VĂN VIỆT
Dự án Cạnh tranh ngành chăn
nuôi và an toàn thực phẩm Lâm Đồng
(Lifsap Lâm Đồng) đã phối hợp với chính quyền các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm để
tham vấn, lựa chọn 800hộ chăn nuôi GAHP tại 10 xã, thị trấn trực thuộc. Kết qủa không chỉ thay đổi nhận thức và hành vi chăn nuôi theo hướng an
toàn, mà còn nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho nông hộ
trên địa bàn.
Tập huấn và giám sát
Bắt đầu từ năm 2010, Lifsap Lâm Đồng tiến hành chọn hộ
chăn nuôi heo theo hướng GAHP để nhân rộng trên các địa bàn trọng điểm. Theo
đó, một trong các tiêu chí chủ yếu để lựa chọn là nông hộ phải chăn nuôi heo,
thường xuyên và liên tục, đạt quy mô trung bình khoảng 30 con/hộ. Đi vào thực
hiện quy trình chăn nuôi GAHP, những hộ chăn nuôi được chọn tập huấn chung với các
đối tượng khác gồm: người vận hành lò mổ,
kinh doanh thực phẩm, cán bộ khuyến nông, thú y cấp cơ sở…Nội dung tập huấn tập
trung vào quy trình thực hành chăn nuôi tốt, công tác thú y, ghi chép thông tin
chăn nuôi, vận hành chợ thực phẩm tươi sống và lò mổ, quản lý môi trường…. Thống
kê đến nay, Lifsap Lâm Đồng đã tổ chức khoảng 365 lớp tập huấn với gần 10.700
lượt người tham dự gồm những thành phần vừa nêu.
Riêng với hộ chăn nuôi GAHP trong hơn 5 năm qua,
Lifsap Lâm Đồng đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ khá thiết thực và hiệu
quả. Cụ thể, 100% số hộ được hỗ trợ các dụng cụ chăn nuôi và thiết bị an toàn
sinh học như: máng ăn, máng uống, máy bơm, bình xịt thuốc khử trùng, xe rùa, sổ
ghi chép…Về nâng cấp sửa chữa chuồng trại, đã có 765 hộ được hỗ trợ từ 2 triệu
đồng đến 5,6 triệu đồng/hộ, trong đó
chiếm 24% số hộ mở rộng diện tích chuồng trại. Ngoài ra còn có 990 hộ chăn nuôi
( 777 hộ chăn nuôi tham gia nhóm GAHP và 213 hộ chăn nuôi trong vùng GAHP nhưng
không tham gia nhóm GAHP), mỗi hộ được hỗ trợ hơn 4,4 triệu đồng để xây lắp 305
hầm biogas và 685 hố ủ phân.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động giám sát tại các đại lý, Lifsap Lâm Đồng thường xuyên khuyến cáo đến người chăn nuôi GAHP về chất lượng sản phẩm thức
ăn chăn nuôi đang lưu thông trên thị trường. Theo đánh giá chung, Lâm Đồng là một tỉnh không có các
nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, hàng năm phải nhập về từ nơi khác với khối lượng tương đối lớn, nên việc lấy mẫu và kiểm nghiệm các
chỉ tiêu liên quan đến chất lượng, an toàn vệ sinh và các loại chất cấm sử dụng
trong chăn nuôi là rất cần thiết. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, qua
6 đợt lấy mẫu kiểm tra cho thấy: hầu hết đều có chỉ số về xơ thô và ẩm
độ đúng với chỉ tiêu công bố trên nhãn mác, bao bì; không phát hiện có các loại kháng sinh (tetracylin, tylosin, chloramphenicol, furazolidone) và hormone cấm sử dụng (clenbuterol, salbutamol, ractopamine)…
Lợi nhuận tăng, khó khăn vẫn
còn
Đến nay, Lifsap Lâm Đồng đã hỗ trợ gần 45 tỷ đồng để nâng cấp
và xây dựng mới 26 chợ thực phẩm tươi sống tại các huyện trong và ngoài vùng GAHP,
mỗi ngày bán trên 30 tấn thịt heo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến người
tiêu dùng. Thị trường đầu ra ở đây đã góp phần giúp người chăn nuôi trên 4 vùng GAHP của tỉnh
Lâm Đồng tích cực mở rộng quy mô, kết quả đã vượt 15%
chỉ tiêu ban đầu đề ra. Dẫn đầu tên 4 vùng GAHP là huyện Đức Trọng đạt trung
bình 67 con/hộ; tiếp theo Lâm Hà với 35 con/hộ; Di Linh đạt 31 con/hộ; cuối
cùng là huyện Bảo Lâm với 27 con/hộ. Số
lứa sinh sản của heo nái mỗi năm đạt 1,9 lứa ( một lứa sinh 12 con heo con). Đàn
heo nuôi thịt với trọng lượng xuất chuồng trung bình 98kg/con. Thời gian nuôi
từ khi sinh ra đến khi xuất bán trung bình là 155 ngày. Hiệu quả kinh tế trong
chăn nuôi nông hộ đã tăng tỷ suất lợi nhuận đến hơn 20% trong vòng 2 năm gần
đây.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh những kết quả đáng
ghi nhận nêu trên, các vùng chăn nuôi GAHP trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn
cần giải quyết từ nay đến năm 2018. Đó là chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa
người chăn nuôi với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; số
lượng hộ kinh doanh vào chợ thực phẩm tươi sống mới đạt tỷ lệ 70% cam kết; việc
liên kết giữa cơ sở giết mổ với hộ chăn nuôi vùng GAHP còn hạn chế (mới khoảng
20%); vẫn chưa nhiều các cơ sở chăn nuôi tập trung được nâng cấp, xây dựng mới…
Bởi vậy, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Lâm Đồng là khẩn trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng chăn nuôi,
cơ sở giết mổ phù hợp với nội dung tái cơ cấu ngành đến năm 2020. Và với Ban
Quản lý Dự án Lifsap Lâm Đồng cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương
trong 4 vùng dự án GAHP để vận động 30% số hộ còn lại vào chợ kinh doanh thực
phẩm tươi sống; đồng thời hướng dẫn các nhóm chăn nuôi GAHP tổ chức lại sản
xuất theo mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã; thực hiện tốt công tác giám sát,
vận hành cơ sở giết mổ, chợ thực phẩm tươi sống hoạt động đảm bảo an toàn thực
phẩm cho người tiêu dùng./.
THANG 6/2016