Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Cam cara được mùa, được giá vẫn lo

VĂN VIỆT
Vào đầu mùa thu hoạch cam cara (cam ruột đỏ) năm nay, Trang trại Phương Mai tọa lạc trong địa giới 2 xã Hiệp An và Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng tiếp tục được mùa, được giá, nhưng kèm theo đó nỗi lo sản phẩm bị giả mạo xuất hiện ngày một nhiều.

Mỗi ngày thu hoạch 150- 200kg cam ruột đỏ
Chủ nhân Trang trại Phương Mai, ông Mai Viết Phương cho hay, giống cam cara gốc ghép nhập về từ nước Úc đến tháng 10/2017 thu hoạch khoảng 30ha trồng từ năm thứ 5 đến năm thứ 8 ở 2 xã Hiệp An và Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng mỗi ngày đạt tổng sản lượng từ 150- 200kg. Giống cam cara này thu hoạch quanh năm, trong đó vụ chính kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12; vụ nghịch thu rải rác từ tháng 1 đến tháng 8. Sản lượng vụ chính thường gấp 4- 5 lần vụ nghịch.
Đặc biệt giống cam cara bắt đầu thu hoạch càng nhiều năm tuổi thì sản lượng càng tăng cao. Cụ thể cây từ 3-6 năm tuổi đạt sản lượng từ 6-10 tấn/ha; từ 7-10 năm tuổi tăng nhanh sản lượng lên 30-40 tấn/ha. Nhưng đây là sản lượng ở khu vực đồi đất đá xã Hiệp An và xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, nên ước tính chỉ mới hơn một nửa sản lượng trồng khu vực đất thịt ở các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Đà Lạt và các xã, thị trấn còn lại ở huyện Đức Trọng…
Nhận diện cam cara giả mạo
Nếu tính giá bán cam cara chính vụ năm 2017 với 50.000 đồng/kg, nhân với trung bình 30 tấn/ha cây trồng 7 năm tuổi thì doanh thu 1,5 tỷ đồng. Trừ năm đầu tiên đầu tư cây giống, phân bón, công lao động khoảng 100 triệu đồng; mỗi năm tiếp theo đó chỉ đầu tư khoảng 40 triệu đồng tiền phân bón và công lao động, trừ ra đạt lãi hơn 1,4 tỷ đồng/ha. Đây là lợi nhuận mơ ước đối với nhiều loại cây trồng dài ngày ở các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng.
Chưa kể Trang trại Phương Mai trong năm 2017 đã bán ra khoảng 3.000 cây giống cam cara gốc ghép ( 150.000 đồng/cây) theo nhu cầu đặt hàng của nông dân Đà Lạt, các vùng phụ cận (chiếm 50%) và nông dân các tỉnh Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ (50%), tương đương diện tích trồng tổng cộng khoảng 6ha.
Nhờ giống cam cara quý về chất lượng (cam không hạt, tổng hợp 3 hoạt chất cà rốt, cà chua và cam) và hiếm về cây giống (gốc cây ghép nhập về từ một trường đại học danh tiếng nước Úc, chồi ghép đầu dòng đặc trưng sản xuất ở khu đồi đá Đức Trọng), nên sản lượng tiêu thụ vẫn chưa đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu đặt hàng- dù giá thành cao hơn gấp 3 lần giá cam thông thường. Lợi dụng thị trường cầu vượt cung, một vài cơ sở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đã sản xuất hàng loạt giống cam thông thường giả mạo cam cara của Phương Mai để lừa gạt nông dân bán cây giống và lừa người tiêu dùng bán sản phẩm thu hoạch nhằm trục lợi bất chính.
Chủ Trang trại Mai Viết Phương khuyến cáo khách hàng nhận diện cam cara giả mạo ở bên ngoài mặt vỏ thường có màu xanh nhăn nhúm hoặc ngả màu vàng úa, trên đó bị cháy nám nhiều chỗ do không hấp thụ được ánh nắng ngoài trời; phần ruột cam màu đỏ nhợt nhạt, muối cam cắt ra thường bị vỡ vụn, nước cam chua gắt hoặc mùi hăng hắc, nhạt nhẽo. Còn cây giống cam cara ghép giả thường chỉ cao hơn 0,5m tính từ mặt bầu đất thịt, lá xanh nhợt nhạt, cây chủ yếu thả đọt thẳng, ít thấy phát triển cành nhánh.
  “Mới đây, khách hàng phân phối ở Đà Lạt báo cho tôi có giống cam cara đưa từ một vài tỉnh miền Tây Nam Bộ lên cung ứng. Trang trại cử người kiểm tra đã nhận diện đúng là cam cara giả mạo thương hiệu Phương Mai của chúng tôi. Và trước đó, trong mùa mưa 2017, nhiều hộ nông dân tỉnh Lâm Đồng có mua trôi nổi cây giống cam cara qua mạng xã hội không có địa chỉ rõ ràng, đưa về trồng vài tháng sau vẫn phát triển yếu ớt, có cây tàn lụi dần, không phát triển được cành lá mới…”, chủ Trang trại Mai Viết Phương thông tin.
Như vậy để tránh bị lừa gạt, một lần nữa theo chúng tôi, khách hàng mua cây giống và sản phẩm cam cara thương phẩm nên trực tiếp kết nối Trang trại Phương Mai ở 2 xã Hiệp An và Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng nói trên. Bởi Trang trại không chỉ tuyệt đối bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, mà còn sẵn sang cung ứng cây giống chất lượng cao và chuyển giao kỹ thuật rộng rãi cho người sản xuất trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng./.  
THÁNG 11/2017