VĂN VIỆT (Thực hiện)
Ngày 18 tháng 6 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 890/QĐ-TTg về việc lấy ngày 14/11 hàng năm là “Ngày Truyền thống Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”. Đây là dấu mốc thời gian để toàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam nói chung, của Lâm Đồng nói riêng, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ được giao. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng về những nội dung này.
*Phóng viên: Ngày 14/11/1945 được xem là ngày hoạt động
chính thức của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam . Xin ông khái
quát những dấu mốc lịch sử này và liên hệ với quá trình xây dựng và phát triển
ở Lâm Đồng? .
*Ông Lê
Văn Minh: Ngày 14/11/1945, Hội đồng
Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định thành lập Bộ Canh nông.
Đến ngày 1/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 69 với nội dung: “Tất
cả các cơ quan Canh nông, Thú y, Mục Súc, Ngư nghiệp, Lâm chính và Nông nghiệp
tín dụng (Hợp tác xã và Nông khố ngân hàng) trong toàn cõi Việt Nam từ nay
thuộc Bộ Canh nông”. Vì vậy, ngày 14/11/1945 được xem là ngày hoạt động chính
thức đầu tiên của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam .
UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập các Ty
Nông nghiệp (23/02/1976), Ty Thủy lợi (25/02/1976), Ty Lâm nghiệp (26/4/1976).
Sau đó thành lập các Sở: Nông nghiệp-Lương thực (01/9/1987), Nông thủy
(9/1988), Nông lâm thủy (7/1989). Đến ngày 06/3/1996 thì đổi tên Sở Nông lâm
thủy thành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho đến nay.
Qua 39 năm hình thành và phát triển, ngành
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã có những bước tiến rõ nét. Từ
chỗ cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu, lực lượng công
chức, viên chức và người lao động không đồng đều về trình độ chuyên môn; đến
nay cơ sở vật chất đã được đầu tư khang trang hơn, khoa học kỹ thuật có nhiều
tiến bộ, lực lượng công chức, viên chức và người lao động đã cơ bản đạt tiêu
chuẩn chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm. Trên cơ sở Nghị
quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng các khóa, kế hoạch từng giai đoạn của Ngành
và của UBND tỉnh Lâm Đồng giao, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Lâm Đồng đều phát động thi đua để động viên, khích lệ các cơ quan, đơn vị, mỗi
cá nhân nỗ lực tìm tòi những giải pháp, sáng kiến hữu ích trong quá trình thực
hiện nhiệm vụ chuyên môn...
*Phóng viên: Nhìn lại 30 năm
đổi mới, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã có bước tiến xa với nhiều thành
tích quan trọng…
*Ông Lê Văn Minh: Nhìn lại hành trình 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã
có bước tiến quan trọng như: Từ việc sản
xuất để giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ, đến nay, Lâm Đồng được đánh giá
là địa phương đi đầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và là trung tâm
sản xuất rau, hoa, bò sữa; có diện tích chè, cà phê đứng hàng đầu trong cả
nước.
Lâm Đồng có diện tích rừng tự nhiên trên 470 ngàn ha, trong
đó đã thực hiện rất thành công chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tăng
thêm thu nhập cho các hộ dân nhận khoán, góp phần phát triển du lịch. Hệ thống
các công trình thuỷ lợi nói riêng và hạ tầng nông thôn nói chung có sự thay đổi
toàn diện; nhiều công trình lớn được đầu tư, phục vụ kịp thời nhu cầu dùng nước
cho sản xuất và sinh hoạt của người dân nông thôn. Đời sống vật chất và tinh
thần của người dân ngày càng được nâng cao, rút ngắn khoảng cách về trình độ
dân trí, các điều kiện an sinh xã hội giữa người dân nông thôn và thành thị.
*Phóng viên: Lâm Đồng đã và đang tập trung tái cơ cấu ngành
nông nghiệp với nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Ông có thể cho biết cụ
thể hơn ?
*Ông Lê Văn
Minh: Để ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đứng vững và phát
triển, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai đồng bộ các nội dung tái
cơ cấu sản xuất, trong đó chú trọng một số vấn đề sau: Tăng sức cạnh tranh của
sản phẩm thông qua việc giảm giá thành; nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng
thương hiệu; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng. Phát
triển nền nông nghiệp trên cơ sở áp dụng các quy trình canh tác bền vững, thích
ứng với biến đổi khí hậu như sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất, nước; hạn chế
hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Phát triển ngành nông nghiệp gắn kết chặt chẽ
với các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế biến; thương mại; dịch vụ du
lịch để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng ngành…
*Phóng viên: Xin trân
trọng cám ơn ông Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng .
THÁNG 11/2015