VĂN VIỆT
Bằng các biện pháp canh tác phù hợp, trang
trại 2,8ha bơ sáp của ông Nguyễn Văn Toàn ở thôn R’Chai 2 ( xã Phú Hội, Đức
Trọng) vào mùa thu hoạch năm 2016 tiếp tục đạt yêu cầu về sản lượng và chất
lượng, thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến mua tận nơi với giá cạnh
tranh.
Mỗi
cây thu hoạch đến 100kg trái
Tôi tìm đến trang trại của ông Nguyễn Văn Toàn vào một
ngày cuối tháng 5/2016 đang thu hoạch rộ vụ mùa bơ sáp. Gần trưa đứng bóng, ông
Toàn mới bố trí được thời gian dẫn tôi tiếp cận với những hàng cây bơ tiêu biểu
trong trang trại 2,8ha, tọa lạc giữa khu vực trồng hoa màu rộng lớn của thôn R’Chai
2, xã Phú Hội, Đức Trọng. Dừng chân bên cây bơ tỏa tán rộng hơn năm mét, cây
cao chừng bốn mét, ken dày từng chùm trái nặng trịch đến chạm đất, ông Toàn
khái quát: “ Trang trại chúng tôi đang thâm canh có khoảng 800 cây bơ, trong đó
có 100 cây bơ sáp ghép, nguồn giống cao sản nhập về từ các nước Úc, Mỹ…mới đưa
về trồng gần một năm vừa qua; còn lại 700 cây đang vào thời kỳ kinh doanh năm
thứ 3, thứ 4. Sản lượng trung bình mỗi năm đều tương đương với nhau - khoảng
65- 70 tấn…. ”
Nếu chia đều sản lượng thì trên mỗi cây bơ của trang
trại ông Toàn hiện đang thu hoạch đạt đến 100kg trái/năm. Tuy nhiên, theo ông
Toàn, với năng suất này vẫn chưa ở mức tối đa do cây bơ vẫn còn một phần diện
tích sinh trưởng xen canh với cây cà phê vối. Nguyên diện tích 2,8ha trang trại
bơ của ông Toàn trước đây trồng mía, đậu, đỗ và các loại hoa màu ngắn ngày khác,
hàng năm thu nhập không đáng kể. Đến năm 2009, ông Toàn cải tạo đất để chuyển
đổi toàn bộ diện tích sang trồng mới các loại cà phê chè và cà phê vối. Khi cây
cà phê phát triển cành, lá cao hơn mặt đất nửa mét trở lên, ông Toàn đi tìm chọn
một trong những loại cây che bóng về trồng để bảo vệ cho cây cà phê che nắng
gắt, tránh mưa to, ngăn chặn dịch hại..là giống cây bơ ghép đang kết hoa, đậu
trái trên nhiều vùng đất ở huyện Đức Trọng. Khi một vài hàng cây bơ ghép mới
bám rễ vào đất vài tháng tuổi, nhưng cành, lá khá tốt tươi, che bóng mát rượi,
ông Toàn quyết định triển khai ý tưởng thành lập trang trại bơ trồng thuần,
nhằm tạo hướng đột phá về thu nhập.
“Tôi mua cùng lúc 300 cây giống bơ ghép từ các nhà
vườn ở địa bàn huyện Đức Trọng, chiều cao trung bình mỗi cây khoảng 0,5m, trồng
cây cách cây khoảng 6m x 6m xen canh theo từng hàng cà phê theo sự hướng dẫn
của người bán…”- ông Toàn kể tiếp. Và sau thời gian chăm sóc một năm, ông Toàn
tự ươm ghép thêm 400 cây bơ và trồng phủ xanh toàn bộ diện tích 2,8ha trang
trại, nâng tổng số thành trang trại 700 cây bơ hiện giờ. Kết quả, khi những
hàng cây bơ bước vào giai đoạn 4 năm tuổi thì những hàng cà phê chè, cà phê vối
xen canh đã “tận thu” từ 1- 2 vụ trái tươi hoặc hạt nhân rồi tiến hành chặt bỏ
hoàn toàn. Ước mỗi vụ cà phê thời điểm đó (trong 2 năm 2012 – 2013), ông Toàn
bán được khoảng 100triệu đồng. Lúc tôi đến trang trại chỉ còn khoảng vài ngàn mét
vuông diện tích cà phê vối trồng xen, dự kiến sẽ phá bỏ hết sau vụ thu hoạch
cuối năm 2016, giành toàn bộ môi trường sinh thái cho cây bơ ghép phát
triển.
Mùa bơ chính vụ ở Đức Trọng nói riêng, ở Đà Lạt và các
vùng phụ cận nói chung thường thu hoạch liên tục trong tháng 5 và tháng 6 hàng
năm. Nhưng đặc biệt trong năm 2016 này, trang trại bơ của ông Toàn sẽ thu hoạch
thêm vụ nhiều hàng cây bơ sáp nghịch vụ thứ 2 trong tháng 9 và tháng 10. Ông Toàn
cho biết, vào các năm 2012, 2013, phát hiện trong trang trại của mình có vài
cây bơ sáp đột biến nở hoa, đậu trái nghịch vụ, đạt năng suất tương đương với
cây bơ chính vụ, nhưng giá bán ra lại tăng cao hơn từ 2- 3 lần. Với kỹ thuật
ghép hiện có của mình, ông Toàn chủ động bình tuyển những chồi cây bơ nghịch vụ
đạt chất lượng cao nhất để ghép vào gốc cây bơ khỏe mạnh được gieo bằng các loại
giống bơ hạt to. Từ đây, một thế hệ bơ nghịch vụ ra đời rồi nhân giống đại trà hàng
trăm cây trồng mới trong trang trại đến nay. Kế hoạch từ năm 2018 trở đi, ông
Toàn sẽ tái cơ cấu diện tích cây bơ chính vụ và nghịch vụ ngang bằng nhau trong
trang trại của mình, đạt sản lượng chia đều mỗi dòng cây khoảng 35 tấn
trái/năm.
Lợi thế của
mặt hàng bơ đặc sản
Vào thời điểm cuối tháng 5/2016, hạch toán với giá
25.000 đồng/kg trái bơ bán sỉ của riêng khoảng 10 giống cây chính vụ ở trang
trại ông Toàn, nhân với năng suất 100kg/cây/năm, thành doanh thu 2,5 triệu
đồng/cây/năm. Trừ hết mọi chi phí, mỗi cây bơ đạt lãi khoảng 2 triệu đồng/năm. Ước
lợi nhuận trang trại 2,8ha của ông Toàn khỏang 1,4 tỷ đồng/năm.
“ Từ 3- 4 năm
vừa qua, năm nào trang trại của tôi thu hoạch bơ đều tiêu thụ khá nhanh. Thị trường
trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng rất hút hàng bơ sáp của vùng khí hậu Đức Trọng và
các vùng phụ cận của Đà Lạt. Hướng phát triển trong vài năm mới, tôi sẽ tìm đất
mở rộng thêm diện tích trồng bơ hai vụ, đồng thời tập hợp thêm những hộ gia
đình trồng bơ để thành lập hợp tác xã chuyên canh các loại bơ đặc sản của Lâm
Đồng… ”- chủ trang trại, Nguyễn Văn Toàn chia sẻ./.
THANG 6/2016