Ghi
chép VĂN VIỆT
Vào đời tuổi 18 tay trắng với cây cuốc
mở đất hoang hóa ở xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, chàng trai Nguyễn Đăng Trung đã chọn
cây trồng ghép làm “bạn đồng hành” khởi nghiệp. Hơn 30 năm nhìn lại, “2 cây”
cuốc và cây trồng ghép đã bứt phá làm nên một Trang trại Trung Hiếu mười sáu
hecta thu nhập năm, bảy tỷ đồng mỗi năm.
Một
mình một cuốc cải tạo đất nghèo
Tôi
vào Trang trại bơ Trung Hiếu ở thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức, Bảo Lâm vào giữa trưa
trời mưa như trút nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
đã nối đường nhựa từ Quốc lộ 20, xã Lộc An và từ trung tâm thị trấn Lộc Thắng,
huyện Bảo Lâm đến nơi. Riêng vài trăm mét đường nội bộ trải lớp đá dăm dọc theo
chiều rộng của Trang trại Trung Hiếu, nhờ mặt đường rộng đến bốn, năm mét nên
thuận lợi cho ô tô du lịch và các loại cơ giới vào ra. Qua cánh cổng rộng mở,
tôi đến khu nghỉ trưa của cả chục lao động Trang trại Trung Hiếu, đánh thức một
chiếc võng dính đầy đất nâu đỏ của cao nguyên B’Lao. Bật dậy, chủ nhân tên Nguyễn
Đăng Trung, tuổi 50 cười hiền: “Đang thu hái cà phê thì mưa lớn, tranh thủ thiếp
mắt chờ trời tạnh xuống lại vườn. Vừa thu xong mùa bơ là bước sang mùa thu cà
phê…”
Qua
màn mưa, Trung hướng dẫn tôi phóng tầm mắt bao quát Trang trại Trung Hiếu rộng
16ha xanh mướt mát, trải rộng một khu đồi thoai thoải: “31 năm đã qua, từ một vùng cỏ tranh và cây tạp chằng chịt, tôi
cứ cuốc và cuốc thành từng luống đất tơi xốp rồi đặt hom cây dâu tằm xuống trồng.
Định cư dưới lán trại tự dựng lên bằng cây củi tạp, mái lợp cỏ tranh che mưa
che nắng lúc ngả lưng. Mỗi sáng sớm ngày
ngày cầm cuốc ra ngoài lán trại vỡ đất cho đến khi trời tối không còn thấy mặt
người mới nghỉ…” Nhìn lại thời khởi nghiệp lúc đó Trung vừa chạm tuổi 18 trong
gia đình khá đông anh em ở gần trung tâm đô thị Bảo Lộc, kinh tế khó khăn phải
nghỉ học vào năm lớp 7. Khi nhận được thông báo tách hộ giãn dân vào vùng sâu
vùng xa để khai hoang vỡ hóa đất sản xuất (thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức, huyện Bảo
Lâm), Trung thuyết phục và được tất cả các thành viên trong hộ gia đình đồng thuận
để Trung đăng ký riêng mình đi tiên phong. Chỉ mấy ngày sau, Trung hăm hở thu xếp
mấy bộ quần áo lao động, lặn lội đường đất bụi hơn 15 cây số gập ghềnh ngày nắng,
lầy lội ngày mưa từ nhà ở gần trung tâm phố thị Bảo Lộc đến vùng đất mới Lộc Đức,
huyện Bảo Lâm bây giờ. Tại đây, Trung là một trong những đại diện hộ gia đình
giãn dân được cấp 6.000m2 đất đồi phủ dày cỏ cây hoang dại. “Thấy
bao la bụi gai giăng kín với cỏ dại, tôi xác định không còn cách nào khác phải
gắn chặt cuộc sống lâu dài để góp phần cải tạo vùng đất nghèo nơi này…”, Trung nói
về khoảnh khắc quyết định khởi nghiệp 6.000m2 đất đồi hoang vu của
mình.
