Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Tu Tra có vườn mắc ca đầu dòng

VĂN VIỆT
Khu vườn 10ha ở thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, Đơn Dương chuẩn bị “trình làng” đồng loạt 500.000 cây giống ghép mắc ca đầu dòng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, cung cấp cho nông dân trồng thuần hoặc trồng xen canh trên những vùng cà phê, chè trọng điểm ở Lâm Đồng.

Đây là kết quả nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, thực nghiệm thành công 14 bộ giống mắc ca ghép năng suất cao của đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên trồng trọt tay nghề cao của Công ty Him Lam Mắc ca Lâm Đồng.
Gieo hạt, ghép cành, chăm sóc công nghệ cao
Gần giữa tháng 3/2017, tôi đến vườn ươm giống mắc ca 10ha ở thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, Đơn Dương khi đã bước qua giai đoạn kiến thiết cơ bản, nghiên cứu thực nghiệm và đang khởi động giai đoạn sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu phát triển cây mắc ca Lâm Đồng theo quy hoạch đến năm 2020.
Anh Võ Duẫn, Giám đốc Công ty Him Lam Mắc ca Lâm Đồng là người trực tiếp quản lý, điều hành kỹ thuật ươm ghép giống mắc ca ở đây phải bố trí thời gian một buổi chiều để hướng dẫn phóng viên tiếp cận giáp vòng khu vườn. Chạm chân đầu tiên là khu vực 3ha ngoài trời với 265 cây mắc ca đầu dòng được bình tuyển chuyển về từ các vùng cây công nghiệp tập trung ở tỉnh ĐắkLắk. Theo quy cách cây cách cây và hàng cách hàng 4m, từng hàng cây đều được “số hóa” để áp dụng các chế độ chăm bón thích hợp mỗi ngày. Tôi ước tính chiều cao trung bình của mỗi cây mắc ca đầu dòng này khoảng 3m.
“Từ tháng 8/2016, công ty chúng tôi vận chuyển lần lượt về định canh 265 cây mắc ca đầu dòng, tuổi cây đạt trên dưới 6 năm. Trong đó  gồm tất cả 14 bộ giống mắc ca đã kiểm tra, đối chứng đạt năng suất và  chất lượng cao. Chăm sóc trên vườn ươm Tu Tra, Đơn Dương, Lâm Đồng, toàn bộ 265 cây mắc ca đầu dòng đều phát triển đạt yêu cầu, dự kiến từ năm 2018 trở đi, mỗi cây khai thác hàng trăm hom ghép mỗi năm….”, Giám đốc Duẫn cho biết.
Đặc biệt khi còn sinh trưởng ở các vùng chuyên canh cây công nghiệp tỉnh ĐắkLắk, 265 cây mắc ca đầu dòng đều được chọn lọc hom giống ghép với gốc mắc ca thực sinh tại vườn ươm ở Tu Tra, Đơn Dương. Đến nay ước tính hơn 500.000 cây mắc ca với 14 bộ giống đã ghép thành công và hiện đang chăm sóc theo quy trình công nghệ cao để chuẩn bị xuất vườn cung cấp cho nông dân Lâm Đồng xuống giống vào đầu mùa mưa năm 2017.
Về quy trình sản xuất giống mắc ca ghép chất lượng cao, Giám đốc Võ Duẫn chia sẻ: “Đầu tiên chọn từng hạt mắc ca thu hoạch đạt chất lượng vỏ mỏng, cơm dày để ngâm nước 2 sôi 3 lạnh trong nhiều ngày rồi gieo xuống lớp đất cát dày khoảng 30cm, bao quanh bằng tấm bạt địa chất. Khi cây nẩy mầm tạo thành một cặp lá thì chuyển vào bịch ni lông giá thể. Nuôi cây trong bịch giá thể từ 10- 12 tháng khi đạt chiều cao 60cm- 80cm, đường kính thân cây từ 8- 10mm thì bắt đầu cưa ghép với hom đầu dòng có từ 3- 4 mầm chồi. Tiếp tục chăm sóc cây mắc ca ghép khoảng 6 tháng sau đó có thể đưa ra trồng ngoài trời…”
Tỷ lệ cây ghép mắc ca sinh trưởng tươi tốt tại vườn ươm Tu Tra, Đơn Dương từ 65- 75%. Theo Giám đốc Võ Duẫn thì tỷ lệ này đạt ở mức khá cao so với thế giới, bởi mắc ca là cây thân gỗ, đòi hỏi phải chuẩn xác từ đường dao cắt đến các thao tác ghép “nêm”, cột chặt ni lông và giữ độ ẩm vừa đủ cho bộ rễ nuôi sống mầm chồi đầu dòng mới.
Khảo sát 7 khu nhà lưới ( tổng số 4ha) gieo ươm, cắt ghép mắc ca ở Tu Tra, Đơn Dương, phóng viên ghi nhận ở quy mô sản xuất khép kín kỹ thuật đồng bộ. Khung nhà sắt chắc chắn, mái lợp lưới đen điều hòa ánh sáng trực tiếp. Trong nhà lưới lắp đặt hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phun sương. Từng hàng bịch giá thể sắp xếp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Bên dưới bịch giá thể là lớp đá dăm trải trên tấm bạt địa chất, ngăn chặn gần như tuyệt đối các mầm bệnh phát sinh từ trong đất.
Giải tỏa nỗi lo giống mắc ca trôi nổi
Với diện tích 3 ha còn lại trong vườn ươm ở Tu Tra, Đơn Dương, Công ty Him Lam Mắc ca Lâm Đồng dành 1 ha xây dựng khu văn phòng làm việc, nhà ở….và 2 ha trồng thuần 2.000cây mắc ca ghép trình diễn tại vườn. Kết quả chăm sóc từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2017, đạt 100% cây sinh trưởng khỏe mạnh, đảm bảo các kích thước về gốc, thân, cành và tán lá.
Khả năng phát triển của 2.000 cây mắc ghép sản xuất đại trà ở xã Tu Tra, Đơn Dương sẽ thu trái bói rải rác từ 3- 5kg hạt/cây vào năm thứ 3 và thứ 4. Đến năm thứ 5 về sau sẽ bước vào chính vụ, năng suất trung bình từ 8- 10kg hạt/cây. 
Và nếu trồng mật độ 200 cây/ha xen canh với cà phê và chè ở Lâm Đồng, hạch toán sơ bộ ở vụ thu hoạch năm thứ 5 đến hàng chục, thậm chí cả trăm năm sau, người nông dân thu lãi ròng từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên- tính theo thời giá tháng 3/2017.
Được biết, Công ty Him Lam Mắc ca Lâm Đồng đang hoàn tất các thủ tục để công nhận vườn ươm mắc ca ghép đầu dòng ở xã Tu Tra, Đơn Dương đạt tiêu chuẩn chất lượng để nhân rộng sản xuất trong cả nước. Như vậy kể từ đây, nông dân Lâm Đồng đã chính thức có địa chỉ để giải tỏa nỗi lo về những giống mắc ca trôi nổi trên thị trường./.
THÁNG 3/2017