VĂN VIỆT
Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực,
nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh giống rau, hoa của tỉnh Lâm Đồng đang rất
cần những giải pháp lâu dài về cơ chế chính sách, quy hoạch, kỹ thuật, quản lý
nhà nước, nhằm góp phần đạt mục tiêu tái cơ cấu cây trồng theo hướng ổn định và
bền vững.
Chiếm hơn 30% cơ cấu ngành trồng trọt
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trong
cơ cấu ngành trồng trọt Lâm Đồng, giá trị sản xuất 2 cây thế mạnh rau và hoa
chiếm hơn 30%, tập trung phần lớn ở các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương,
Đức Trọng và hiện đang mở rộng ở địa bàn Lâm Hà. So với 5 năm trở lại đây, diện
tích sản lượng rau tăng lần lượt 28,5% và 39,3%; hoa tăng lần lượt hơn 29% và 26,5%.
Trong 120 giống rau đang sản xuất trên địa bàn Lâm
Đồng, chiếm tỷ lệ nhiều nhất thuộc về nhóm rau ăn lá với 48%; tiếp theo nhóm
rau ăn quả và ăn củ chiếm 47%; còn lại 5% là nhóm rau ăn hoa. Với cây hoa hiện
có 400 loài, phần lớn gồm từ họ hoa lan và họ hoa cúc đến các nhóm hoa hồng,
đồng tiền, cát tường, cẩm chướng, lily và các loại cây bonsai, cây trang trí… Tính
riêng diện tích rau và hoa ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh Lâm Đồng hiện đang canh
tác gần 15.080ha diện tích. Doanh thu bình quân mỗi năm từ 400- 500 triệu
đồng/ha rau và từ 800 triệu - 1,2 tỷ đồng/ha hoa.
Thông qua hoạt động khoảng 300 cơ sở sản xuất kinh
doanh hàng năm, người nông dân thường xuyên canh tác với 80 – 85% nguồn giống
rau nhập khẩu; tỷ lệ 15- 20% còn lại tự nhân giống các loại rau chủ yếu như:
carrot, khoai tây, đậu cove… Với cây hoa, người nông dân chỉ sử dụng từ 20-25%
nguồn cây giống nhập khẩu như lily, salem…; 75- 80% tự tách cây con từ cây mẹ
hoặc để củ nhân giống cho vụ mùa kế tiếp ( áp dụng đối với các giống ít thoái
hóa như lay ơn, hoa cúc, hoa hồng…)
“Hoạt động sản xuất giống rau, hoa đã đáp ứng cơ bản
nhu cầu sản xuất các loại sản phẩm nội tiêu và xuất khẩu. Dẫu vậy, cơ sở hạ
tầng kỹ thuật trong thời gian tới cần được đầu tư đồng bộ, nhằm đảm bảo nguồn
giống rau, hoa đạt chất lượng ngày càng cao hơn…”- theo đánh giá của Chi cục
Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng.
Sản xuất cây
giống chủ yếu quy mô nhỏ
Hiện tại, công nghệ ghép cây giống cũng đang ứng dụng
rộng rãi, mang lại những hiệu quả thiết thực, điển hình là thực hành các cây
giống ghép cà chua và ớt ngọt đưa ra trồng đại trà trên đồng, đã chứng tỏ khả
năng đề kháng bệnh héo rũ, kết quả tăng
rõ rệt năng suất và chất lượng thu hoạch. Như diện tích tích 10.000ha cây cà
chua hàng năm trong tỉnh Lâm Đồng, với nguồn giống cây ghép cung ứng từ 150
vườn ươm, đã nâng sản lượng thu hoạch vượt trội 20- 50% so với trồng cây giống
thực sinh trước đó.
Tuy nhiên, trên địa bàn Lâm Đồng mới có 2 cơ sở sản
xuất các lọai cây giống rau, hoa cấy mô quy mô lớn là Công ty cổ phần công nghệ
sinh học Rừng hoa Đà Lạt (100 box cấy) và Công ty Bonie Farm (48 box cấy). Còn
lại khoảng 45 cơ sở đều hoạt động với quy mô từ 10 box cấy trở xuống. Những đơn
vị đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền, thiết bị hiện đại, đã từng bước mở rộng thị
trường xuất khẩu sang các nước châu Âu, nhưng chỉ đạt mức hàng năm khoảng 10
triệu cây giống cấy mô, tương đương 40% trên tổng sản lượng.
Nhìn rộng ra thì hoạt động sản xuất kinh doanh cây
giống rau, hoa ở Lâm Đồng chủ yếu tập trung việc cấy mô, gieo ươm và chiết tách
từ các nguồn giống gốc nhập khẩu, trong khi việc sản xuất các loại giống bản
quyền của Đà Lạt vẫn chưa được chú trọng. Điều này đã góp phần tăng chi phí đầu
tư sản xuất, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm đầu ra và khả năng tham gia thị
trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế.
Với định hướng gắn sản xuất giống rau, hoa với chương
trình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, giải pháp trước mắt của ngành
nông nghiệp Lâm Đồng trong 5 năm tới là tiếp tục đầu tư nguồn lực cho khoa học
công nghệ để đạt các mục tiêu di thực 20- 30 giống đạt năng suất và chất lượng
để khảo nghiệm; phục tráng 20 giống đang thoái hóa; mỗi năm xây dựng 1,2ha mô
hình sản xuất giống mới để nhân rộng trên 3.130ha rau và gần 400ha hoa…
Về lâu dài, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang cần những
giải pháp chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nâng cao năng lực sản
xuất cây giống rau, hoa cho các doanh nghiệp quy mô lớn, từ đó đồng loạt chuyển
giao công nghệ cho các cơ sở quy mô nhỏ. Đồng thời ban hành quy định về tiêu
chuẩn, tiêu chí, nhân lực, diện tích mặt bằng … hội đủ điều kiện được cấp phép hoạt
động sản xuất giống cây trồng nói chung, giống cấy mô nói riêng.
Ngoài ra cũng cần tăng cường các giải pháp kiểm tra,
kiểm soát đột xuất và định kỳ, nhằm đảm bảo nguồn cây giống rau, hoa chọn tạo, cấy
mô và gieo ươm đưa ra sản xuất đạt chất lượng cao, phù hợp với từng vùng cây
trồng theo quy hoạch…/.
THÁNG 11/2016