Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Nông nghiệp công nghệ cao – những cách tiếp cận mới

VĂN VIỆT
Phát huy hiệu quả tích cực từ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, Lâm Đồng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về việc nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất.   

Từ công nghệ tưới nước, bón phân, nhân giống…
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, hiện trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương có tổng cộng khoảng 60 cơ sở nuôi cấy mô thực vật sản xuất hơn 30 triệu cây giống gốc/năm và hơn 200 vườn ươm xuất bán 2 tỷ cây giống thương phẩm/năm, giúp nông dân tiếp cận nguồn giống sản xuất mới trên 90 loại rau và 70 loại hoa giống đạt chất lượng cao đồng đều, sạch bệnh, bảo toàn đặc tính của dòng cây bố mẹ…Trong đó phổ biến nhất là các giống khoai tây, dâu tây, hoa cúc, cẩm chướng, đồng tiền…Bên cạnh đó, nhiều vườn ươm ở đây đã áp dụng kỹ thuật ghép tạo từ chồi giống cà chua, ớt ngọt các loại trên gốc cà tím, ớt cay, khi đưa ra trồng, chăm sóc trên đồng đã cho thấy khả năng đề kháng với các loại bệnh thường xuất hiện rất nhanh, hậu quả gây hại nghiêm trọng như: bệnh héo vàng, héo xanh…
Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt được xác định là một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Đông Nam Á sản xuất các loại giống hoa cấy mô theo dây chuyền công nghệ hiện đại với phòng lab rộng 5.000mét vuông, đạt công suất 24 triệu cây giống gốc/năm, xuất khẩu ổn định sang thị trường các nước Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…Đặc biệt mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Tài chính Bejo – Hà Lan sản xuất 1.000 giống rau chất lượng cao tại huyện Lâm Hà, tổng giá trị 9,5 triệu EURO và cho doanh nghiệp Dalat Hasfarm với nguồn vốn đầu tư 1,5 triệu USD để nghiên cứu, nhân giống các loại hoa cao cấp mới, góp phần đáp ứng nhu cầu chuyển đổi giống cây trồng công nghệ cao cho nông dân địa phương.
Với công nghệ tưới tiết kiệm, qua cách tiếp cận mới của nông dân Lâm Đồng đã chủ động tự lên thiết kế, mua dây chuyền thiết bị về lắp đặt thành những hệ thống phù hợp theo từng địa hình, từng loại giống cây trồng để vận hành tưới phun mưa (đầu tư 4- 5 triệu đồng/1.000mét vuông) và tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân (đầu tư 8-10 triệu đồng/1.000mét vuông), kết quả đã tiết kiệm từ 30- 60% lượng nước tưới thông thường. Ngoài ra, nông dân Lâm Đồng bước đầu sử dụng vật liệu giá rẻ, được sản xuất từ các nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp ( rơm rạ, mùn cưa, bột gỗ…), bón vào trong đất có tác dụng giữ độ ẩm khá cao cho cây trồng, cụ thể là thực hiện chức năng lưu giữ nước cho rễ cây với khối lượng gấp từ 200- 600 lần so với các vật liệu trên nền đất canh tác theo phương pháp truyền thống.      
Đến công nghệ phòng trừ sâu bệnh
Hiện nay toàn tỉnh Lâm Đồng có 36 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế (phối hợp với 15.300 hộ gia đình), cùng 83 cơ sở, hộ nông dân đang sản xuất hơn 40.000ha được cấp chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, Organic… Đó là những mô hình thành công đáng kể ở thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương như: Trang trại rau Kim Bằng, trang trại rau Bạch Cúc, Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt (Tập Đoàn Lộc Trời); Công ty Fresh Studio, Đà Lạt GAP, HTX Tân Tiến, Anh Đào, hộ gia đình ông Vương Đình Phi, ông Nguyễn Thành Trung trồng dâu tây…
Để thực hành đồng bộ những quy trình đạt các tiêu chuẩn chất lượng nêu trên, trước hết, người sản xuất đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp canh tác mới như: trồng rau xà lách thủy canh, trồng dâu tây, cà chua, ớt ngọt trên giá thể cách ly với nguồn mầm bệnh có thể phát sinh từ trong đất. Tiếp theo, trong từng thời vụ chăm sóc cây trồng, người sản xuất đã tiếp cận, ứng dụng hiệu quả các biện pháp sinh học để phòng trừ tổng hợp sâu bệnh gây hại với các chế phẩm như: bacillus thuringiensis, nuclear polyhedrosis virus, nấm côn trùng metarhizium, beauveria, nấm đối kháng trichoderma…Hoặc bố trí giăng mắc những chiếc bẫy đặt mồi nhử pheromon để bắt các loại sâu tơ, sâu khoang, ruồi hại…các loại rau dưa leo, bí, mướp, bầu…Ở giai đoạn cung cấp dinh dưỡng phân bón sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh cho cây trồng ứng dụng công nghệ cao, người sản xuất còn chọn lựa các sản phẩm bổ sung vi sinh vật có ích trong đất như: azotobacter, streptomyces cùng các vi khuẩn phân giải phốt phát khó tan khác…
Nhìn lại hơn mười năm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng đã tăng 5,4 lần giá trị sản xuất trên 1ha đất ( doanh thu bình quân từ 27 triệu đồng/ha năm 2004 tăng lên 145 triệu đồng/ha năm 2015) và đang hướng đến đạt mức 180- 190 triệu đồng/ha vào năm 2020. Những kết quả đã, đang và sẽ gặt hái trên lộ trình phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng luôn chú trọng nhân rộng những mô hình tiếp cận khoa học kỹ thuật mới trên từng khu vực sản xuất cây trồng của mình./.
THANG 5/2016