Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Tiêu tuyến trùng trên nhiều vùng sinh thái

VĂN VIỆT
Hơn một năm được Cục Bảo vệ thực vật chính thức cấp phép, Công ty TNHH Dịch vụ khoa học kỹ thuật Khoa Đăng Đà Lạt đã tổ chức khảo nghiệm thuốc sinh học Tiêu tuyến trùng (Landsaver 18EC, hoạt chất tinh dầu quế)  trên diện rộng đối với 3 cây cà phê, hồ tiêu và cà rốt thuộc nhiều vùng sinh thái trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Thuốc sinh học Tiêu tuyến trùng Landsaver 18EC được sản xuất tại Trường Đại học Chungnam, Hàn Quốc, trong đó gồm các tỷ lệ thành phần tinh dầu quế ( 18%), dầu Parafin (3%) và các hợp chất hấp phụ đặc biệt (3%), có tác dụng tiêu diệt tuyến trùng gây hại trong đất và trong rễ cây, tăng sức đề kháng cho cây trồng, nhất là đối với 3 cây cà phê, hồ tiêu và cà rốt vừa nêu.
Giảm phần lớn tuyến trùng gây hại 3 cây
Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Lâm Đồng, những năm gần đây, bệnh vàng lá cà phê có xu hướng lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng thu hoạch. Từ năm 2014,  trong khuôn khổ đề tài khoa học “ Nghiên cứu  các giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ, vàng lá cà phê Lâm Đồng”, Chi cục hợp tác với Trường Đại học Chungnam, Hàn Quốc đã nghiên cứu, đánh giá hiệu quả ban đầu của chế phẩm Landsaver 18EC trong phòng trừ tuyến trùng gây hại cà phê trên địa bàn.
Đến giữa năm 2015, Chi cục bắt đầu ủy quyền Công ty TNHH Dịch vụ khoa học kỹ thuật Khoa Đăng Đà Lạt ( gọi tắt là Công ty Khoa Đăng Đà Lạt) nhập khẩu 10.000 lít Landsaver 18EC về sử dụng khảo nghiệm phòng trừ bệnh vàng lá cà phê trên 28 mô hình (140ha) đang thời kỳ kinh doanh và 5 mô hình (25ha) tái canh thuộc 6 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng gồm: Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.
Kết quả sau 30 ngày sử dụng Tiêu tuyến trùng Landsaver 18EC phòng trừ bệnh vàng lá cà phê với 8.400 lít (liều lượng 30 lít/ha x 2 lần/năm), đã giảm mật độ tuyến trùng kỳ sinh gây hại trong rễ cây từ 54% đến gần 83%. Và theo dõi hiệu lực sử dụng Tiêu tuyến trùng Landsaver 18EC gần một năm sau, tỷ lệ cây cà phê vàng lá tại các vườn mô hình đều giảm từ 15% đến hơn 21%, trong khi các vườn đối chứng lại tăng tỷ lệ này từ 5% đến 11,5%.
Tương tự sử dụng Landsaver 18EC với liều lượng 1.500 lít trên 25ha cà phê tái canh, giảm mật độ tuyến trùng trong đất từ 64% đến 78%, trong rễ từ 63% đến gần 77%.
Bên cạnh đó, Chi cục tiếp tục khảo nghiệm sử dụng Landsaver 18EC đối với cây tiêu trên địa bàn xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng với liều lượng 600 lít nước thuốc/ha. Bằng phương pháp tưới ướt đều quanh gốc dưới tán cây 1 lần vào đầu mùa mưa. Kết quả sau 20 ngày xử lý, mật độ tuyến trùng giảm trong rễ cây hơn 65% và trong đất gần 70%.
Ngoài ra, Chi cục cũng đã khảo nghiệm thành công thuốc Landsaver 18EC trên cây cà rốt ở xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Cụ thể với lượng nước thuốc 600lít/ha, Chi cục tưới 1 lần trên đất trước khi gieo cà rốt. Theo dõi hiệu lực của thuốc sau 20 ngày xử lý, mật độ tuyến trong đất trồng cà rốt giảm đến gần 73%.
Landsaver xứ Hàn, phân phối từ Đà Lạt
Từ nguồn thuốc Landsaver 18EC phân phối tập trung tại Công ty Khoa Đăng Đà Lạt, vào tháng 7/2016, Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam sử dụng khảo nghiệm trên cây tiêu ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Cũng với liều lượng 600 lít nước thuốc/ha, nồng độ 3%, Trung tâm dùng bình tưới nước ướt đều 1 lần quanh gốc cây tiêu vào đầu mùa mưa. Hiệu lực sau 20 ngày xử lý thuốc, mật độ tuyến trong đất và trong rễ cây tiêu giảm xuống từ 65% đến gần 68%.
Trước đó khoảng 1 tháng, Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc nhận thuốc Landsaver 18EC từ Công ty Khoa Đăng Đà Lạt chuyển ra khảo nghiệm trên diện tích cây cà rốt gồm 400 mét vuông ở xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và 400mét vuông ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Kiểm tra sau 20 ngày xử lý, mật độ tuyến trùng trong đất trồng cà rốt ở 2 vùng sinh thái nơi này giảm xuống từ 75% đến gần 77%.
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty Khoa Đăng Đà Lạt- đơn vị nhập khẩu và phân phối thuốc Landsaver 18EC trong cả nước-  cho biết, qua kết quả khảo nghiệm thành công ở 3 vùng sinh thái Lâm Đồng, miền Bắc và miền Nam nói trên, nhà sản xuất và cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật trong nước đã hoàn chỉnh quy trình sử dụng thuốc Landsaver 18EC với hiệu lực tiêu diệt trung bình 75% tuyến trùng gây hại trong vòng 48 giờ.   
  
Cụ thể trên mỗi hecta sử dụng Landsaver 18EC liều lượng từ 25- 35 lít thuốc đối với cà phê (1.000 cây) và hồ tiêu (1.600 trụ); từ 10- 20 lít đối với cây cà rốt nói riêng và rau, hoa nói chung. Tương ứng với lượng nước hòa tan với thuốc tưới dưới gốc cây vào đầu và cuối mùa mưa từ 3.000- 5.000 lít ( cà phê), 2.000- 4.000 lít ( hồ tiêu) và 500- 1.000 lít ( cà rốt hoặc các loại rau, hoa khác)./.
THÁNG 3/2017