Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Một vùng hoang dã cà phê

Phóng sự VĂN VIỆT
Tháng sáu trời mưa, một vùng hoang dã cà phê ba mươi hecta ở thôn Quyết Thắng, xã Phú Sơn, Lâm Hà càng thêm xanh thẫm. Nơi đây cách Núi Đôi chừng hai ngàn năm trăm mét, một người đàn ông cao dong dỏng đã giải phóng cây cà phê không còn lệ thuộc vào thuốc hóa học, phân bón vô cơ, thay vào đó một đời sống mới thích nghi với môi trường tự nhiên, nhiều tầng thực vật cùng nhau thụ hưởng, phân phối những nguồn năng lượng nắng, gió, mưa nguồn vô tận của đất trời cao nguyên Lâm Đồng.

Rừng xanh, đường mới thênh thang
Gần năm mùa cà phê, tôi mới có cuộc hẹn dừng lại Núi Đôi để dẫn lối vào vùng nguyên liệu hàng trăm hecta thuộc thôn Quyết Thắng, xã Phú Sơn, Lâm Hà. Cung đường đất dài hai ngàn năm trăm mét gập ghềnh ngày ấy… bây giờ tháng sáu đang chuẩn bị thảm nhựa, mở rộng thành hai làn đường xe ô tô thoải mái vào ra. Nếu đoạn đầu cung đường Núi Đôi nối Quốc lộ 27 đi dọc Tây Nguyên thì đoạn cuối cung đường chạm cửa với không gian hoang dã của cà phê ba mươi hecta, được chắn gió, che bóng bởi những khu rừng trồng quanh năm thay lá mới, gồm 3 loại giống cây lâm nghiệp chủ lực là thông 3 lá, keo lá tràm và muồng đen hoa vàng. Trồng cây rừng ở địa hình trên cao kết hợp với trồng cây cà phê arabica và robusta ở sườn đồi thâm thấp bên dưới, nên tính tuổi cây rừng với cây cà phê cùng “thế hệ” định canh cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Nhờ vậy, rừng xanh nơi này đang được “thu kép” hàng năm từ khai thác gỗ nguyên liệu ( chủ yếu gỗ keo lá tràm và muồng đen) và sản phẩm hạt nhân cà phê, cơ bản đáp ứng nhu cầu…tái tạo lại rừng xanh.
 Đi trên cung đường mới rộng thênh thang đang thông xe kỹ thuật, hỏi thăm ngẫu nhiên một người dân thôn Quyết Thắng đều ghi nhận sự hỗ trợ kinh phí khá nhiều của bà chủ rừng Vũ Kiều Nga. “ Tổng dự toán kinh phí xây dựng cung đường nhựa hai ngàn năm trăm mét xuyên suốt qua thôn Quyết Thắng do bà Nga hỗ trợ toàn bộ. Nghe thông báo qua các cuộc họp thôn thì ước giá trị công trình khoảng 5 tỷ đồng. Người dân chỉ đóng góp thêm về các phần diện tích đất cà phê để có đủ chiều ngang mặt đường trải nhựa trung bình 5 mét. Theo thiết kế đường cắm mốc đến đâu thì bà con tự nguyện giải phóng cây cà phê đến đó, người góp ít nhất là năm, mười mét vuông; người góp cao nhất đến cả trăm mét vuông. Rất vui là không gia đình nào hiến đất mà lại tính toán, so bì thiệt hơn…”- một thành viên của Ban Cán sự thôn Quyết Thắng cho biết. 