“Nhưng
phải mất hơn nửa tháng sau, tôi mới dần dần làm quen cuộc sống lao động với
vùng “trời quen đất lạ” Tiền Yên, Lộc Đức”, Trung nhớ lại. Đó là cuộc sống sinh
hoạt với dòng nước suối lạnh ở thung lũng, đêm không điện và giấc ngủ thường
hay giật mình nghe tiếng chân đi về của một vài loài thú hoang ở các không gian
sinh tồn. Nửa tháng đầu khởi nghiệp ấy, Trung và những người lao động giãn dân
cùng đổi công với nhau cuốc bứng lên từng đám cỏ, từng bụi rễ gốc cây bụi trên
toàn bộ diện tích 6.000m2 mỗi hộ trước khi chuyển sang giai đoạn cuốc
đất phơi ải. Rồi cuốc và cuốc đất lật đi lật lại đến nửa năm tiếp theo nữa, mỗi
lao động giãn dân như Trung mới tạo “vuông thành sắc cạnh” 6.000m2 diện
tích cây dâu tằm trồng hom gắn rễ vào lòng đất, chồi lá nhô lên đón nhận nắng
mưa của trời…
Tự
ghép cây trở thành tỷ phú
“Đã
mấy chục năm lập nghiệp ở Tiền Yên, Lộc Đức, vất vả lắm, không biết kể sao hết…”,
chị Trần Thị Mỹ Dung (gần 48 tuổi), vợ anh Trung tiếp lời. Chị Dung kết hôn với
anh Trung người cùng “bản phố” Bảo Lộc năm 1989, khi đó anh Trung đã cuốc phá hoàn
thành 3ha đất hoang thành đất trồng dâu nuôi tằm. Nghe đường đến nương dâu anh
Trung xa xôi, cách trở phố thị Bảo Lộc xa xôi quá, nhưng nghĩ “thuyền phải theo lái’ nên chị Dung quyết tâm
sánh bước chặng đường dài cùng chồng biết trước muôn vàn nhọc nhằn và thử
thách. Vợ chồng mới trên đất mới ngày qua tháng lại, chị Dung chăm chút nuôi tằm
trên nong, anh Trung ra đồi cuốc đất và hái lá dâu về. “Rất may vợ tôi cũng đã
thực hiện đúng “giao kèo” với tôi trước ngày cưới, nên đã không ngại khó ngại
khổ, mỗi tháng nuôi đến 4 hộp tằm, doanh thu gần 200kg kén. Cuộc sống rồi cũng
đi vào ổn định và cần mở hướng phát triển lâu dài, vợ chồng chúng tôi quyết định
trồng chè hạt và cà phê xen canh với dâu tằm trên diện tích lúc này đã mở rộng lên
hơn 6ha...”, Trung chia sẻ.
Bước
ngoặt từ năm 1995 trở đi, nghề tằm tang Bảo Lộc xuống dốc, Trung bàn với vợ phá
hết cây dâu để tập trung thâm canh cây cà phê thực sinh và cây chè hạt. Nhưng
thu hoạch đến đầu năm những 2000 thì nhu cầu thị trường đòi hỏi cao hơn, vợ chồng
Trung lại mạnh dạn phá bỏ cùng lúc 4ha chè hạt để chuyển đổi sang trồng chè
cành, kết hợp trồng cây sầu riêng giống ghép để thu hoạch trái và làm chức năng
che bóng. Lần đầu tiếp xúc với mắt ghép cây sầu riêng, Trung thấy vô cùng lôi
cuốn và cần phải khám phá áp dụng những cây trồng khác. Đầu tiên, Trung chọn
cây cà phê vối để thực hành bằng cách chọn mầm chồi cây năng suất cao ghép vào
cành cây có gốc khỏe mạnh nhất hiện có trong vườn. Ghép nhiều cách khác nhau,
sau đó theo dõi từng ngày để bình tuyển cách ghép đạt sinh trưởng tối ưu để
nhân rộng trên 10ha diện tích cà phê vối của mình vừa mở rộng thêm trên vùng Tiền
Yên, Lộc Đức nơi này.
“
Kết quả ghép cà phê sau năm thứ 3, thứ 4 đã tăng năng suất ngoài mong đợi, từ 3
tấn/ha tăng lên 6- 7 tấn/ha. Thấy có duyên với nghề ghép cây tự tìm tòi học hỏi
và nghiên cứu, tôi chuyển sang ghép hàng loạt cây bơ cao sản đang trồng xen
trên 10ha cà phê vối. Hơn một năm sau, những cây bơ ghép lần lượt thu bói; năm
thứ 2 trở đi thu rộ, năng suất đạt đến 100kg/cây, chất lượng cạnh tranh lợi thế
khác biệt trên thị trường…”, Trung cho biết.
