Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Phát huy lợi thế so sánh trên từng vùng nông nghiệp

VĂN VIỆT
Lâm Đồng bắt đầu triển khai chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, trong đó tập trung phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi mang lợi thế so sánh trên từng vùng sinh thái khác nhau. Đồng thời định hướng người nông dân tổ chức sản xuất đúng thời vụ, đúng quy trình kỹ thuật, gắn với thị trường cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.   

Hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, giai đoạn 5 năm vừa qua, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, các vùng nông nghiệp trên địa bàn đã hình thành quy mô sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với từng điều kiện sinh thái. Cụ thể, với 2 cây công nghiệp dài ngày được nông dân tích cực chuyển đổi như: tái canh cà phê trên tổng diện tích hơn 24.500ha ( vượt 6,6% kế hoạch), tăng năng suất bình quân từ 2,8 tấn/ha/năm lên 4- 6 tấn/ha/năm, cá biệt có diện tích thu hoạch từ 6- 7 tấn/ha/năm; hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức đầu tư vốn, giống, kỹ thuật…để thay thế 2.000ha giống chè hạt sang trồng giống chè cành mới đạt năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn. Chương trình nông nghiệp công nghệ cao thực hiện các bước phát triển đột phá cả về trình độ và quan hệ sản xuất, hiện đang chiếm 16,5% trên tổng diện tích trồng trọt, tăng 1,5% so với chỉ tiêu 5 năm qua. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30% giá trị sản xuất toàn ngành, giúp tăng lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 30% so với doanh thu. Trong đó, gồm hơn 40.000ha cà phê được cấp chứng nhận UTZ, 4C…; khoảng 1.800ha rau được cấp chứng nhận an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…Ngoài ra còn có 760 con bò sữa, 13.000 con heo, gà được chứng nhận chăn nuôi theo quy trình GAHP…Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng đã cùng với thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ký kết hình thành chuỗi sản xuất rau an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng.
 Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh Lâm Đồng trong 5 năm qua đã tăng 12%. Phân bổ đến nay gồm hơn 122.420ha cây hàng năm (gần 32.000ha lúa, 13.900ha bắp, 57.480ha rau, 7.700ha hoa…) và 222.120ha cây lâu năm (152.000ha cà phê, 23.000ha chè, 15.680ha điều, 13.155ha cây ăn quả…) Mỗi năm năng suất cây lúa, cà phê, chè tăng từ 3- 4,5%, cây ăn quả tăng 10%. Đáng giá chung của ngành nông nghiệp Lâm Đồng cho biết: “Nhìn chung sau 5 năm, lĩnh vực trồng trọt ở Lâm Đồng cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường thường xuyên được phổ biến nhân rộng, đồng thời thực hiện tốt công tác dự báo, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh, kết hợp với tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch, kết quả đã khá nhiều giảm chi phí và tổn thất sau từng vụ mùa thu hoạch…”
Đáng kể thêm, cơ cấu đàn vật nuôi Lâm Đồng đang chuyển dịch rõ nét theo hướng chăn nuôi tập trung, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo an toàn dịch bệnh để nâng cao chất lượng sản phẩm, lợi nhuận thu về nhiều hơn. Nếu như năm 2010, tổng đàn bò sữa ở Lâm Đồng chỉ mới 3.400 con thì nay tăng lên đến 17.200con; tương tự các tỷ lệ tăng thêm gồm: đàn heo hơn 75.000con, đàn gia cầm gần 2,3 triệu con; tổng lượng thịt (ký hơi) các loại hơn 40%...Và sau 5 năm, diện tích nuôi trồng thủy sản ở Lâm Đồng đạt gần 3.200ha ( tăng hơn 33%). Đặc biệt, Lâm Đồng đã thực hiện thành công vei65c thu hút đầu tư nuôi cá nước lạnh thương phẩm với 50ha (trong đó có 160 lồng bè), tổng sản lượng khoảng 780 tấn.  
Phát huy thế mạnh của từng vùng nông nghiệp
Những kết quả chuyển đổi nêu trên đang tạo ra điểm xuất phát mới để Lâm Đồng tiếp tục phát huy lợi thế so sánh của từng loại cây trồng, vật nuôi trong chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, đi về vùng nông nghiệp xa nhất của tỉnh Lâm Đồng là huyện Cát Tiên tiếp tục xác định các lợi thế về phát triển thương hiệu “lúa- gạo Cát Tiên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận độc quyền từ 5 năm trước; về 5.000ha điều đang thực hành cảo tại “trẻ hóa”; 150ha cây diệp hạ châu quy hoạch mới; hơn 12.000con bò thịt lai sind…Trở ra huyện Đạ Tẻh được biết vừa thông qua quy hoạch phát triển 700ha nếp quýt ở xã An Nhơn. Đây là giống nếp có nguồn gốc từ miền núi phía Bắc được chọn tạo, di thực từ những năm 90 của thế kỷ trước, nay đã trở thành loại nông sản đặc sản thơm ngon, giá trị cao ở huyện Đạ Tẻh, đạt năng suất trung bình khoảng 7 tấn/ha. Rồi dự kiến đến năm 2020, huyện Đạ Tẻh chuyển đổi thêm 590ha diện tích các khu vực đất ven sông suối sang trồng dâu nuôi tằm, nâng tổng diện tích cây dâu trên toàn huyện lên khoảng 700ha. “ Trồng dâu nuôi tằm ở huyện Đạ Tẻh hiện đạt giá trị thu nhập trên mỗi hecta khoảng 200triệu đồng/năm… ” – ông Nguyễn Mạnh Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết.
Và ở huyện Đạ Huoai với các cây trồng đang xác định lợi thế để tái cơ cấu bằng các biện pháp chuyển đổi giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, gắn với chuỗi sản phẩm liên kết theo nhu cầu thị trường như: sầu riêng, măng cụt, mít, chôm, chôm…, đặc biệt đang nhân rộng các mô hình cảo tạo hàng ngàn hecta cây điều với phương pháp ghép cành, ghép gốc để cải tạo. Đi lên các vùng cao nguyên đất đỏ của tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường thâm canh chiều sâu để nâng cao giá trị gia tăng các cây trồng chủ lực, mang nhiều lợi thế so sánh như chè, cà phê ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh; bò sữa, bò thịt cao sản ở Đức Trọng, Đơn Dương; cà phê vối ở Lâm Hà; rau, hoa công nghệ cao, cà phê arabica ở Đà Lạt và Lạc Dương…
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, việc ưu tiên tái cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh của ngành nông nghiệp phải gắn với phát triển thương hiệu, nâng tỷ trọng chế biến và thực hiện đầy đủ các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm để chủ động hội nhập quốc tế. Đồng thời phải đột phá thông qua giải pháp khoa học công nghệ về các lĩnh vực sinh học, nano, tự động hóa, thông tin và vật liệu mới…để giảm chi phí sản xuất, tạo ra giá thành hợp lý trên thị trường…/.THANG 6/2016