Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Để nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi

VĂN VIỆT
Kết thúc năm 2016, tỷ trọng ngành chăn nuôi Lâm Đồng ước đạt 16% trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2020, Lâm Đồng phấn đấu nâng tỷ trọng này lên 20- 22% với nhiều giải pháp được thông qua. 

Tăng đàn gia súc, gia cầm từ 7% trở lên
Với định hướng phát triển các vùng chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, công nghiệp, trong 4 năm tới, tỉnh Lâm Đồng thông qua các chỉ tiêu tăng đàn hàng năm từ 7% gia cầm; 8,5% heo thịt đến 10% bò thịt và 20- 25% bò sữa. Cụ thể, thông qua kỹ thuật tinh phân giới tính sẽ nâng tỷ lệ bò sữa Holstein Friesian thuần đạt 95%, tập trung trên 50 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Đến năm 2020, đạt tổng đàn bò sữa từ 40.000 – 50.000con, sản lượng sữa tươi từ 150.000 – 200.000 tấn. Đàn bò thịt thì ưu tiên phát triển giống lai cao sản trên địa bàn 75 xã, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng (trừ huyện Lạc Dương và thành phố Đà Lạt). Mỗi địa phương ở đây cần hình thành 1- 2 điểm phối tinh nhân tạo các giống bò thịt lai cao sản Red Angus, Drouhmaster và BBB, đạt tổng đàn khoảng 100.000con vào năm 2020.
Bên cạnh đó, gắn việc duy trì đàn heo bản địa chất lượng cao thuộc các địa bàn huyện Lạc Dương, Đam Rông, Đơn Dương, Di Linh và Bảo lâm, tỉnh Lâm Đồng khuyến khích mở rộng các cơ sở chuyên sản xuất các giống heo ngoại thương phẩm hướng nạc như: Yorkshire, Landrace, Duroc…,đáp ứng nhu cầu tăng đàn trên 11 huyện, thành (trừ huyện Lạc Dương) đến năm 2020 đạt từ 500.000 – 600.000con, sản lượng thịt khoảng 100.000 – 110.000 tấn.
Về cơ cấu phát triển đàn gia cầm cần duy trì tỷ lệ 65% gà, 23% thủy cầm và 12% chim cút; chuyển đổi từ quy mô hộ gia đình, phân tán, nhỏ lẻ sang quy mô trang trại công nghiệp đạt trên 45% tổng đàn. Để đạt sản lượng thịt gia cầm 16.000 tấn và 28 triệu quả trứng vào năm 2020, các địa bàn huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc nâng cấp khoảng 5 cơ sở sản xuất giống gia cầm đạt chất lượng, khuyến khích sản xuất các loại giống gà thịt Tam Hoàng, Lương Phượng, Hubbard…và đàn gà sản xuất trứng giống như Isa Brown, Leghorn, Ai Cập…
Lâm Đồng cũng đặt vấn đề quy hoạch vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi phù hợp. Cụ thể, trên địa bàn 10 huyện, thành (trừ thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương) phát triển 6.500 – 7.000ha trồng cây thức ăn thô xanh, đạt sản lượng hàng năm 1,5 - 2 triệu tấn, cung cấp theo nhu cầu chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Hoặc ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà thu hút đầu tư xây dựng 1- 2 nhà máy chế biến thức ăn gia súc, đạt công suất khoảng 80.000 -100.000 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ hình thành 50- 55 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các phường, xã đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm…  
Đồng bộ 3 nhóm giải pháp
Để thực hiện hiệu quả quy hoạch ngành chăn nuôi đến năm 2020 với tỷ trọng đạt đến 22% tổng sản phẩm ngành nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã thông qua 3 nhóm giải pháp cần sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành chức năng để triển khai thực hiện.
Nhóm giải pháp đầu tiên là chủ động vận dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, đào tạo nghề…cho những trường hợp phải di dời cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy hoạch. Trên từng địa phương cần kiện toàn hệ thống thú y viên, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống vật nuôi, kiểm soát chất lượng thịt giết mổ trước khi cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Tiếp theo với nhóm giải pháp về vốn đầu tư, ngân sách cấp tỉnh, huyện, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cùng nguồn vốn khác để hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung, phát triển chăn nuôi nông hộ gắn với thị trường; đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm mô hình bảo hiểm chăn nuôi để nhân rộng. Lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng tại các địa bàn quy hoạch để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi.
Nhóm giải pháp trọng tâm phát triển khoa học công nghệ, đó là lựa chọn, nhập nội các giống gà mới phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương; áp dụng tinh phân giới để mở rộng lai tạo đàn bò, đàn heo đạt năng suất và chất lượng cao. Xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi hiện đại với các hệ thống làm lạnh, cung cấp thức ăn tự động, xử lý chất thải đạt yêu cầu bảo vệ môi trường…   
Hy vọng với 3 nhóm giải pháp nêu trên khi đi vào thực tế sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, Lâm Đồng sẽ tăng thu nhập đáng kể cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư, góp phần thiết thực trong chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.
THÁNG 11/2016