VĂN VIỆT
Hàng chục hecta cam đỏ cao sản ở xã Hiệp
An, Đức Trọng bước vào chính vụ thu hoạch vẫn không đủ bán theo nhu cầu đặt
hàng khắp nơi trong nước, cho thấy thế mạnh mới của sản phẩm đặc trưng trên đất
Lâm Đồng.
Mùa chính vụ cam đỏ ở vùng đất Hiệp An, Đức Trọng thu
rộ từ đầu tháng 11 năm trước và kết thúc vào đầu tháng 2 năm sau. Thời gian còn
lại trong năm là mùa vụ nghịch, sản lượng thu hoạch bằng 20- 30% so với mùa vụ
chính.
Tôi đến trang trại cam đỏ ở thôn K’Long, xã Hiệp An
khi vừa qua hơn 2 tuần đầu thu hoạch chính vụ. Nơi đây bố trí vài ngàn mét
vuông vườn ươm cây giống và khu văn phòng làm việc của “pháp nhân cam đỏ” là Công
ty TNHH Thương mại và Chế biến nông nghiệp Phương Mai (gọi tắt là Công ty
Phương Mai). Không khí ngày mùa cam đỏ thật tất bật. Người quản lý liên tục làm
việc với khách trực tiếp và khách qua điện thoại để thỏa thuận nhận tiền, giao
hàng. Đội ngũ công nhân vừa hái cam đỏ từ trên cây xuống là tập trung phân
loại, đóng thùng chuyển đi các vùng miền trong nước (khoảng 20- 30% sản lượng);
đồng thời bán trực tiếp tại trang trại và dùng xe tải nhỏ vận chuyển lên Đà Lạt
giao các đầu mối phân phối (khoảng 70- 80% sản lượng còn lại).
Trong nửa đầu tháng 11/2016, ông Nguyễn Công Cẩm, Phó
Giám đốc Công ty Phương Mai, ước tính hàng tuần thu hoạch tính bằng “đơn vị tấn”
cam đỏ trên diện tích gần 40ha ở xã Hiệp An, Đức Trọng. Sản lượng này dự kiến
tiếp tục tăng vượt trội vào những tháng tới.
“Diện tích 40ha cam đỏ của công ty chúng tôi bắt đầu thời
kỳ thu hoạch từ 4- 7 năm trước, năng suất trung bình từ 35-40 tấn/ha/năm. Vào
thời điểm chính vụ, công ty phải huy động hơn 10 công nhân thu hái đầu giờ buổi
sáng và sắp lớp trong thành thùng giấy carton 20kg, đến đầu giờ buổi chiều, tất
cả lượng hàng đã chuyển đi và bán hết tại chỗ. Mọi năm đối với thị trường miền
Bắc, miền Trung, công ty phân phối một số lượng đáng kể sản phẩm cam đỏ. Nhưng
năm nay phải giảm xuống nhiều lần vì khách hàng trong tỉnh Lâm Đồng và thành
phố Hồ Chí Minh bất ngờ đặt những đơn hàng số lượng lớn trước cả mấy tháng. Mặc
dù sản phẩm cam đỏ đang tiêu thụ rất nhanh, công ty vẫn giữ ổn định mức giá bán
ra 50.000 đồng/kg loại 1 và 40.000 đồng/kg loại 2…”-Phó Giám đốc Cẩm cho biết.
Lập đỉnh 60
tấn/ha/năm
Cũng theo Phó Giám đốc Cẩm, mùa cam đỏ chính vụ năm
2016 có nhiều diện tích của trang trại công ty thu hoạch năm thứ 6, thứ 7, sản
lượng có thể lập đỉnh 50- 60 tấn/ha, tương đương tổng doanh thu trung bình 2-
2,5tỷ đồng/ha. Nếu trừ mọi nguồn vốn đầu tư về cây giống, phương tiện cơ giới
làm đất, vật tư phân bón, công lao động…thì cam đỏ năm 2016 vẫn đạt lãi từ 1,5-
2 tỷ đồng/ha.
Đó là chưa kể nguồn cây giống cam đỏ bán ra mỗi tháng
từ 50- 60 triệu đồng cho người nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Hiện giá thành
trung bình mỗi cây giống bán ra tại vườn ươm 150.000 đồng/cây. Đến Công ty
Phương Mai mua cây giống, ông Nguyễn Văn Trà, chủ hộ gia đình ở khu vực đèo
Prenn, phường 3, Đà Lạt, đánh giá: “ Mùa mưa năm 2015, gia đình tôi đã mua lần
lượt hơn 100 cây giống cam đỏ ở đây về trồng xen canh trên diện tích 1ha cà phê
catimor đang thời kỳ kinh doanh. Trồng và chăm sóc theo hướng dẫn của Công ty
Phương Mai, phần lớn cây cam đỏ mua về trồng đều đang phát tán xanh tốt, chiều
cao mỗi cây hơn cả mét. Hôm nay, tôi tiếp tục mua thêm cây giống cam đỏ để mở
rộng diện tích trồng xen canh mới. Hy vọng trong 3 năm tới sẽ có thêm nguồn thu
cam đỏ đáng kể hàng tuần cho hộ gia đình tôi…”
Được biết, giống cam đỏ của Công ty Phương Mai được
ghép giữa gốc giống nhập về từ nước Úc với mầm chồi đầu dòng sản xuất đầu những
năm 2000 khoảng 5ha, tọa lạc khu đồi đá thuộc thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, Đức
Trọng. Năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận nguồn
giống cam đỏ này đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng để bảo tồn, nhân rộng trên địa
bàn. Từ đó đến nay, hàng năm, Công ty Phương Mai thường xuyên ghép tạo và nuôi
cây giống cam đỏ trong vườn ươm nhà kính ở xã Hiệp An, Đức Trọng với các kỹ
thuật riêng biệt. Thời gian chăm sóc trong vườn ươm khoảng 12 tháng, đạt các
yêu cầu chất lượng mới xuất bán rộng rãi cho người trồng trong và ngoài tỉnh
Lâm Đồng.
“ Gọi cam đỏ vì trái có múi màu đỏ, tổng hợp 3 thành
phần hoạt chất của cam, cà rốt và cà chua. Đây là một loại cam không hạt, xuất
xứ từ Venezuela
di thực qua Mỹ rồi đến Úc. Ông Mai Viết Phương, một Việt kiều Úc ( hiện là Giám
đốc Công ty Phương Mai) đưa giống cam đỏ về trồng thử nghiệm thành công ở khu
đồi đá xã Hiệp An, Đức Trọng từ năm 2000, sau đó nhân giống đại trà trong vùng.
Với hương vị chua nhẹ và ngọt thơm đặc trưng nhiều giá trị dinh dưỡng, hỗ
trợ phòng chống các loại bệnh ung thư
phổi, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, da…nên sản phẩm cam đỏ trên đất Đức Trọng
của Lâm Đồng vẫn luôn hút hàng ở khắp mọi thị trường trong nước…”- Phó Giám đốc Nguyễn Công Cẩm nhận định./.
THÁNG 11/2016