Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Triển khai 8 nhóm giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp Lâm Đồng

VĂN VIỆT 
Ngày 17/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức hội nghị triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Tham dự có ông Phạm S,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng đại diện lãnh đạo các huyện, thành và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang traị sản xuất, kinh doanh nông sản tiêu biểu trên địa bàn.

Hội nghị đã đánh giá: Ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong những năm qua đã phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức cao ( 8,4%/năm), thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh nhiều tồn tại như: chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp, sản xuất chưa thực sự gắn kết với thị trường…
Để xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, bền vững, ngành nông nghiệp Lâm Đồng triển khai đề án tái cơ cấu đến năm 2020 với các mục tiêu cụ thể: tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi trung bình từ 3- 5%/năm; giảm tổn thất sau thu hoạch các loại nông sản xuống dưới 10%; tăng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; có ít nhất 50% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững; giảm diện tích có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống dưới 20%...
Có 8 nhóm giải pháp triển khai đề án gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập trung đến với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân về cơ chế, chính sách đổi mới trong phát triển nông nghiệp, các mô hình thành công trong sản xuất; ban hành các quy hoạch phát triển theo ngành để chỉ đạo thống nhất trong toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất; nghiên cứu lai tạo, nhập nội các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị cao, thích ứng với nhu cầu thị trường; đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất gắn với nhu cầu thị trường; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận sản xuất an toàn như GlobalGAP, VietGAP, VietGAHP, HCCB, ISO, Organic, 4C UTZ; mở rộng đào tạo nghề sản xuất sản xuất kinh doanh nông nghiệp; xã hội hóa trong đầu tư với phương thức “nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ vật tư”; sắp xếp lại mô hình hoạt động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng…