Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Năm đầu sản xuất đinh lăng ở Đông Thanh

VĂN VIỆT
Năm đầu tiên sản xuất thử nghiệm cây đinh lăng (còn gọi là cây nhân sâm của người nghèo), nông dân xã Đông Thanh, Lâm Hà đã mở ra một hướng mới về phát triển đa canh cây trồng, nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ gia đình.

Theo các tài liệu y học, cây đinh lăng (polyscias fruticosa) là một loại cây dược liệu quý, thuộc họ ngũ gia bì, có thể sử dụng được toàn bộ từ rễ, củ, cành và lá để làm thuốc bồi bổ sức khoẻ, giải độc thức ăn, thông huyết mạch, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ…Sản phẩm lá đinh lăng còn dùng làm rau sống trong bữa ăn hàng ngày của gia đình hoặc chế biến gia vị cho các món ăn phổ biến khác như gỏi cá… Trong dân gian quen gọi cây đinh lăng là cây nhân sâm của người nghèo. 
Vừa sản xuất vừa chế biến thử nghiệm
Tôi tìm gặp anh Nguyễn Hữu Phong ( sinh năm 1964), chủ hộ gia đình vừa chế biến vừa sản xuất thử nghiệm cây đinh lăng ở khu vực trung tâm xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà. Vào trong căn nhà nằm ở vị trí trung tâm của trang trại vườn – ao - chuồng, anh Phong lấy thẩu rượu đinh lăng “chắt” ra một ly nhỏ mời tôi thưởng thức. Mùi thơm nồng giữ lại khá lâu nơi đầu lưỡi, cho tôi cảm nhận một chất men nóng ấm, khác biệt của vị thuốc rễ cây hấp thu từ nguồn dinh dưỡng phì nhiêu trong lòng đất đỏ Tây Nguyên. “ Rượu ngâm rễ tươi của cây đinh lăng đó. Ngâm hơn 6 tháng đưa ra uống sẽ có nhiều tác dụng như: tăng cường sức dẻo dai khi tập thể dục thể thao, tạo cảm giác ngon miệng hơn trong mỗi bữa ăn … ”-anh Phong giới thiệu.
Sản phẩm rượu đinh lăng của anh Phong hiện chỉ mới dùng biếu tặng cho những người thân thuộc, quen biết để mong nhận thêm những góp ý hoàn thiện cách thức chế biến. Nhưng với sản phẩm gối đinh lăng, anh Phong đã bắt đầu “bán trao tay” tại nhà hoặc thông qua các đường vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện trong nước. Vào gian phòng bên cạnh lấy ra một sản phẩm gối bên trong chứa đầy lá khô đinh lăng, anh Phong cho biết mỗi chiếc chỉ cân nặng 300g, nhưng có thể cải thiện tình trạng mất ngủ cho người sử dụng hàng đêm. Việc chế biến ruột gối đinh lăng của anh Phong khá đơn giản: hái lá đinh lăng phơi khô khoảng 4 nắng; bỏ từng mẻ lá khô trong chiếc chảo gang đặt trên lò lửa than rồi sao (rang) đến độ vàng đều; trải lớp mỏng lá sao vàng trên nền nhà xi măng để hạ nguội nhiệt độ, sau đó dồn chứa vào bên trong từng chiếc gối bọc vải.
Để sản xuất một chiếc gối 300g lá đinh lăng sao vàng, anh Phong phải thu mua khoảng 2kg lá đinh lăng tươi nguyên liệu. Thời điểm hạ tuần tháng 7/2016, giá bán trao tay một chiếc gối đinh lăng của anh Phong là 70.000đồng, so sánh gần bằng 60% giá thị trường cùng loại sản phẩm từ các đơn vị sản xuất trong nước. Từ đầu năm 2016 đến nay, trung bình doanh số bán ra hàng tháng hơn 50 chiếc gối đinh lăng sao vàng, tương đương với sản lượng hơn 100kg lá đinh lăng tươi mà anh Phong phải “thu mua lưu động” trong từng vườn cây cảnh của người dân trong tỉnh Lâm Đồng. Trong khi cây đinh lăng đưa về trồng đại trà trên diện tích khoảng 01ha ở xã Đông Thanh, Lâm Hà đến nay mới hơn một năm tuổi – chỉ bằng 1/3 tuổi cây vào thời kỳ kinh doanh, nên chưa thể thu hoạch làm nguyên liệu chế biến.
