Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Vượt nghèo từ nguồn vốn chính sách

VĂN VIỆT
Nhiều hộ gia đình nghèo ở xã Hiệp An, Đức Trọng với nguồn vốn chính sách ưu đãi lãi suất, đã vượt khó chuyển đổi cây trồng, thâm canh tăng năng suất, từng bước cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu.

30 triệu đồng thoát nghèo
Lội qua cả cây số đường đất sau những ngày mưa lớn đầu tháng 11/2016, tôi dừng lại bên thửa rau 2.000m² xà lách đang lên xanh, tọa lạc bên cạnh là căn nhà gỗ thâm thấp, diện tích chỉ vài chục mét vuông, nằm sâu trong địa bàn thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, Đức Trọng. Chủ nhân là bà Đặng Thị Nguyệt, 55 tuổi, một người phụ nữ vừa vượt qua hoạn nạn vì người chồng mắc bệnh ung thư mất sớm, để lại đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi học hàng ngày…
Hỏi chuyện, bà Nguyệt thật lòng: “Hộ gia đình tôi có 3 người. Cách đây 3 năm, chồng tôi không may ngã bệnh ung thư, chạy chữa nhiều nơi nhưng không qua khỏi. Còn lại 2 mẹ con tôi với  2.000m² đất trồng rau, củ, quả…thiếu phân bón, thiếu nước tưới, thiếu giống mới, thu nhập rất ít ỏi, thậm chí nhiều vụ mùa còn bị thua lỗ nặng nề…Nhờ nguồn vốn chính sách cho vay ưu đãi 30 triệu đồng từ 2 năm trước, đến nay tăng lên 50 triệu đồng, tôi đầu tư quay vòng trồng nhiều loại rau ngắn ngày, mỗi tuần đều đặn thu hoạch có tiền chi tiêu ăn uống, sinh hoạt…Đứa con gái của tôi năm nay 14 tuổi vẫn cố gắng đi học bình thường…
Tính riêng cây xà lách trên 2.000m² trong năm 2016, bà Nguyệt thâm canh mỗi lứa 40 ngày, thu hoạch bán ra khoảng 12 triệu đồng. Trừ mọi chi phí về đầu tư giống, phân, điện, nước, công lao động và kể cả khoản tiền để dành trả vốn gốc vay khi đến hạn…, bà Nguyệt thu lợi nhuận từ 3,5- 4 triệu đồng.
“ Bà Nguyệt đã sử dụng hiệu quả đồng vốn vay chính sách nhờ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới béc phun tự động, bơm lên từ giếng khoan sâu dưới lòng đất, quanh năm đảm bảo đủ cung cấp nước cho cây trồng tăng năng suất. Đặc biệt, trong từng thời vụ sản xuất, bà Nguyệt rất tích cực tiếp cận, thực hành đúng kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và nhiều hộ nông dân kinh nghiệm ở địa phương từ khâu xới đất, đắp luống, xuống giống trồng đến khâu chăm sóc, quản lý sâu bệnh, thu hoạch…Bà Nguyệt là một trong 2 trường hợp ở thôn Trung Hiệp có khả năng thoát nghèo trong đầu năm 2017 nhờ dùng đồng vốn vay chính sách để chuyển đổi cây trồng phù hợp… ”- bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn chính sách thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An đánh giá.
50 triệu đồng thu nhập vượt trội
Cũng theo Tổ trưởng Nguyễn Thị Tuyết, ngoài 2 hộ gia đình đang sắp sửa đưa vào danh sách thoát nghèo nói trên, toàn thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An gồm hơn 45 hộ gia đình vay vốn chính sách để mở rộng sản xuất nông nghiệp với tổng số dư khoảng 1,3tỷ đồng, trong đó khá nhiều hộ gia đình đang tăng lên thu nhập vượt trội hàng tháng. Ông Nguyễn Ngọc Quyền, chủ hộ gia đình cựu chiến binh sản xuất đa dạng cây trồng, vật nuôi ở đây là một trong những điển hình.
   Ông Quyền kể lại, từ năm 2012 trở về trước, hộ gia đình ông có 1.200m² nhà ni lông ươm cây giống và 3.000m² sản xuất các loại rau, củ, quả ngoài trời, nhưng do đầu tư thiếu đồng bộ và kịp thời, nên thu nhập thường xuyên bấp bênh. Từ năm 2012 đến nay, được nguồn vốn chính sách cho vay tăng dần từ 30 triệu lên 50 triệu đồng và thêm 12 triệu đồng tiền khoan giếng lấy nước tưới, ông Quyền không chỉ nâng cấp vườn ươm, chọn cây giống mới chất lượng cao để canh tác, mà còn kết hợp với chăn nuôi thêm nhiều con bò sữa và bò thịt sinh sản, kết quả vừa đạt thu nhập cao trong những năm trước mắt, vừa mở hướng phát triển lâu dài theo quy mô trang trại tổng hợp.
“ Hơn 10 tháng đầu năm 2016, mỗi tháng, hộ gia đình tôi mang về lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng từ vườn ươm nhà kính và vườn sản xuất các loại rau ngoài trời, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức lương 4 – 5 triệu đồng/tháng… ”- cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quyền chia sẻ.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hiệp An, Đức Trọng, ông Nguyễn Trí Sơn cho biết: Toàn xã Hiệp An đang có gần 200 hộ gia đình hội viên cựu chiến binh vay khoảng 4,7 tỷ đồng nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trung bình mỗi hội viên vay từ 20- 50 triệu đồng. Đến nay, 100% hội viên đã xóa nghèo, trong đó xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất tiêu biểu ở địa phương. Chủ tịch UBND xã Hiệp An, ông Trương Quang Tùng nói thêm: “Nguồn vốn vay chính sách đã góp phần chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,6% xuống còn 1,7% trong vòng 3 năm gần đây… ”
Nhìn rộng hơn, ông Võ Văn Phúc, Giám đốc Phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội Đức Trọng, thống kê số dư nợ trên địa bàn đến tháng 10/2016 hơn 263 tỷ đồng với gần 11.700 khách hàng thụ hưởng, tăng khoảng 6,4% so với cuối năm 2015. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của tất cả các điểm giao dịch lưu động ở các xã trong huyện Đức Trọng. Qua đó giúp nhiều hộ gia đình được tiếp cận kịp thời và sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay chính sách ưu đãi của nhà nước… ”-ông Phúc nhấn mạnh./.
THÁNG 11/2016