VĂN VIỆT
Tự nghiên cứu gieo ươm, chiết cành để nhân
giống hàng trăm loài cây quý hiếm trong khu vườn 4.000m², tọa lạc trên đường Nguyên Tử Lực, Đà Lạt, nam thanh niên Nguyễn
Văn Thanh Bình (sinh năm 1988) đang dần dần gặt hái những kết quả quan trọng.
Những loài cây “độc nhất vô nhị”
Một ngày mới đây, tôi đến khu vườn cây quý hiếm của
nam thanh niên thế hệ 8X, Nguyễn Văn Thanh Bình ở đường Nguyên Tử Lực, Đà Lạt,
được trải nghiệm trong một khoảng không gian thiên nhiên hoa, trái, lá, cành … với
nhiều điều bất ngờ thú vị. “Đây là khu vực sân nhà khoảng 300m² với hàng chục loài cây nhập nội và cây bản địa Đà
Lạt đang khuyến cáo cần được bảo tồn nguồn gene, tôi bắt đầu sưu tầm và nhân
giống thử nghiệm bằng phương pháp gieo hạt và chiết cành từ năm 2008 đến nay… ”-
chủ nhân Nguyễn Văn Thanh Bình khái quát. Theo đó, ấn tượng đầu tiên đối với
tôi là loài cây nho thân gỗ, dạng bonsai trong chậu đất, đang đeo những chùm
trái đen bóng trên thân, cành. Loài cây nho này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, qua những
người quen biết, từ năm 2011, Bình mua về vườn nhà 2 cây đều có tuổi sinh
trưởng trên dưới 30 năm. Kết quả với nhiều tháng chăm sóc giữa môi trường sinh
thái mới của Đà Lạt, cây nho thân gỗ đã chứng tỏ khả năng phát triển xanh tốt,
ra hoa, đậu trái liên tục từ đợt này đến đợt khác. Từ phương pháp gieo ươm các
hạt giống đạt chất lượng kết hợp với kỹ thuật chiết cành, Bình đang nhân giống “đại
trà” lên đến 50 cây nho thân gỗ thương
phẩm với giá 10- 20 triệu đồng/cây.
Hái xuống đưa cho tôi thưởng thức một trái nho thân gỗ
đang vừa chín mọng, Bình chia sẻ những hiểu biết của mình: “Trái nho thân gỗ không
chỉ hấp dẫn với vị chua chua, ngòn ngọt, mà còn được ghi nhận trong các tài
liệu khoa học là loại trái cây dược liệu, giúp cơ thể phòng chống các bệnh hen
suyễn, tiêu chảy, viêm phổi…và có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung
thư…”
Sắp xếp bên cạnh những hàng cây nho thân gỗ trong vườn
của chủ nhân Nguyên Văn Thanh Bình là hàng cây cherry Nam Mỹ đang sinh trưởng
với chiều cao trung bình mỗi cây hơn 2,5m, cũng được bình tuyển vào loài cây
“độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Cách đây 6 năm, Bình mua được 20 hạt giống cherry
Nam Mỹ từ “hàng xách tay du lịch” về gieo ươm trực tiếp trong khu vườn của
mình, kết quả có 12 hạt nẩy mầm phát triển thành cây con. Tiếp tục chăm sóc với
những biện pháp kỹ thuật tra cứu từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, Bình đã tạo nên
các dáng thế của 12 cây bonsai cherry Nam Mỹ, vụ mùa chính hàng năm đơm hoa,
kết trái sum suê vào tháng 3 và tháng 4. Hình thù của trái cây cherry Nam Mỹ
thật lạ mắt với 8 “đường khía” nhô lên cao, ăn tươi có vị chua thanh, chứa
nhiều hàm lượng vitamin C. Trước tết Bình Thân vừa qua, Bình đã xuất bán 5 cây
cherry Nam Mỹ cho các khách hàng ở Sài Gòn, Biên Hòa và Hà Nội, giá bán mỗi cây
từ 4- 5 triệu đồng.
Đáng kể thêm với nhiều loài cây nhập nội khác đã được
Bình nhân giống thành công và đang hút hàng ở nhiều thị trường trong nước như:
Việt Quất ( 150- 200.000 đồng/cây đang thu hoạch trái); đỗ quyên Úc màu vàng,
đỏ, trắng ( 30- 50.000 đồng/cây con); cây giống phật thủ đã “thuần hóa” (300-
500.000 đồng/cây)…
Riêng các loài cây bản địa Đà Lạt hoặc định canh trên
đất Đà Lạt từ thời Pháp thuộc còn lại rất hiếm hoi, nên chủ vườn Nguyễn Văn
Thanh Bình đã tích cực nhân giống, cung cấp theo nhu cầu đặt mua trước của
khách hàng ở nhiều vùng miền trong nước như: sen núi, hoa hồng dây leo, táo,
lê…Tuy nhiên với cây đào thất thốn của Đà Lạt, Nguyễn Văn Thanh Bình vừa công
bố đã gieo ươm và chăm sóc 10 cây đang ở năm tuổi thứ 5, nhưng vẫn đang bố trí
ở khu bảo tồn như cây đầu dòng, nên chưa đưa vào giá thành bán ra. Trong đó có
khá nhiều cây nở hoa rực rỡ đón tết Bính Thân vừa qua, đến thời điểm tháng
4/2016, đã thụ phấn tự nhiên, đậu các chùm trái to bằng nắm tay trên ngọn lá.
Điểm du lịch tham quan nhiều tiềm năng
Nam thanh niên 8X, Nguyễn Văn Thanh Bình tốt nghiệp y
sĩ đông y ở Huế năm 2008 rồi trở về quê Đà Lạt lập vườn sản xuất ban đầu một số
loài cây giống thuốc nam, sau đó không ngừng mở rộng quy mô trở thành vườn cây
cảnh dược liệu, cây cảnh trang trí gồm hàng trăm giống quý hiếm với diện tích
4.000m² đến nay, trong đó có 300m² vườn cây
trưng bày, 500m² sản xuất cây
giống trong nhà kính, còn lại là diện tích đất ươm giống ngoài trời.
Trong 3
năm gần đây, mỗi năm, Bình thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng từ việc bán các
loại cây giống quý hiếm từ gieo hạt và chiết cành trên diện tích 4.000m² khu vườn này. Hiện tại hàng ngày đều có khách nhiều
nơi trong nước tìm đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đồng thời đã
tư vấn và được chủ vườn Nguyễn Văn Thanh Bình ghi nhận sẽ lên phương án đầu tư
nâng cấp trở thành khu vườn “hai trong một” trong những năm tới. Đó là chức
năng của khu vườn cung cấp cây giống quý hiếm cho các vùng khí hậu trong nước
kết hợp với đón khách lữ hành hòa mình với thiên nhiên, góp phần tạo thêm sự đa
dạng trong các sản phẩm du lịch Đà Lạt.
THÁNG 5/2016