VĂN VIỆT
Thạc sĩ sinh học Nguyễn Đức Huy ở đường
Lữ Gia, Đà Lạt đã nghiên cứu, kết nối hệ thống thiết bị thu thập dữ liệu từ
đồng rau hiển thị lên chiếc smartphone liên tục 24/24 giờ. Qua đó, Huy dùng đầu
ngón tay thực hành các chế độ chăm sóc tương ứng với điều kiện thời
tiết, khí hậu, thời điểm sinh trưởng của từng loại cây trồng.
“Cảm hứng” từ hệ thống tưới nhỏ giọt
Sau nhiều năm trải nghiệm qua các môi trường làm việc
khác nhau, năm 2013, anh Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1984, tốt nghiệp thạc sĩ sinh
học ở một trường đại học của thành phố Hồ Chí Minh) quyết định trở lại quê
hương Đà Lạt để lập vườn nhà kính trồng 2 loại “rau ăn quả” gồm cà chua beef và
cà chua picota. Đây là 2 giống rau cao cấp, xuất xứ từ Hà Lan được Huy chọn mua
bằng hạt và gieo ươm sản xuất “khai trương” đồng loạt trên diện tích 2.000m² ở
đường Lữ Gia, Đà Lạt. Những ngày tháng đầu tiên nghe Huy ở nhà làm nông gia lâu
dài, rất nhiều người tỏ ra nửa tin nửa ngờ. Đến khi gặp Huy sáng sáng, chiều
chiều xắn tay áo, mang ủng chân lặn lội trên nền đất nhà kính, tích cực phủ kín
tấm bạt, dồn giá thể vào bịch ni lông, xuống giống trồng cây cà chua…thì mọi
người ở phố Lữ Gia, Đà Lạt mới hay điều đó trở thành sự thật, dần dần thời gian
sau này ai nấy đều quen gọi biệt danh là “Huy cà chua”.
Huy kể lại : “Bản thân tự tìm hiểu, nghiên cứu thị
trường nhiều năm nhận ra rằng, việc sử dụng các loại “rau ăn quả” cao cấp (cà
chua, dưa leo, ớt chuông, dâu tây…) trong bữa ăn hàng ngày ở khách sạn, nhà
hàng “hạng sao” trong nước đang trở thành nhu cầu ngày càng khá phổ biến, nhiều
nơi phải hợp đồng trước cả năm mới có thể mua đủ sản phẩm tươi xanh phục vụ cho
thực khách, nhất là khách ngoại quốc. Trong khi với môi trường thiên nhiên lý
tưởng của cao nguyên Đà Lạt, nhưng diện tích “rau ăn quả” chỉ chiếm một phần
quá nhỏ so với tổng diện tích các loại rau ăn lá, bông, củ…Bởi vậy, nếu bắt tay
trồng cà chua beef và cà chua picota ở Đà Lạt thì hầu như không phải lo lắng ở khâu
đầu ra; chủ yếu chỉ tập trung ở khâu kỹ thuật canh tác sao cho đạt tỷ lệ cao
nhất về năng suất và chất lượng sản phẩm thu hoạch …” Từ thực tiễn đó, Huy đã
huy động đủ nguồn vốn mới tiến hành đầu tư đồng bộ các vật tư thiết bị sản
xuất, đặc biệt là hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân theo công nghệ Israel.
Kết thúc lứa “rau ăn quả” sau 8 tháng chăm sóc “đầu
tay”, Huy đạt lợi nhuận thu hoạch giống cà chua picota chỉ vừa đủ bù đắp thua lỗ
cho giống cà chua beef vì năng suất kém, tỷ lệ quả thu hoạch đạt rất thấp khi đối
chiếu với các tiêu chí về kích thước, màu sắc, khối lượng, hương vị….Những
nguyên nhân dẫn đến hệ quả này đã được Huy nhanh chóng xác định, đó là: liều
lượng hòa tan phân bón với nước tưới thiếu cân đối; nhiệt độ, ánh sáng, tỷ lệ
phối trộn các chất liệu giá thể chưa phù hợp với điều kiện canh tác; tiến hành
không kịp thời các biện pháp sinh học như: tỉa bỏ, tiêu hủy những cành lá héo
rũ, phát sinh các mầm bệnh nguy hại…
Nhận diện các “lỗi hệ thống” canh tác vừa nêu, Huy đặt
hết “trách nhiệm” vào hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel vì chỉ mới
dừng lại ở chức năng vận hành bán tự động, hàng ngày vẫn phải cài đặt thiết bị hẹn
giờ tưới nước, tưới phân, bơm thuốc.. theo “cảm quan” riêng của từng chủ vườn.
Làm thế nào ghi nhận từng phút, từng giây các thông số đo đạc trên vườn, làm
căn cứ áp dụng các kỹ thuật canh tác tương ứng ? Trả lời cho câu hỏi tự nêu ra thời
điểm này, Huy lập trình thử nghiệm nhiều phần mềm riêng biệt, sau đó bổ sung,
hoàn chỉnh các “dây chuyền” kết nối với chiếc smartphone “đọc - hiểu” những diễn
biến sinh thái trên vườn, cũng như khuyến cáo chủ nhân chọn các “lệnh” xử lý
chuẩn xác nhất.
Chiếc martphone kiểm soát nhiều khu vườn
rau
Một ngày đầu tháng 7/2016, ngồi ở quán cà phê khuất xa
khu vườn cà chua nhà kính đang thời kỳ nuôi quả, Huy mở chiếc smartphone cho
tôi xem các biểu đồ hiển thị nhiệt độ, lượng tưới nước- hòa tan phân, độ ẩm của
đất, độ phân giải của giá thể; những kỹ thuật chăm sóc đã “thực thi”..trong
từng phút, giờ, ngày, tháng và năm. Và để kiểm chứng, Huy dẫn tôi vào trong khu
nhà kính rồi lướt ngón tay trên chiếc smartphone, lập tức các lệnh điều khiển
được vận hành một cách “trực quan sinh động” như: bơm nước từ giếng khoan ngầm trong
lòng đất lên chứa trong hệ thống bể lắng lọc, hoặc tắt -mở, tăng – giảm vận tốc
nhỏ giọt của nước tưới ngấm xuống rễ cây…
Như vậy, bất kể ở tọa độ không gian nơi nào, miễn là
có phủ sóng wifi, Huy có thể ngồi một mình với chiếc martphone chăm sóc đầy đủ
quy trình tưới nước, bón phân, điều hòa nhiệt độ cho từng khu vườn rau ở những
vị trí địa lý khác nhau; hay điều hành trực tuyến cho công nhân gieo trồng, thu
hoạch…Trong năm vừa qua, công nghệ chăm sóc rau bằng smartphone của Huy đã đạt
năng suất mỗi vụ khá cao: 6 – 8kg/cây cà chua beef và ớt ngọt; 8- 10kg/cây cà
chua picota. Mật độ trồng của 3 loại “rau ăn quả” này là 2,5 cây/mét vuông. Toàn
bộ sản phẩm “rau ăn quả” của Huy đều tiêu thụ “thông suốt” theo hợp đồng trên
diện tích 01ha nhà kính hiện đang canh tác bởi smartphone.
Dự kiến sắp tới, Huy sẽ sản xuất rau an toàn theo quy
mô hợp tác xã tại Đà Lạt, tập hợp khoảng 10 thành viên “8X và 9X” để cùng ứng
dụng và tiếp tục cải tiến công nghệ chăm sóc rau bằng smartphone; đồng thời
triển khai kế hoạch chuyển giao rộng rãi cho nông dân địa phương./. THÁNG 7/2016