Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Sản phẩm đặc trưng thế mạnh ngành nông nghiệp Đà Lạt - nhìn về năm 2020

VĂN VIỆT
Kế tiếp 2 sản phẩm rau và hoa chủ lực đến năm 2020, Đà Lạt sẽ xác lập mới về quyền quản lý, sử dụng độc quyền 5 nhãn hiệu đặc trưng thế mạnh gồm: dâu tây, cà phê chè, hồng ăn trái, nấm và chè Cầu Đất. Nhiều giải pháp đã và đang triển khai thiết thực để đạt kế hoạch này.

Khẳng định danh tiếng và chất lượng
Đến nay, thành phố Đà Lạt được Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với 02 sản phẩm đặc trưng thế mạnh là rau và hoa. Theo nhận định của Phòng Kinh tế Đà Lạt thì “cơ hội này đã và đang mở ra nhiều điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất- kinh doanh, nhằm khẳng định danh tiếng và chất lượng các mặt hàng đặc thù thế mạnh của Đà Lạt. Và thực tế khi cung ứng các sản phẩm đặc thù thế mạnh vào hệ thống siêu th, nhà hàng, khu công nghip thuộc những đô thị lớn trong nước, đã tạo ra những giá trị gia tăng doanh thu lên khong 25 – 30% đối với nhiều tổ chức kinh tế, hộ gia đình ở Đà Lạt và vùng phụ cận như: Hợp tác xã Xuân Hương, Anh Đào, Tân Tiến, các Công ty Organik, Nông sản Lâm Đồng, Kim Bằng, Thảo Nguyên, Dalat GAP…”
Nhìn lại ngành nông nghiệp Đà Lạt với những sản phẩm đặc trưng thế mạnh trong 5 năm vừa qua cho thấy những bước chuyển biến tích cực. Trong đó, đã tập trung các giải pháp ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cây trồng, dây chuyền thiết bị, công nghệ sinh học, vật liệu mới, bảo vệ thực vật…,góp phần chuyển dịch đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, đồng thời gắn kết giữa sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Hiện diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn thành phố Đà Lạt là 4.800 ha, chiếm gần 46% diện tích đất canh tác. Cụ thể, gồm: rau, dâu tây và atisô 2.814ha; hoa 1.508ha; chè 210ha; cà phê 268ha; tính riêng diện tích rau sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP…đạt trên 700ha.
Những hình thức áp dụng hệ thống tưới tự động được phân bổ 1.630ha diện tích nhà kính, nhà lưới (tăng 667ha so với năm 2010). Đặc biệt, đạt tỷ lệ 100% diện tích sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa hoàn toàn khâu làm đất, 85% diện tích cây trồng chủ động nguồn nước tưới đạt tiêu chuẩn an toàn. Thống kê một năm vừa qua, doanh thu bình quân cây hoa cắt cành thông thường đạt khoảng 700 triệu đồng/ha (hoa cắt cành cao cấp các loại đạt bình quân trên 1,2 tỷ đồng/ha); rau cao cấp đạt 550 triệu đồng/ha, chè cành chất lượng cao đạt 350 triệu đồng/ha …Đến nay có tổng số gần 180 đơn vị, tổ chức, cá nhân được cấp nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt và Hoa Đà Lạt.
Qua đánh giá cho biết, ngành nông nghiệp với việc ứng dụng công nghệ cao để canh tác những sản phẩm đặc trưng thế mạnh của mình, không chỉ tiếp tục khẳng định danh tiếng và chất lượng hàng hóa, mà đã đưa vị trí thành phố Đà Lạt trở thành địa phương dẫn đầu trong tỉnh Lâm Đồng đạt những kết quả quan trọng: Tốc độ tăng trưởng hàng năm 11-12%/ năm (bình quân chung của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng tăng 8,5% - 8,6%/năm); chiếm tỷ trọng 9,9% trong cơ cấu kinh tế của toàn thành phố, thu hút hơn 31.360 lao động tham gia. Thu nhập bình quân trên 01 ha diện tích đất sản xuất khoảng 230triệu đồng/năm (bình quân chung của tỉnh Lâm Đồng khoảng 135 triệu đồng/ha/năm).
Đạt giá trị sản xuất 300 triệu đồng/ha/năm
Tính từ đầu năm 2015 đến thời điểm tháng 7/2016, UBND thành phố Đà Lạt đã phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận 3 sản phẩm mới gồm: cà phê chè Cầu Đất, hồng ăn trái và dâu tây Đà Lạt. 
Giai đoạn bước sang năm 2017 đến năm 2020, tiếp tục xác lập mới về quyền quản lý, sử dụng trên 2 sản phẩm đặc trưng thế mạnh của Đà Lạt như nấm và chè Cầu Đất, góp phần nâng giá trị sản xuất trên mỗi hecta lên 300triệu đồng/năm. Mục tiêu hướng đến ở đây nhằm tăng cường nhận thức của người dân và các tổ chức sản xuất - kinh doanh về định hướng phát triển thương hiệu gắn với nâng cao giá trị và sức cạnh tranh đối với các sản phẩm đặc trưng thế mạnh. Bởi đây đều là những sản phẩm được pháp luật bảo hộ về nhãn hiệu độc quyền của thành phố Đà Lạt trên thương trường trong và ngoài nước...
Để phát huy năng lực cạnh tranh của các sản phẩm đặc trưng thế mạnh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu nói trên, chính quyền thành phố Đà Lạt đã và đang triển khai những giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Đó là lồng ghép việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh vào các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương; khuyến khích thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả của các hiệp hội nghề nghiệp.
Đồng thời đa dạng hóa nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung và vấn đề tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu nói riêng. Đặc biệt chú trọng phát triển số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia sử dụng, quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm đặc trưng thế mạnh được chứng nhận nhãn hiệu. Bên cạnh đó, các cấp, ngành liên quan cùng tăng cường phối hợp, vận dụng các cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho tổ chức, hộ gia đình có thêm điều kiện cần thiết mở rộng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nhằm không ngừng nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên mỗi loại sản phẩm gắn với biện pháp bảo vệ nhãn hiệu đặc trưng thế mạnh của mình./
THANG 7/2016