Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Kinh tế vườn hộ ở Bảo Lâm – cần phân loại đầu tư

VĂN VIỆT
Mặc dù tạo ra phần lớn giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp địa phương, nhưng thu nhập kinh tế vườn hộ ở Bảo Lâm đang có sự cách biệt khá xa giữa các mức giàu, khá và nghèo, nên cần những giải pháp phân loại đầu tư thích hợp trên từng khu vực sản xuất.
  
Chiếm 90% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp
Theo đánh giá của Huyện ủy Bảo Lâm, với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 58.000ha, nông dân huyện Bảo Lâm với tổng số gần 26.000 hộ gia đình tập trung thâm canh 2 cây chủ lực là cây chè và cây cà phê bên cạnh các loại cây tiềm năng như dâu tằm, rau, hoa, sầu riêng, bơ, mít, chuối…Nếu so với tổng dân số cả huyện Bảo Lâm thì số hộ gia đình nông dân chiếm tỷ lệ gần 89%, nhưng đã tạo ra đến 90% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp địa phương. Và đặt trong tổng cơ cấu giá trị sản xuất toàn huyện Bảo Lâm thì giá trị kinh tế hộ gia đình sản xuất nông nghiệp chiếm 44,3%.
“Ở huyện Bảo Lâm, người dân tộc bản địa sinh sống theo dòng họ, buôn làng và thường cách biệt với khu vực sản xuất; người Kinh và các dân tộc khác di cư tới định cư theo khu vực sản xuất hoặc phân tán dọc đường giao thông. Khái niệm vườn được hiểu là vườn tại khu dân cư và vườn tại các khu sản xuất của người dân đều tạo ra sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy, phát triển kinh tế vườn- hộ ở Bảo Lâm là phát triển kinh tế nông nghiệp hộ gia đình…”, Huyện ủy Bảo Lâm cho biết.
Từ cuối những năm 1990, huyện Bảo Lâm đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế vườn-hộ để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Trong đó, hiện vẫn đang tiếp tục phổ biến rộng rãi cho nông dân địa phương là mô hình phát triển vườn- hộ bền vững tại thôn 4, xã Lộc Phú với 70 hộ/32,3ha. Đến nay, qua khảo sát theo kinh nghiệm, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mức thu nhập, Huyện ủy Bảo Lâm đã phân loại 4 nhóm kinh tế vườn hộ là hộ giàu (4,6%), hộ khá (20,8%), hộ trung bình ( 49,4%) và hộ hạn chế về tiềm lực (25,2%).
Kết quả cho thấy kinh tế hộ gia đình ở huyện Bảo Lâm là thành phần kinh tế năng động, giữ vị trí chủ đạo của kinh tế nông nghiệp, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng và nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương…
Từng nhóm hộ chuyển đổi vật nuôi, cây trồng
Tuy nhiên kinh tế hộ gia đình Bảo Lâm cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là phân tán, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, nguồn lực đầu tư của nhà nước còn ít, vì vậy, Huyện ủy Bảo Lâm đã định hướng những giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm áp dụng hiệu quả trên từng nhóm kinh tế vườn - hộ nói trên.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế vườn hộ đến năm 2020, “giải pháp tổ chức sản xuất trước hết phải thực hiện tốt Chương trình hành động của Huyện ủy Bảo Lâm về triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025”; Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm “về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn Lâm Đồng đến năm 2020”, Huyện ủy Bảo Lâm nhấn mạnh.
Theo đó, mỗi xã trên địa bàn huyện Bảo Lâm xây dựng từ 2- 4 mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với từng nhóm hộ kinh tế vườn. Đối với nhóm hộ giàu tập trung ứng dụng trên 70% tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chủ động 100% nước tưới cho cây trồng và phục vụ cho chăn nuôi lớn theo quy mô trang trại. Nhóm hộ khá tiếp tục chuyển đổi 100% diện tích cây trồng giống mới có năng suất và chất lượng cao. Tỷ lệ này đối với nhóm hộ trung bình là 80%, trong đó bố trí những diện tích bước đầu sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Đặc biệt nhóm hộ hạn chế về tiềm lực cần được hỗ trợ vốn đầu tư máy móc, thiết bị tưới tiêu cho ít nhất 50% diện tích cây trồng, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hội thảo trình diễn mô hình. Riêng những hộ thiếu đất sản xuất cần tận dụng trồng xen các loại cây lương thực, rau màu, cỏ chăn nuôi trong thời gian đầu tư xây dựng cơ bản các loại cây trồng chủ lực; tận dụng phế phẩm nông nghiệp để phát triển bước đầu chăn nuôi nhỏ, lẻ các nguồn giống vật nuôi quy mô vườn- hộ như trâu, bò, dê, gia cầm…
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của kinh tế hộ ở Bảo Lâm đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 30% (nhóm hộ giàu),  20% (nhóm hộ khá) và 10% (nhóm hộ trung bình). Riêng nhóm hộ hạn chế về tiềm lực phải tạo điều kiện tiếp cận sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm hợp đồng tiêu thụ ổn định. Phấn đấu bình quân của  4 nhóm hộ hạn chế về tiềm lực, hộ trung bình, hộ khá và hộ giàu đạt thu nhập lần lượt 1 hộ mỗi năm thuộc 120 triệu đồng, 120- 300 triệu đồng, 300- 550 triệu đồng và hơn 550 triệu đồng.
Khi đạt các mức thu nhập kinh tế vườn hộ Bảo Lâm vừa nêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ hạn chế về tiềm lực giảm xuống còn 18%; nâng số hộ trung bình lên 53%; số hộ khá lên 22% và số hộ giàu tăng lên 7%. Từ đó nâng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất ở Bảo Lâm đạt 145 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020 và 175 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025./.
THÁNG 11/2017