Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Nông nghiệp đô thị sản xuất theo chuỗi cung ứng

VĂN VIỆT
Chú trọng đầu tư các mô hình tiếp cận khoa học kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện đất đai của đô thị, đồng thời phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng, nông dân ven đô Đà Lạt và các vùng phụ cận tiếp tục nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm của mình.

Mười năm hợp đồng trồng “rau GAP”
Sau hơn mười năm xây dựng và phát triển, HTX Anh Đào, Đà Lạt đã trở thành một đơn vị kinh tế tập thể điển hình trong cả nước về tổ chức sản xuất rau an toàn theo chuỗi cung ứng. Những ngày đầu thành lập với số vốn điều lệ vỏn vẹn 500 triệu đồng, HTX chỉ tập hợp được 7 xã viên sản xuất trên 20ha rau các loại. Sau mỗi lứa rau thu hoạch, đưa ra thị trường tự do tiêu thụ khá chật vật, HTX đã dần dần đúc kết kinh nghiệm, xây dựng hướng đi đột phá của mình bằng cách liên kết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển cây rau đạt chất lượng an toàn, cam kết đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ bền vững môi trường ven đô Đà Lạt. Chủ nhiệm HTX, Nguyễn Công Thừa nhớ lại : “ Năm 2008, HTX được tiếp xúc, trao đổi xúc tiến thương mại với đại diện hệ thống siêu thị Coop Mart, thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả, HTX thỏa thuận sản xuất theo chuỗi giá trị rau VietGAP, trước mắt cung ứng mỗi ngày cho siêu thị Coop Mart 7,5 tấn rau ghi thương hiệu “Rau Anh Đào, Đà Lạt”. Trong từng lứa rau triển khai cho xã viên sản xuất, HTX kiểm tra nghiêm ngặt các công đoạn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, bơm thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm. Qua kiểm định chất lượng rau đạt tiêu chuẩn an toàn, đối tác Coop Mart đã tăng giá thu mua cao hơn từ 10- 15% so với sản phẩm rau canh tác theo các phương pháp thông thường...”
Và sau đó không lâu, Coop Mart đã chính thức ký hợp đồng tiêu thụ rau chiến lược lâu dài, trong đó mỗi năm, HTX Anh Đào được ứng trước nguồn vốn 10 tỷ đồng không tính lãi suất để phân bổ cho xã viên yên tâm đầu tư sản xuất. Trước mỗi giai đoạn sản xuất, HTX Anh Đào đã tạo mọi điều kiện cho xã viên thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ mới do ngành nông nghiệp ở địa phương và trung ương tổ chức. Đến nay, HTX Anh Đào đã phát triển lên tổng cộng 22 nông hộ thành viên và hơn 80 nông hộ bên ngoài cùng liên kết sản xuất thành các chuỗi sản phẩm cung ứng ổn định. Theo đó, với hộ thành viên được sản xuất theo kế hoạch, trách nhiệm HTX là đầu tư ứng trước nguồn giống, vật tư, phân bón và khấu trừ sau khi bao tiêu toàn bộ sản phẩm; ước tính theo giá thị trường tháng 5/2016, nông hộ thành viên đạt thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm, đồng thời còn được chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp trong HTX. Với nông hộ bên ngoài, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo giá “chốt trước” hoặc cao hơn 10% giá thị trường ở thời điểm thu hoạch.
Hiện HTX Anh Đào đang sản xuất 270ha diện tích ven đô Đà Lạt và các vùng phụ cận, trong đó gồm 60 mặt hàng rau, củ, quả theo chuỗi cung ứng, đạt hơn 40.000 tấn “rau GAP”/năm, trong đó chiếm 80% sản lượng tiêu thụ đến 52 tỉnh, thành trong cả nước; 20% sản lượng còn lại xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…        
Thêm nhiều mô hình canh tác mới
Tương tự với quy trình ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất theo chuỗi cung ứng sản phẩm như HTX Anh Đào, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị Đà Lạt và các vùng phụ cận đã và đang được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng xây dựng và nhân rộng với nhiều loại cây trồng mang lợi thế so sánh mới. Cụ thể, ở Đà Lạt với các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: trồng dâu tây theo hướng hữu cơ tại phường 7, quy mô 01ha/05 hộ, thu hoạch bán ra với giá cao hơn giá thị trường 5%. Hạch toán trung bình mỗi tháng, mỗi nông hộ trồng 2.000m2 đạt lợi nhuận trên 8 triệu đồng; canh tác 0,5 ha rau xà lách ứng dụng công nghệ Nhật Bản, sau 50- 55 ngày trồng, năng suất thu được 12 tấn (0,2kg/cây), lợi nhuận hơn 24 triệu đồng; trồng 100 m2 rau mầm theo tầng trong nhà kính, thu hoạch sau 7 ngày chăm sóc với lợi nhuận 700.000đ;  trồng 500m2 ớt chuông baby ba màu trên giá thể từ 6-8 tháng, năng suất khoảng 4-5kg/cây, lợi nhuận hơn 62triệu đồng; trồng  3 giống cà chua cà chua cherry vàng, chocolate và đen trên 500m2giá thể, lợi nhuận đạt trung bình hơn 5,2triệu đồng/tháng…
Ở các vùng đô thị phụ cận Đà Lạt có các mô hình thử nghiệm thành công gồm: trồng 1.000m2 dưa lưới trên giá thể, lợi nhuận trung bình 16 triệu đồng/75 ngày; trồng 5.000m2 hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng trong nhà kính công nghệ cao, thu nhập trung bình mỗi tháng đạt từ  6,3 - 10, triệu đồng.
Dự kiến đến cuối năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tiếp tục triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng gắn với phát triển đô thị và vùng ven đô như: ở huyện Đơn Dương trồng 500m2 cây phúc bồn tử VietGAP; 600m2 hoa hồng môn giống mới; 1ha trồng cỏ chất lượng cao phục vụ chăn nuôi bò sữa; ở huyện Đức Trọng  trồng 2.200m2các loại rau, củ, quả baby…Những mô hình được chọn làm điểm ở đây đều đáp ứng các điều kiện quy hoạch nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch, góp phần giúp các hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi kỹ thuật canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và liên kết lại với nhau để chủ động đầu ra./THÁNG 5/2016