Câu
chuyện đang theo mạch kể theo thời gian 31 năm ấy thì trời đã ngớt mưa, Trung đưa
tôi ra trang trại bơ ghép rợp mát, tháng 11 đang nở hoa màu sữa và giải thích
đây là thời điểm cây trút lá nhưng bằng kỹ thuật riêng, Trung vẫn chăm sóc lá
xanh thẫm trên cành. Mục đích để lá chắn mưa, chắn nắng, che bớt gió cho hoa thụ
phấn đạt tỷ lệ đậu trái nhiều nhất, chất lượng thịt bơ sáp sẽ dẻo thơm và ngon
hơn. Mùa bơ năm 2017 vừa thu xong khoảng 300 cây bơ ghép, nhân với năng suất 1tạ/cây,
thành thành tổng sản lượng 30 tấn. Vì giống bơ ghép chồi do Trung chọn lọc khắp
vùng Tây Nguyên, chất lượng thịt vàng hạt lép rất hút hàng, thu hái xuống khỏi
cây thường có thương nhân chờ sẵn để mua bình quân 100.000 đồng/kg. Tính ra,
Trung vừa thu một vụ bơ trồng xen trên 10ha cà phê đã mang về hơn 3 tỷ đồng. Ước
cộng chung 16ha cà phê ghép, niên vụ năm 2017 dù thời tiết không mấy thuận lợi,
Trung vẫn nắm chắc trong tay 5 tấn nhân/ha, thành tổng sản lượng 80 tấn. Cứ
nhân số tròn 35.000 đồng/kg, Trung thu thêm 2,8 tỷ đồng nữa.
Bên
cạnh đó, thu nhập từ khu vườn ươm giống cà phê và bơ đầu dòng trên diện tích
5.000m2 đã được Sở NN&PTNT Lâm Đồng công nhận, năm 2017 bán ra
cho nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng cải tạo và chuyển đổi canh tác gồm
60.000 cây bơ giống (45.000 đồng/cây giống bơ bình tuyển tại Lâm Đồng và 40.000
đồng/cây giống bơ Mỹ); 50.000 cây cà phê ghép với giá 7.000 đồng/cây…
Cộng
tổng doanh thu nói trên, Trung nhẩm tính trừ hết mọi chi phí đầu tư, nhân công
lao động… trong năm 2017 còn thu lãi hơn
7 tỷ đồng. Chưa kể giá trị nguồn cây giống ghép tự cung tự cấp chất lượng cao
trong hơn 2 năm qua, vợ chồng Trung đã trồng mới thành Trang trại Trung Hiếu thứ
2 với 10ha cà phê xen canh hàng trăm cây sầu riêng, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đơm
hoa kết trái chính vụ. Trang trại thứ 2 này tọa lạc khu vực Nao Quang, xã Lộc
Phú cùng huyện Bảo Lâm, cách xa Trang trại
thứ 1 ở khu vực Tiền Yên, Lộc Đức khoảng 20 cây số…
Bây
giờ vợ chồng chủ Trang trại Trung Hiếu đã sắm xe ô tô bạc tỷ làm phương tiện
vào ra giữa phố thị Bảo Lộc và trang trại sản xuất. Nhìn lại càng thêm trân quý
31 năm trước từ phố thị Bảo Lộc, Trung mang cây cuốc đến đất mới Tiền Yên, Lộc
Đức, Bảo Lâm phải mất hơn cả buổi đường xe đạp hết chạy lắc lẻo trên đường sống
trâu đến vác trên vai lội bộ đi suốt 15 cây số để thực hiện quyết tâm vượt lên
khó nghèo. Có thể nói đây là một sự bứt phá bền bỉ mang tầm chiến lược khởi
nghiệp nghề nông của thanh niên 18 tuổi Nguyễn Đăng Trung từ 31 năm trước, nay
vẫn còn hết sức thời sự.
Đã
có nhiều đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh
Lâm Đồng và huyện Bảo Lâm vào tham quan Trang trại Trung Hiếu, đánh giá cao
tinh thần chịu thương, chịu khó, tìm tòi sáng kiến làm giàu trên lĩnh vực nông
nghiệp thông minh cho gia đình và góp phần giúp nông dân trong và ngoài tỉnh
Lâm Đồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ghép chất lượng cao, tăng vượt trội giá trị
thu nhập từ đất vườn.
Phần
tôi trở về Đà Lạt với lời hẹn cùng chủ nhân Nguyễn Đăng Trung khám phá thêm “đời
sống cây ghép” mang lại “thu nhập kép” từ 2 cây cà phê và sầu riêng cao sản đầu
dòng khu vực Trang trại Trung Hiếu mới ở vùng Nao Quang, Lộc Phú của huyện Bảo
Lâm một ngày mùa chính vụ năm tới…
Đà
Lạt- Bảo Lâm tháng 11/2017