Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Nâng cao uy tín dâu tây Đà Lạt

VĂN VIỆT
Để nâng cao hơn nữa uy tín sản phẩm dâu tây trên thị trường cạnh tranh đang có chiều hướng phức tạp, bên cạnh việc chọn những giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất của mình, người nông dân Đà Lạt cần được chuyển giao, cập nhật quy trình kỹ thuật tiên tiến để đạt những tiêu chí về hình dáng, kích thước và chất lượng an toàn.

Nhiều giống, nhiều giá khác nhau
Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, dâu tây được đưa về từ nước Pháp trồng đầu tiên ở Đà Lạt trong những năm 40 của thế kỷ 20, tên khoa học là Fragaria Vesca L, trái nhỏ, màu đỏ nhạt, mùi ngọt thơm đặc trưng. Đến thập niên 60, phát triển thêm nhiều giống dâu tây nhập về từ Mỹ, trái có màu đỏ đậm, đạt năng suất cao hơn, nhưng ít vị thơm như các giống dâu Pháp. Khoảng 30 năm sau đó – năm 1995, một công ty của Pháp đã chọn một trong 20 giống dâu tây trồng thử nghiệm thành công với kích thước trái lớn, cứng và chắc, hương vị chua chua, ngọt ngọt khác biệt, vận chuyển đường xa với tỷ lệ hư hỏng không đáng kể, năng suất thu hoạch đã tăng lên vượt trội khi đối chứng với các giống dâu tây trước đó canh tác trên cùng một vùng khí hậu Đà Lạt và các vùng phụ cận. Giống dâu tây này có tên Fragaria x ananassa, nông dân Đà Lạt quen gọi là giống dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm và đã liên tục mở rộng diện tích sản xuất, thu hoạch quanh năm không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà còn tiêu thụ xuất khẩu đến các nước châu Á và châu Âu.
Nông dân “kiêm” thương lái Vương Đình Phi ở đường Thánh Mẫu, Đà Lạt, nhớ lại: Thời điểm năm 1997- 2000, ông Phi thu mua mỗi ngày trên dưới 1 tấn dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm tươi của nông dân Đà Lạt thu hoạch tại vườn rồi đóng trong hộp nhựa, vận chuyển về Sài Gòn bán hết trong ngày hôm sau. Khách hàng Sài Gòn mua dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm của ông Phi gồm các quày hàng bán sỉ ở nhiều khu vực chợ đầu mối cùng lực lượng bán lẻ lưu động thường trực với hơn 10 sinh viên làm thêm. Tuy nhiên, sau năm 2000, diện tích dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm ở Đà Lạt tăng tự phát quá nhanh bằng cách nhân giống “cây ngó” ( cây con mọc ra từ rễ cây mẹ) thiếu tuyển chọn, nên sức đề kháng yếu, dẫn đến xuất hiện nhiều loại bệnh gây hại, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm thu hoạch. Thêm vào đó, ngay trên thị trường trong nước bắt đầu lưu thông, bày bán nhiều loại dâu tây Trung Quốc giá rẻ, khiến cho phần lớn người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn với dâu tây Đà Lạt. Bởi vậy, ông Phi quyết định tạm dừng công việc thương lái để tập trung làm công việc nông dân chuyển đổi các giống dâu tây mới, sản xuất theo hướng công nghệ cao trong nhà kính.
Trong nhà kính, ông Phi chọn các giống dâu tây Nhật trồng ban đầu dưới đất phủ màng ni lông. Từ năm 2012 đến nay, ông Phi chuyển sang trồng trên giàn giá thể xơ dừa, trấu…cách mặt đất gần 1m, diện tích ổn định với 3.000m². Toàn bộ quy trình tưới nước, bón phân hữu cơ đều tự động hóa nhỏ giọt. Tính riêng trong dịp trước và sau tết Bính Thân năm 2016, ông Phi đón khách du lịch khắp nơi vào tham quan, chụp hình lưu niệm và trực tiếp hái chọn dâu tây Nhật ăn tươi tại chỗ, hoặc mua về làm quà với giá từ 250 – 300.000 đồng/kg. Như vậy, với hàng chục ký dâu tây tươi nhà kính của ông Phi bán ra mỗi ngày, giá mỗi ký cao hơn từ 5- 6 lần so với giá dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm trồng ngoài trời ở Đà Lạt và các vùng phụ cận.          
Cần những tiêu chí chất lượng an toàn
Đánh giá chung cho thấy: Hiện nay, việc canh tác dâu tây trong nhà kính chưa được nông dân Đà Lạt áp dụng đại trà, chỉ mới phát triển trên diện tích nhỏ khoảng chục hecta. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trang này như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ…Thống kê diện tích dâu tây Đà Lạt đang biến động hàng năm từ 100- 120ha, nhưng ưu thế về năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định lại thuộc về diện tích chỉ chục hecta sản xuất trong nhà kính; còn lại hầu hết diện tích sản xuất ngoài trời vì không có thương hiệu bảo hộ độc quyền, chưa xây dựng thành những chuỗi sản phẩm liên kết, nên tình trạng được mùa, mất giá vẫn xảy ra. Mặt khác, phần lớn sản phẩm dâu tây ngoài trời Đà Lạt khi đưa ra thị trường tiêu thụ không thông qua quy trình kiểm định chất lượng, lại chịu ảnh hưởng trước tình trạng giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt của các mặt hàng dâu tây từ nơi khác còn len lỏi đưa về.
Để nâng cao uy tín của sản phẩm dâu tây Đà Lạt trên thương trường trong và ngoài nước, Phòng Kinh tế Đà Lạt đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ độc quyền. Khi nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận (sau khoảng 12 tháng thẩm định hồ sơ), người sản xuất sẽ được gắn nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” trên sản phẩm của mình, nếu hội đủ các tiêu chí an toàn về nguồn giống, môi trường sinh thái, quy trình canh tác, hình thức và chất lượng sản phẩm thu hoạch…
Thiết nghĩ, trong thời gian đón chờ nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” được chính thức công nhận hiệu lực sử dụng, ngành nông nghiệp Đà Lạt cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, tích cực hỗ trợ nông dân triển khai những giải pháp về lựa chọn, cải tạo các loại giống dâu tây đạt năng suất và chất lượng cao để xây dựng các vườn thực nghiệm đầu dòng. Đồng thời tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề trồng và chăm sóc dâu tây; vận động nông dân sản xuất dâu tây tập trung theo mô hình liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt khuyến khích phát triển ngày càng nhiều những mô hình trồng dâu tây kết hợp với du lịch sinh thái vườn tại các doanh nghiệp, hộ gia đình, nhằm qua đó có thêm cơ hội quảng bá rộng rãi thương hiệu “Dâu tây Đà Lạt” được “bảo chứng” chất lượng an toàn./.*THÁNG 5/2016