam Hà, huyện Lâm Hà đã 22 năm. Với phong thái hoạt bát, chưa hết một buổi
sáng, anh Tiêu Văn Phước đã đưa tôi khám phá cơ bản mô hình vận hành cây-con đặc
trưng của trang trại nơi này. “ Giờ thì khẳng định thêm lần nữa rằng đất Nam
Hà, Lâm Hà có màu nâu đỏ bazan, khí hậu ôn hòa, có thể chuyển đổi thành công những
cây trồng, vật nuôi với lợi thế so sánh khác biệt, tạo nên những bước đột phá của
kinh tế hộ gia đình…”, chủ nhân Tiêu Văn Phước nhận định.
Minh
họa cho nhận định vừa nêu, Phước bước sang căn nhà nuôi dế 400m2 nối
liền căn nhà ở của mình, giúp tôi thu thập thông tin về hiệu quả của con vật
nuôi to bằng đầu chiếc đũa này. Chuyện bắt đầu từ những năm 2010 trở đi, mong
muốn phá thế độc canh cây cà phê và các loại gia súc, gia cầm thông thường, Phước
trở ra các tỉnh phía Bắc tìm mua trứng giống dế về ấp nở bằng vật liệu mùn cưa
và xơ dừa. Đây là nguồn trứng giống dế nhập từ các vùng nông nghiệp nước Nga, đưa
về trong căn nhà lợp tôn ngập đầy ánh sáng ở xã Nam Hà, Lâm Hà, Phước thực hành
đúng kỹ thuật hướng dẫn của bên bán sau 15 ngày ấp nở đạt tỷ lệ gần 100%. Bước
tiếp theo cũng tuân thủ đúng quy trình chăm sóc 60 ngày hình thức cuốn chiếu với
gần 95 thùng nuôi, Phước thu hoạch đều đặn mỗi tháng 500kg dế sống, cung cấp thức
ăn nuôi chim, cá cảnh quy hiếm trong nước, đạt thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Trong
một năm gần đây, thị trường thức ăn dế sống cho chim, cá cảnh tiến dần mức bão
hòa, thay vì bỏ cuộc, Phước tập trung sản xuất dế thuần thương phẩm, thâm nhập
vào phân khúc của hệ thống nhà hàng, quán ăn đặc sản của Đà Lạt, Bảo Lộc và các
huyện trong tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời đang dần mở rộng thị trường đến các khu,
điểm du lịch ngoài tỉnh Lâm Đồng. Anh Nguyễn Đình Thành, chủ doanh nghiệp kinh
doanh nhà hàng ở tỉnh Bình Dương lên đặt hàng mua dế thương phẩm của anh Tiêu
Văn Phước đã chia sẻ: “ Thực khách của nhà hàng chúng tôi đang biết đến các món
dế chế biến có xuất xứ nuôi tại vùng đất xã Nam Hà, huyện Lâm Hà…”
Vừa
“cơ cấu” lại các thùng nuôi dế thương phẩm, vừa tiếp cận thị trường mới, chủ
nhân Tiêu Văn Phước đang giữ mức ổn định thu nhập 250 triệu đồng/400m2/năm,
nhằm tạo ra điểm xuất phát trong thị trường cạnh tranh chất lượng an toàn thực
phẩm.
1 mùa bơ hơn 7 mùa cà phê
Hàng
ngày sau một lượt chăm sóc các thùng dế thương phẩm chừng một giờ đồng hồ, Phước
mở tiếp cánh cửa phía sau để xuống cánh đồng 6ha bơ có xen canh cây cam đường để
điều hành nhân công thâm canh chiều sâu. Lúc tôi đến vào thời điểm cuối tháng
10/2017, mùa bơ sáp các loại khoảng 3.000 cây đậu trái bói năm thứ 3 của trang
trại vẫn đang còn thu lác đác, có cây thu đến 20 trái ( khoảng 7kg). Nhưng đây
là các giống bơ ghép chọn tạo từ các cây đầu dòng đột biến năng suất và chất lượng
tiêu thụ nội địa ở Lâm Đồng, chủ nhân Tiêu Văn Phước vẫn chưa thỏa mãn với kết
quả khá cao ban đầu, nên tiếp tục mạnh dạn ghép chồi mới của nhiều giống bơ Mỹ
thượng hạng có giá trị xuất khẩu gấp nhiều lần so với giống bơ địa phương thông
thường. “Dự kiến 3 năm tới, 3.000 cây bơ ghép giống Mỹ chất lượng cao cấp của
trang trại gia đình tôi bước vào vụ thu chính, doanh thu ít nhất 1 mùa bơ gấp
hơn 7 mùa cà phê… ”, Tiêu Văn Phước dự toán.
Thực
tế mức dự toán như vậy của Tiêu Văn Phước vẫn còn khiêm tốn. Bởi theo giá thị
trường mùa bơ sáp giống địa phương Lâm Đồng vừa qua với giá 30.000 đồng/kg,
nhân với năng suất trung bình 40tấn/ha, thành doanh thu 1,2 tỷ đồng. Trừ hết
chi phí còn lãi ròng khoảng 1 tỷ đồng/ha. Và trên cùng diện tích này, Phước đã
từng thâm canh cây cà phê ghép đạt sản lượng cao nhất đến 4 tấn nhân/ha, nhân với
thời điểm giá 40.000 đồng/kg, đạt tổng doanh thu 160 triệu đồng. Trừ khoảng 30
triệu đồng chi phí đầu tư, lợi nhuận cà phê mỗi năm 130 triệu đồng/ha. Như vậy
trên 1hecta canh tác thì lợi nhuận cây cà phê đang thấp hơn 7 lần so sánh với
cây bơ sáp giống địa phương Lâm Đồng vừa nêu. Trong khi các giống bơ Mỹ thượng hạng
đang sinh trưởng ở các vùng sinh thái tương tự như ở xã Nam Hà, Lâm Hà đã cho
năng suất tương đương với các giống bơ địa phương, nhưng giá thành sản phẩm lại
cao hơn nhiều lần nhờ vào thị trường xuất khẩu luôn luôn hút hàng.
Đứng
bên những hàng cây bơ ghép giống Mỹ cao cấp đã thuần hóa cành lá lên xanh mơn mởn,
chủ trang trại Tiêu Văn Phước trao đổi kinh nghiệm của mình: “ Chọn cây bơ gốc
ghép là cây thực sinh khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng các loại bệnh gây hại. Nên
ghép chồi bơ trên cây gốc lớn vào mùa khô và trên cây gốc nhỏ vào mùa mưa để đạt
tỷ lệ sống từ 70% trở lên. Và phải tuyển lựa chồi bơ ghép cao sản sinh trưởng
trong điều kiện sinh thái tương tự với cây gốc ghép về chất đất, khí hậu, nhiệt
độ, tưới tiêu…”
Theo
anh Phước, nhà nông cứ mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi chất lượng
cao sẽ dần đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật phù hợp điều kiện đất đai canh
tác, chăn nuôi hiện có của mình./.
THÁNG 11/2017