Thực tế vào tháng 7/2015, qua tư vấn từ người thân làm việc trong ngành dược liệu Việt Nam, anh Phong chính thức liên hệ với các công ty dược ở phía Nam mua 10.000 hom cây giống đinh lăng về phân phối gia đình mình và 3 hộ gia đình khác trồng thử nghiệm trên nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã Đông Thanh, Lâm Hà. Đây là nguồn hom giống cây đinh lăng nếp, mỗi hom dài 20cm, đang sinh trưởng từ 2- 3 cặp lá, dưới gốc hom bắt đầu mọc ra bộ rễ tơ. Theo kỹ thuật hướng dẫn của bên cung ứng cây giống, nông dân xã Đông Thanh cùng nhau xuống giống trồng với mật độ trung bình trên 1.000m² trồng từ 2.000 cây (trồng xen) đến 4.000cây (trồng thuần). Khoảng cách cây cách cây 50cm, hàng cách hàng 01m. Trong đó, anh Phong phân bổ 4.000hom cây trồng xen với diện tích 2.000m² cây tiêu, cà phê, dâu tằm của hộ gia đình mình. 6.000 hom cây còn lại chia đều cho 3 hộ gia đình khác trồng thuần trên tổng diện tích 1.500m².
Thấy cây phát triển cành, lá đạt các tiêu chuẩn sinh trưởng, tháng 8/2015, anh Phong tiếp tục mua về khoảng hơn 30.000 hom giống đinh lăng nếp, chuyển giao cho các hộ nông dân xã Đông Thanh, Lâm Hà trồng phủ kín trên tổng diện tích 1ha vừa nêu. Tham quan một trong những vườn cây đinh lăng nếp một năm tuổi ở đây, cây đã đạt chiều cao từ 0,5- 0,8m, tán lá phủ rộng mỗi bên chừng 2 gang tay. Cây ở giai đoạn sinh trưởng này chỉ thu được lá làm thức ăn rau sống hàng ngày trong gia đình. Anh Phong nhận định :“Theo đánh giá ban đầu thì cây đinh lăng rất phù hợp với vùng đất Đông Thanh, Lâm Hà, kết quả sinh trưởng khá xanh tốt, chăm sóc tốn rất ít công lao động. Hiện chưa phát hiện một biểu hiện gây bệnh trên cây đinh lăng, dù chưa sử dụng bất kỳ một loại thuốc phòng trừ dịch hại nào… ”
Vùng nguyên liệu đinh lăng trong tương lai gần
Dự kiến đến cuối năm 2018, diện tích 1ha đinh lăng nguyên liệu trồng lần đầu tiên ở xã Đông Thanh, Lâm Hà chính thức vào vụ “gặt hái”. Nếu theo giá thị trường Lâm Đồng tháng 7/2016, anh Phong đưa ra đáp số khá thuyết phục:  Trung bình 1 cây đinh lăng thu hoạch 1 kg lá ( 20.000 đồng), 3kg thân, cành ( 90.000 đồng) và 2 kg rễ ( 200.000đồng), cộng lại thành tổng thu 310.000 đồng. Nhân với 4.000 cây trồng thuần/1.000m², đạt doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng. Trừ hết mọi chi phí thì trên 1.000m² đinh lăng canh tác sau 3 năm thu về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.
Nông gia Nguyễn Hữu Phong đã phác thảo xây dựng một xưởng chế biến các sản phẩm đinh lăng vào cuối năm 2018 như: gối chống mất ngủ, rượu thuốc, trà túi lọc… với công suất đáp ứng nhu cầu bao tiêu nguyên liệu đinh lăng tươi trên quy mô diện tích mở rộng lên đến 10ha. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh, ông Trần Văn Thọ định hướng: “ Việc phát triển cây dược liệu đinh lăng là một giải pháp sản xuất đa canh cây trồng khả quan ở xã Đông Thanh. Tổ chức hội nông dân địa phương chúng tôi đang vận động nông dân từng bước chuyển đổi phù hợp với từng điều kiện sản xuất, nhằm tăng hơn nữa giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất và cùng vươn lên làm giàu… ”/.  

THÁNG 7/2016