Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Khi rau Đà Lạt dán tem chống giả

VĂN VIỆT
Hàng chục công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất- kinh doanh các loại rau được dán tem bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Đà Lạt, đã tăng doanh thu từ 20- 30% trong vòng 5 năm qua. Những khu vực thị trường “khó tính” trong nước đã chọn phân phối phần lớn mặt hàng rau Đà Lạt có dán tem chống giả để tạo sự an tâm đến người tiêu dùng.

Nông dân, hợp tác xã cùng tăng lợi nhuận
Giữa tháng 7/2016, khu vườn dưa leo baby nhà kính hơn 1.000m² dưới chân đèo Mimosa, Đà Lạt thu hoạch và bán ra đều đặn mỗi ngày từ 80- 100kg. Chủ vườn, anh Nguyễn Trung Thành cho biết, đây là giống dưa leo nhập về từ Hà Lan trồng theo quy trình VietGAP, hàng tuần bắt buộc ghi từng chi tiết lượng nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học đã sử dụng cùng với biên độ thay đổi của thời tiết, nhiệt độ, chiều cao của cây, chiều rộng phát tán của cành, sản lượng thu hoạch…để chịu sự kiểm tra, kiểm soát và chỉ đạo sản xuất của đối tác bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng và dán tem độc quyền “Rau Đà Lạt” trước khi bán tân tay người tiêu dùng. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình như vậy, nên hơn một tháng vừa qua, giá dưa leo baby ở đây được đối tác thu mua khoảng 15.000 đồng/kg, cao hơn mức giá trung bình của thị trường bán sỉ từ 20- 25%.
“ Trong vòng 2 năm qua thì đây lứa dưa leo thứ 3 liên tục áp dụng canh tác theo quy trình VietGAP, được đối tác thu mua gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” với giá ổn định và tăng dần cho đến thời điểm giữa tháng 7/2016 này…”- nông trẻ Nguyễn Trung Thành nói thêm. Và được biết, trong 5 năm qua, các sản phẩm rau nhà kính đạt chất lượng gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” của nông gia Thành không chỉ sản xuất dưa leo baby mà trước đó gồm các loại rau cao cấp khác như ớt ngọt Hà Lan, đậu cove Nhật, xà lách Mỹ…ước đạt lợi nhuận bình quân khoảng 90 - 100triệu đồng/1.000m²/năm.
Cũng nằm trong khu vực nguyên là địa hình đất sét dưới chân đèo Mimosa, Đà Lạt, trên diện tích 6.000m² nhà kính công nghệ cao, hộ gia đình ông Cao Chu Vân luân canh các loại rau đạt tiêu chuẩn gắn nhãn “Rau Đà Lạt” bán ra thị trường như: súp lơ, xà lách, ớt ngọt, đậu cove…thu về lợi nhuận tăng mỗi năm hơn 20%. Tính chung trên đơn vị diện tích 1.000m² nhà kính tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP trong 5 năm qua, thì hộ gia đình ông Vân đã tăng lợi nhuận lên đạt mức hơn 100 triệu đồng/năm.
Trên đây là 2 trong 25 hộ gia đình thành viên của HTX Nông nghiệp Tiến Huy ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, đã được UBND thành phố Đà Lạt cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” hơn 5 năm qua. Xuất phát điểm từ hộ gia đình sản xuất vài ngàn mét vuông rau các loại trong nhà kính chuyển đổi từ cây cà phê giá trị kinh tế thấp; rồi kết hợp mở cơ sở thu mua rau và đến nay nâng lên quy mô Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Huy, Chủ nhiệm Võ Tiến Huy đã gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” mỗi ngày từ 3- 4 tấn rau, củ, quả cung ứng đến hệ thống các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh. Thường xuyên có khoảng hơn 10 loại rau sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng, đạt tiêu chuẩn rau VietGAP được HTX Nông nghiệp Tiến Huy đóng gói, dán nhãn chống giả “Rau Đà Lạt” bên trên nhãn thương hiệu của mình, trọng lượng mỗi gói từ 0,5-1kg. Sản lượng và doanh thu rau đóng gói dán nhãn chống giả “Rau Đà Lạt” hàng năm ở HTX đều tăng từ 20% trở lên, lợi nhuận đồng thời cộng thêm với tỷ lệ tương ứng. 