Lúc này sắp sửa vào hạ tuần tháng 6/2016, công đoạn xây dựng nền móng và đầm nén mặt đường đang hoàn tất, những chiếc xe hủ lô với từng vòng bánh sắt khổng lồ cuộn tròn chầm chậm trước cửa ngõ vào vùng hoang dã cà phê. Dự kiến trong tháng 8/2016, cung đường cắt băng khánh thành đưa vào sử dụng, đồng nghĩa với việc chia tay những tháng ngày giao thương trắc trở, chia tay bao khó khăn tăng lên gấp bội phần khi mùa mưa đến phải vận chuyển nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho sản xuất cây công nghiệp và cây lâm nghiệp. Đồng thời, dựa trên cơ sở chức năng tự quản, giám sát cộng đồng, Ban Cán sự và hơn 60 hộ dân thôn Quyết Thắng từ đây có thêm các chương trình hành động hàng tháng, hàng quý, hàng năm để quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên thông tuyến giao thông trên cung đường huyết mạch của mình …
Cỏ xanh tầng dưới, hoa vàng tầng trên
Trên cung đường mới, tôi ngồi phía chiếc xe máy của người đàn ông dong dỏng cao, lên ga tăng tốc vượt qua cánh cổng vào sâu trong vùng hoang dã cà phê, rồi chọn nơi nghỉ chân dưới tán rừng cây muồng vào mùa rực nở hoa vàng. Ngước lên nhìn tầng xanh kế tiếp bên dưới tầng hoa vàng là cây cà phê. Và tầng xanh cuối cùng bên bước chân tôi gồm những loài cây cỏ thân mềm. Theo người đàn ông này: “Sinh thái của cây muồng hiện đang phát tán lên cao đến bảy, tám mét để điều hòa cường độ ánh sáng, phân phối lượng nước mưa trong ngày cho cây cà phê robusta và arabica giữ chiều cao vừa phải, nhằm ưu tiên dinh dưỡng cho cành nhánh phủ rộng đường kính nhiều mét, năng suất thu hoạch trái chín đạt cao hơn. Còn thảm cỏ xanh dưới gốc cà phê khi cành lá sum suê vượt lên khoảng nửa mét mới phát dọn bằng dao, cuốc thô sơ. Tất cả các tầng thực vật sinh trưởng ở đây đã không sử dụng thuốc hóa học nhiều năm qua rồi. Cứ để cỏ lên xanh trong mùa mưa với mục đích tạo thêm môi trường đối kháng, thu hút, đánh lạc hướng sâu bệnh gây hại cà phê….”
Đoạn người đàn ông cao dong dỏng dùng tay nhổ lên một bụi cỏ thân mềm, rũ sạch đất rồi tiếp nối mạch chuyện: “ Nhóm cây cỏ thân mềm có bộ rễ bám nằm ngang bề mặt đất. Trong khi bộ rễ của cây cà phê thì ăn sâu cách mặt đất từ 10cm trở xuống. Chúng tôi sử dụng phân nước sinh học hữu cơ hòa tan liều lượng cân đối với nước, đưa vào máy cơ giới nhỏ khoét một đường ống bơm trực tiếp vào bộ rễ của cây cà phê. Khoảng mấy tiếng đồng hồ sau khi bơm vào đất, phân nước đã hấp thụ toàn bộ vào rễ cây cà phê, dẫn lưu lên nuôi gốc, thân, cành, lá, hoa, trái. Vì bộ rễ bám cạn ở lớp đất mặt, nhóm thân cây cỏ thân mềm có phát triển um tùm quấn lấy chân người can tác cũng không thể với lấy được một giọt phân nước dành riêng cho cây cà phê…”  
Hai ngày trước khi tôi đến, vùng cà phê hoang dã ba mươi hecta vừa xong đợt 1 bơm tưới phân hữu cơ, chờ 2 tháng nữa- tức tháng 8/2016, bơm tưới thêm một đợt 2 là chờ thu hoạch trái chín. So với phương pháp bón phân vô cơ thì phương pháp bón phân hữu cơ như vậy tiện lợi hơn nhiều. Bởi trong thời gian chuẩn bị bón phân vô cơ, nông dân phải dùng máy móc hoặc cuốc, xẻng đào xới đất, làm sạch cỏ, đắp bồn dưới từng gốc cây cà phê, phải tốn kém khá nhiều công lao động. Đã vậy, trong lúc cuốc đất đắp bồn để rải phân vô cơ, tưới nước, nông dân đã vô tình phá bỏ những chùm rễ tơ đang mọc ra khá tốt sau một ngày mưa, khiến cây cà phê không đủ khỏe mạnh đề kháng nhiều loại bệnh nguy hại như: tuyến trùng, rỉ sắt, sâu đục thân, khô cành, rụng trái…
Đến lúc dịch hại bùng phát, không cách cứu vãn nào khác lại phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao nhằm giành lại sự sống cho cây cà phê trong thời gian trước mắt. Nhưng hệ lụy về lâu dài, môi trường sinh thái sẽ dần bị tác động tiêu cực, phá vỡ tính ổn định, vững bền. Rồi chưa kể với cách bón phân vô cơ lộ thiên vòng quanh gốc cây cà phê, nếu không may gặp ngày mưa to, phân sẽ dễ dàng rửa trôi theo dòng nước; hoặc trời nắng liên tục một vài ngày thì hạt phân sẽ bốc hơi hết chất “thức ăn” ra ngoài không khí, dù sau đó có bơm nước tưới cũng chỉ giảm thiểu phần nào nguồn phân bón thất thoát mà thôi.    
