Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Mở hướng phát triển cà phê chè Cầu Đất

VĂN VIỆT
Chính quyền thành phố Đà Lạt đang triển khai quy trình xây dựng nhãn hiệu cà phê chè Cầu Đất, nhằm góp phần mở hướng phát triển ổn định và bền vững một nghề canh tác truyền thống hơn một trăm năm của địa phương. 

Bấp bênh cà phê chè trên độ cao 1.500m
Những tháng cuối năm 2015, nông dân các vùng Trạm Hành, Xuân Trường, Xuân Thọ, phường 10…thuộc thành phố Đà Lạt (với độ cao từ 1.500- 1.600m so với mặt biển) đang vào vụ thu hái cà phê với năng suất dự kiến đạt cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Tại vườn cà phê 2 ha của hộ ông Nguyễn Nghị ở thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ (nằm ven đường Quốc lộ 27), chủ nhân cho biết đang thuê 5 lao động mỗi ngày thu hái khoảng 50kg trái cà phê tươi. Đây là vườn cà phê chè giống catimor đã trồng mới từ 15- 20 năm trước, từ đó đến nay được đầu tư thâm canh với những kinh nghiệm được tích lũy như bón phân, tỉa cành tạo tán cân đối, hàng năm năng suất thu hoạch bằng hoặc cao hơn mức năng suất trung bình của toàn thành phố Đà Lạt ( hơn 2 tấn nhân/ha). “ Năm 2014 do ảnh hưởng của thời tiết biến đổi thất thường, trong đó có hiện tượng sương muối gây hại, nên vườn cà phê của gia đình chúng tôi chỉ thu hoạch dưới 10 tấn tươi/ha ( khoảng 2 tấn nhân/ha). Năm 2015 này, cây cà phê phát triển ra hoa đậu trái khá đồng đều nhờ thời tiết mưa, nắng thuận lợi, ước sản lượng sẽ tăng hơn năm 2014 khoảng 2 lần trở lên…”- Chủ vườn cà phê Nguyễn Nghị nhận định.
Tuy nhiên nỗi lo vẫn thường trực đối với vườn cà phê Nguyễn Nghị năm nay vẫn là thị trường tiêu thụ. Thực tế số lượng thương lái đến địa phương thu mua cà phê chè tươi khá nhiều, nhưng giá cả thì cứ thay đổi bấp bênh mỗi ngày, người sản xuất khó có thể đoán trước được. Mong muốn thu được mức lãi hợp lý cho mình, hàng năm, hộ Nguyễn Nghị thường dành khoảng một nửa sản lượng thu hoạch cà phê tươi để tự sơ chế thành cà phê hạt nhân cất trữ, chờ được giá mới bán. Nhưng riêng đến thời điểm tháng 11/2015, tất cả 3 tấn cà phê nhân catimor từ vụ mùa năm ngoái của  hộ Nguyễn Nghị vẫn còn…tiếp tục cất trữ. Nói thêm về điều này, chủ vườn cà phê Nguyễn Nghị cho biết: “ Cà phê trái tươi thu hái buổi sáng thì buổi chiều phải đưa vào cối xay để tách vỏ ra khỏi hạt nhân. Sau đó ủ toàn bộ hạt nhân vào trong từng chiếc bao tải qua 2 ngày đêm rồi đổ ra nước rửa sạch trước khi đem phơi khô khoảng 3 ngày nắng. Cuối cùng đem hạt nhân khô đựng trong những chiếc bao tải cất trữ trong các căn phòng cao ráo, tuyệt đối tránh ẩm ướt…”
Ở khu vực Sở Lăng, phường 10, Đà Lạt, hộ ông Nguyễn Hữu với 6.000m² diện tích cà phê chè catimor, vụ mùa năm ngoái thu được khoảng 1 tấn nhân tạm trữ đến nay vẫn đang tiếp tục chờ giá cao hơn nữa mới bán. Năm nay so với năm ngoái, dự báo vườn cà phê ông Hữu thu sản lượng tăng hơn từ 2 lần trở lên, nhưng đến giữa tháng 11/2015, thương lái đến thu mua giá giảm xuống chỉ còn hơn một nửa. “ Chắc gia đình tôi lại phải phơi khô nguyên trái cà phê thu hoạch rồi cất trữ để canh chừng giá lên nhiều thì bán nhiều mới có lời…” – ông Hữu nói.  
      Cần nhiều giải pháp đồng bộ cho cà phê chè
Hộ ông Nghị, ông Hữu là 2 trong phần lớn hộ gia đình sản xuất cà phê chè ở Đà Lạt với kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản vẫn thực hành theo kinh nghiệm đã cũ, chưa áp dụng đầy đủ quy trình tiên tiến để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhãn hiệu độc quyền của vùng cao nguyên Đà Lạt có độ cao từ 1.500- 1.600m so với mặt biển. Bên cạnh đó, do sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, không căn cứ theo hợp đồng liên kết, nên việc ấn định giá tiêu thụ sản phẩm cà phê chè Cầu Đất và các vùng xung quanh vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái thu mua trực tiếp hàng ngày. Thống kê cho biết, diện tích cà phê chè trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện có khoảng 3.500ha, chiếm 33% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nếu được thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khả thi sẽ mở ra nhiều hy vọng phát triển thương hiệu, nâng cao mức thu nhập tương xứng cho người nông dân.  
Theo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, giải pháp trước hết để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê chè trong thời gian tới là tiếp tục lựa chọn các loại giống cà phê chè có năng suất và chất lượng cao để cải tạo, trồng mới thay thế các diện tích cà phê chè đã già cỗi, đồng thời xây dựng và hoàn thiện mô hình thâm canh kỹ thuật mới để chuyển giao rộng rãi cho người nông dân. Tiếp theo cần tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố Đà Lạt xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất cà phê chè ứng dụng công nghệ gắn với tiêu thụ ổn định, lâu dài; trang bị đồng bộ dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; mở rộng chế biến, phân loại cà phê xuất khẩu theo các tiêu chuẩn ISO: 9000, ISO: 14000; HACCP…
Thêm nữa là phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm, hội thảo, tạo môi trường kết nối tiêu thụ sản phẩm cà phê chè Đà Lạt trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cà phê hàng đầu trên thế giới. Và điều thiết thực bây giờ là sớm hoàn thành thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu để làm cơ sở khẳng định và phát huy hơn nữa lợi thế so sánh của sản phẩm cà phê chè Cầu Đất- Đà Lạt trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế./.

THÁNG 11/2015