Xây dựng thương hiệu mạnh trên thương trường
Tương tự sau 4 năm thành lập và được dán tem chống giả “Rau Đà Lạt”,  HTX Nông nghiệp Tân Tiến, Đà Lạt đã và đang không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ khoảng 15 sản phẩm rau VietGAP trên 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó tính riêng hơn 6 tháng đầu năm 2016, trung bình mỗi ngày, HTX đã dán tem chống giả “Rau Đà Lạt” trên sản lượng từ 1,5- 2 tấn sản phẩm rau, củ, quả sơ chế, đóng gói ni lông, đóng hộp giấy…rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ trong ngày, gồm 3 mức trọng lượng: 300g, 500g và 1kg. Ngoài ra, HTX còn dán tem này lên từng thùng carton, từng khay, két nhựa…chứa từng mặt hàng rau khác nhau, cân nặng từ 5kg- 30kg để cung ứng đến doanh nghiệp đầu mối tổ chức phân phối theo từng khu vực thị trường. “Hiện tại, HTX chúng tôi xây dựng ổn định chuỗi sản xuất và tiêu thụ ổn định trên diện tích 20ha đạt tiêu chuẩn VietGAP của 20 hộ gia đình thành viên. Được gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” trên từng loại sản phẩm trong 4 năm qua, HTX Nông nghiệp Tân Tiến có thêm cơ hội nâng cao uy tín, mở rộng liên kết với nhiều đối tác có tiềm lực cạnh tranh năng động trên thương trường…”- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Tiến, Đà Lạt, anh Mai Văn Khẩn chia sẻ.
Số liệu tổng hợp đến nay, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp nhãn hiệu chứng nhận độc quyền “Rau Đà Lạt” cho 35 công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất -kinh doanh rau an toàn, rau VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn Đà Lạt và các huyện phụ cận như: Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương…Không chỉ khẳng định hiệu quả ở HTX Tiến Huy, Tân Tiến vừa nêu, mà hầu hết các công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở khác được bảo hộ nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” đều đã nâng tầm thương hiệu của mình trong nước và vươn ra nước ngoài như: Phong Thúy ( Đức Trọng), Anh Đào, Đà Lạt GAP, Organik Đà Lạt, Xuân Hương, Thảo Nguyên ( Đà Lạt); Trang trại Đạ Nhim ( Lạc Dương); Ngọc Yến Minh, Cao Nguyên, Suối Thông ( Đơn Dương)… Gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” trên diện tích sản xuất thấp nhất với 2.000m² là Công ty TNHH Vườn rau, Đà Lạt; các diện tích cao nhất từ 100- 130ha như HTX Anh Đào, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Lâm Đồng…So sánh từ 5 năm trở lại đây, chiếm đa số trong 35 công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở… đã tăng doanh thu và lợi nhuận từ 20% trở lên khi dán tem chống giả “Rau Đà Lạt” trên tất cả mặt hàng rau thương phẩm…
Theo đánh giá của Phòng kinh tế Đà Lạt, kết quả phát triển nhãn hiệu chứng nhận độc quyền “Rau Đà Lạt” trong giai đoạn 5 năm nói trên cho thấy cơ quan quản lý đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát huy nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đủ điều kiện sàn xuất rau an toàn, rau VietGAP, GlobalGAP, từ đó thống nhất mục đích chung là đưa thương hiệu “Rau Đà Lạt” trở thành một thương hiệu mạnh trong nước và từng bước thâm nhập vào thị trường xuất khẩu./.
THANG 7/2016