“Chúng tôi chia đôi diện tích 30ha phân bổ 2 giống cây cà phê arabica và robusta. Bên cạnh các tầng cây che bóng, chắn gió trực tiếp gồm muồng đen hoa vàng ( trồng mật độ 450 cây/ha, cây cách cây 4m, hàng cách hàng 6m); cây keo lá tràm ( trồng chia đều 2.500 cây/ha), vùng hoang dã cà phê   30ha được bao bọc bởi những lớp đai rừng thông ba lá, có chức năng ngăn cản vận tốc của mùa gió lốc từ xa, trở thành khu rừng phên dậu cách ly với các khu vực sản xuất nông nghiệp còn sử dụng nhiều lượng phân bón hóa học để nuôi cây và thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt sâu bệnh…”- người đàn ông cao dong dỏng, nói. Theo đó, vùng cà phê này còn thường xuyên bảo vệ môi trường hoang dã bằng cách bơm phun trên lá nhiều loại thuốc sinh học để xua đuổi côn trùng gây hại và tạo không gian sinh tồn của các loài thiên địch có lợi như: ong ký sinh, bọ rùa, bướm, ruồi…  
Người Nhật ghi nhớ cà phê hương rừng
Niên vụ 2015- 2016 vừa qua, vùng hoang dã 30ha cà phê canh tác với các biện pháp sinh học hữu cơ đã đạt năng suất trung bình 4 tấn nhân/ha ( cà phê arabica) và 5 tấn/ha ( cà phê robusta) - tăng từ 1-1,5 tấn nhân/ha so với trước đây áp dụng phương pháp canh tác thông thường với phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, năng suất này vẫn còn khiêm tốn so với các giống cà phê cao sản khác đang thâm canh trong vùng Tây Nguyên. Người đàn ông dong dỏng cao ấy lại phân tích, đối chứng: Tham khảo không ít diện tích cà phê của nước Indonesia nổi tiếng chất lượng thơm ngon trên thị trường quốc tế, nhưng lại thuộc một trong các vùng cà phê hiếm hoi trên thế giới có năng suất thu hoạch rất thấp - dưới 01 tấn nhân/ha. Áp dụng trong điều kiện nông- lâm kết hợp, vùng hoang dã 30ha cà phê ở thôn Quyết Thắng, xã Phú Sơn, Lâm Hà đã “quyết thắng” chọn hướng đi “chất lượng cà phê hữu cơ, năng suất thấp”, khởi động từ 5 năm về trước. Đầu tiên, thông qua các đối tác đến từ Nhật Bản, người đàn ông bố trí 3ha cà phê arabica và robusta chăm sóc thử nghiệm. Kết quả đến mùa thứ ba thu hoạch, người đàn ông mới chọn ra một quy trình thực hành sản xuất cà phê hữu cơ cùng lúc hội đủ các tiêu chí về môi trường sinh thái, về hương vị đặc trưng, về sản lượng xuất khẩu sản phẩm hạt nhân và sản phẩm chế biến cà phê bột…rồi nhân rộng trên vùng hoang dã 30ha đến ngày nay.    
