Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Khi mõm sói “nằm kề” hạt ngọc

VĂN VIỆT
Nông dân xã Xuân Thọ đã và đang bố trì nhiều diện tích trồng chuyên canh các loại hoa mõm sói “nằm kề” với hoa hạt ngọc, không chỉ tạo thêm sự đa dạng của sản phẩm hoa Đà Lạt đến với các thị trường trong nước, mà còn góp phần tái cơ cấu cây trồng phù hợp hơn với điều kiện đất đai của từng địa phương.

Nuôi mõm sói trong nhà kính
Đà Lạt lập đông với nhiệt độ xuống thấp, thời tiết hanh khô là thời điểm thuận lợi nhất trong năm cho hoa mõm sói trên đồng hoa xã Xuân Thọ lần lượt nở bung rực rỡ nhiều sắc màu, đồng thời tăng thêm năng suất thu hoạch sản phẩm hoa cắt cành hàng ngày. Trong đó ở làng hoa Xuân Thành, hộ gia đình ông Phạm Tiến- một nghệ nhân trồng hoa tiêu biểu của phố hoa Đà Lạt – đang huy động thêm nhiều công lao động khép kín từ quy trình thu hoạch cắt cành hoa mõm sói, chất lên xe máy chở từ vườn hoa về nhà (khoảng cách xa nhất đến vài cây số) sơ chế phân loại, đóng thùng carton rồi tập kết ở các điểm bán lẻ và các đầu mối thương lái trong thành phố Đà Lạt để nhanh chóng vận chuyển đến các khu vực th5 trường miền Trung, miền Nam ngay trong ngày. “Một trong những điều quan trọng trong khâu tiêu thụ, phát triển thị trường là phải giữ được chất lượng hoa mõm sói với thân, cành và từng đóa hoa đều có độ tươi dài ngày sau khi cắt cành đưa đến tay khách hàng, đặc biệt đối với khách hàng chơi hoa ở vùng đồng bằng nắng nóng… ”- ông Pham Tiến nói. 
Theo đó, để có sản phẩm hoa mõm sói Đà Lạt luôn đạt chất lượng cạnh tranh trên thị trường, nhà nông Phạm Tiến nói riêng, nhà nông ở làng hoa Xuân Thành, xã Xuân Thọ nói chung cần một nguồn vốn đầu tư không nhỏ ban đầu để xây dựng nhà kính sản xuất mỗi lứa trong vòng từ 90- 100 ngày với các công đoạn phải thực hành hiệu quả tuần tự gồm: làm đất tơi xốp, vệ sinh sạch mầm bệnh; chọn hạt giống gieo ươm có nguồn gốc rõ ràng; chăm sóc với các chế độ dinh dưỡng phù hợp, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời; chọn thời điểm thu hoạch cắt cành vào sáng sớm để hoa giữ nước được nhiều; bảo quản hoa trong thùng carton trên đường vận chuyển đến nơi tiêu thụ…
Sau 2 năm trồng hoa mõm sói từ vài trăm mét vuông ban đầu, đến nay, nhà nông Phạm Tiến đã phát triển lên 5.000m² theo hình thức cuốn chiếu, mỗi ngày thu hoạch trên dưới 1.500 cành. Giá bán sỉ mỗi cành hoa mõm sói trong năm 2015 dao động từ 800- 1.200 đồng/cành, tính ra lợi nhuận đã và đang vượt lên trên so với trồng hoa cúc chùm các loại trong nhà kính ( từ 400- 500 triệu đồng/ha/năm). “Hộ gia đình chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn mỗi cành hoa mõm sói khi thu hoạch bán ra thị trường phải đạt độ cứng cáp nhất định, chiều cao thẳng đứng khoảng 1m; hoa nở đều khắp thành một chuỗi dài ít nhất một nửa thân cành; từng màu hoa trắng, xanh, hồng, tím, đỏ, vàng…sắc nét; mùi hương tỏa của hoa thơm dịu, lâu tàn hơn nhiều ngày so với các loại hoa mõm sói trồng trong chậu và trong các tiểu cảnh ở đường phố, công viên của phố hoa Đà Lạt… ”- ông Tiến chia sẻ kinh nghiệm sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ của mình.
Riêng các biện pháp phòng trừ bệnh hại hoa mõm sói, nhiều hộ nông dân ở làng hoa Xuân Thành đúc kết cho rằng, đây là loài hoa rất mẫn cảm với thời tiết thay đổi, giao mùa, nên phải thăm vườn đều đặn hàng ngày 2 buổi sáng, chiều, khi phát hiện lá cây, thân cây, nụ hoa chuyển màu “nhợt nhạt” thì cần kịp thời bơm thuốc đặc trị các loại nấm bệnh nằm trong danh mục hướng dẫn sử dụng của ngành bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, biện pháp sinh học vẫn được xác định là biện pháp thực hành tối ưu nhất đối với việc phòng các loại bệnh gây hại hoa mõm sói Xuân Thành, Xuân Thọ như: bón phân hữu cơ vi sinh; tưới nước vào sáng sớm và chiều tối; thường xuyên tỉa bỏ những cành lá già úa, những mầm chồi mọc ra vượt ra từ nách lá; hàng ngày đảm bảo lượng ánh sáng mặt trời quang hợp trong nhà kính…
Hạt ngọc lợi nhuận gấp 3 lần hạt cà phê
“Nằm kề” với hoa mõm sói là hoa hạt ngọc được nông dân làng hoa Xuân Thành, Xuân Thọ chuyên canh trên nhiều diện tích chuyển đổi từ trồng hoa lay ơn giống cũ và các loại rau giá trị thấp trong vòng 5 năm trở lại đây. Giống hoa hạt ngọc trồng ngoài trời, nhân giống bằng giâm hom cây, giá trị đầu tư khoảng gần 10 triệu đồng/1.000m², nhưng giá trị lợi nhuận hàng năm cao hơn từ 2- 3 lần so với canh tác cà phê. Nghệ nhân Phạm Tiến cho biết thêm: “Hoa hạt ngọc kết nụ có màu đỏ đậm, đến lúc bung nở ra 5 cánh hoa với chùm nhụy hoa tua tủa màu vàng óng, hoa cắm trong bình nước giữ tươi ở Đà Lạt hơn 10 ngày, ở các vùng xứ nóng hơn 7 ngày sau khi cắt cành. Giá bán hoa hạt ngọc Đà Lạt trong năm 2015 cũng khá “phổ thông” với từ 1.000 – 2.000 đồng/cành. Hộ gia đình tôi bố trí 2.000m² trồng hoa hạt ngọc bên cạnh hoa mõm sói, chăm sóc đến 8 tháng sau là bắt đầu thu hoạch vài ngàn cành mỗi tuần. Nếu chăm sóc tốt, thời gian thu hoạch của hoa hạt ngọc có thể kéo dài liên tục đến 5 năm…”
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, Đà Lạt, trong năm 2015, nông dân Xuân Thọ chuyển đổi khoảng 30 ha đất trồng hoa lay ơn giống cũ và rau các loại giá trị thấp sang trồng các loại hoa giá trị cao hơn, trong đó có 2 “công dân hoa” mới là hoa mõm sói và hoa hạt ngọc. Hy vọng trong những ngày diễn ra Festival Hoa Đà Lạt năm 2015, hoa mõm sói và hoa hạt ngọc cùng được ra phố “nằm kề bên nhau” khoe sắc hương và tiếp tục được ghi nhớ trong kế hoạch giao thương đối với nhiều đối tác trong và ngoài nước./.   
THÁNG 11/2015