  Trong lúc hướng dẫn tôi hòa mình vào vùng hoang dã cà phê, người đàn ông liên tục nhận cuộc gọi có khách chờ ở căn nhà ở và nhà xưởng ngay khu vực cửa rừng. Ông đưa tôi về đây cùng tiếp chung với khách hôm ấy là những nông gia sản xuất cà phê kinh nghiệm hàng chục năm ở xã Phú Sơn nói chung, ở làng Quyết Thắng nói riêng. Bất ngờ, ông cầm một gói cà phê hạt nhân vừa rang xong còn nóng hổi, đưa vào giàn máy xay thành bột mịn, pha chế bằng những chiếc phin lọc mời khách. Nhìn qua nhà xưởng kề bên là giàn máy sơ chế cà phê ướt, trị giá cả tỷ đồng nữa. Thưởng thức từng ngụm cà phê hữu cơ đặc quánh nhỏ xuống một phần chiếc ly thủy tinh, giữa rừng ngan ngát xanh, không chỉ cảm nhận hương thơm đượm của cà phê nguyên chất, mà còn thẩm thấu những vị ngọt trong lành của đất đỏ và trời xanh Phú Sơn chắt lọc. Ông Hai Long, một nông gia sản xuất cà phê lâu năm và là người nhận biết khá rõ ưu thế của từng địa hình đất trong thôn Quyết Thắng, (nên được người dân gọi là “chuyên gia về đất trồng cà phê ở địa phương”), nhận định về người đàn ông cao dong dỏng vừa kể trên: “Ông Năm Hưng là người được chủ rừng Vũ Kiều Nga tin cẩn giao quyền điều hành trực tiếp việc sản xuất rừng nguyên liệu cùng cây cà phê robusta và arabica hơn hai mươi năm qua. Tinh thần năng động, mạnh dạn thử nghiệm và chuyển đổi hoàn thành 30ha cà phê từ biện pháp canh tác hóa học sang biện pháp canh tác sinh học, trở thành mô hình điểm cho nông dân địa phương chúng tôi tham khảo, học tập…”
Như muốn cụ thể hơn điều xác thực mà ông Hai Long vừa nói, ông Năm Hưng ( tên khai sinh là Nguyễn Việt Hưng, sinh năm 1957) cho tôi xem các giấy tờ chứng nhận sản phẩm cà phê hoang dã của mình đang còn hiệu lực gồm: Chứng nhận Cơ sở rang xay cà phê Hưng Phụng đủ điều kiện an toàn thực phẩm ( Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cấp ngày 17/11/2015); Chứng nhận vườn cà phê của cơ sở Hưng Phụng đã sử dụng sản phẩm phân bón sinh học AMI-AMI được sản xuất theo công nghệ lên men vi sinh hiện đại của Nhật Bản ( Công ty Ajinomoto Việt Nam cấp ngày 30/12/2015)…
Trời bắt đầu xế chiều, ông Năm Hưng đưa tôi trở ra Núi Đôi để về Đà Lạt. Biết tôi thích thú với không gian hoang dã cà phê, người đàn ông Nguyễn Việt Hưng đang vào tuổi lục tuần vẫn hào hứng với dự định mới: “ Một đoàn doanh nhân Nhật vừa đến thăm và ký hợp đồng ghi nhớ sang năm 2017, mỗi tháng sẽ thu mua cơ sở của tôi 3 tấn cà phê hữu cơ dạng bột. Số lượng thu mua sau đó, bên Nhật cam kết sẽ tăng nhanh hàng năm. Cơ sở mong muốn xây dựng thêm các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê của nông dân trong thôn Quyết Thắng, xã Phú Sơn… ”
Mục tiêu ngày càng mở rộng vùng hoang dã cà phê của ông Năm Hưng ở Phú Sơn, Lâm Hà đang tạo ra nhiều hy vọng mới cho nông dân quanh vùng. Và tôi hứa sẽ trở lại miền thông tin cà phê hoang dã nơi này khi điều đó sớm thành hiện thực.
Lâm Hà- Đà Lạt, tháng 6/2016