Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Khi nông dân được trợ giúp kỹ thuật

VĂN VIỆT
Ông Triệu Ngọc Sơn, một khuyến nông viên tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Sau 5 năm, lực lượng khuyến nông chúng tôi đã hướng dẫn, trợ giúp kỹ thuật cho nông dân xã Pró, Đơn Dương chuyển đổi 700ha diện tích trồng lúa, bắp sang trồng cây mác mác, củ năng và các loại rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, tăng thu nhập đáng kể trên từng đơn vị diện tích đất…”

Bây giờ trên khắp các xã, phường sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng đều bố trí những “nhân tố” tích cực như khuyến nông viên ở xã Pró, Đơn Dương vừa kể trên. Như ở thị trấn Madaguôi, Đạ Huoai, khuyến nông viên Nguyễn Tường Vũ xác định: “ Nhiệm vụ của khuyến nông viên cơ sở là phải vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực tham gia vận động, hướng dẫn nông dân thực hành nông nghiệp tốt, chia sẻ và nhân rộng kinh nghiệm sản xuất giỏi trên địa bàn…” Bởi vậy, theo kế hoạch công tác hàng năm, khuyến nông viên Vũ đều thực hiện hiệu quả chức năng được giao của mình gồm: Theo dõi tình hình sinh trưởng, dịch bệnh của các loại cây trồng, vật nuôi để trực tiếp hướng dẫn nông dân về các biện pháp phòng trừ; chủ trì phối hợp với ban cán sự ở khu dân cư triển khai chương trình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; vận động nông dân tham gia tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới; cung cấp thông tin giá cả thị trường nông sản, vật tư nông nghiệp đến từng người nông dân địa phương…
Ở Tổ Khuyến nông xã Tân Nghĩa, Di Linh gồm 1 khuyến nông viên và 10 cộng tác viên đã tập trung trợ giúp kỹ thuật cho nông dân tái canh cà phê đạt những kết quả bước đầu. Cụ thể, từng khuyến nông viên và cộng tác viên bắt tay vào thực hành ghép cải tạo hoặc trồng mới tái canh cà phê trong khu vườn của mình rồi chăm sóc, đúc kết kỹ thuật, chọn lựa nguồn cây giống, mầm ghép tốt nhất để hướng dẫn nông dân làm theo. Trước đó, đội ngũ khuyến nông này đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, hội thảo cấp tỉnh, cấp huyện về quy trình tái canh, xử lý tuyến trùng, nấm hại rễ cà phê, kỹ thuật ghép cải tạo…Đồng thời cũng đã tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm thực tiễn sản xuất cà phê tái canh cao sản của nhiều hộ gia đình trong và ngoài xã Tân Nghĩa, Di Linh. “Đến nay, nông dân xã Tân Nghĩa, Di Linh đã thực hiện tái canh khá thành công trên tổng diện tích 600ha, bước đầu thu hoạch đạt từ 3-4 tấn cà phê nhân/ha, cá biệt có hộ gia đình thu đạt năng suất lên đến 6 tấn/ha.  Kết quả này còn thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng khuyến nông cơ sở với các ban, ngành địa phương trong việc triển khai những phương pháp vận động phù hợp, tạo sự đồng thuận của người dân trên địa bàn… ”- Đại diện Tổ Khuyến nông xã Tân Nghĩa, Di Linh đã nhận định.
Với đội ngũ khuyến nông xã Lộc Nam, Bảo Lâm đã thống kê 3 giải pháp trợ giúp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi hiệu quả cho người nông dân là: Người khuyến nông hàng ngày luôn bám sát địa bàn, cập nhật tình hình bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi để khuyến cáo xử lý kịp thời; Giai đoạn 2011- 2015 đã tổ chức 195 lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi với 83.000 lượt nông dân tham dự; phối hợp với các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp của huyện xây dựng điểm 13 mô hình trồng trọt và 8 mô hình chăn nuôi, trong đó riêng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đã đạt kết quả đáng ghi nhận với diện tích 200ha cà phê trồng mới bằng giống thực sinh lai đa dòng, 150 ha ghép cải tạo giống cà phê cao sản, chuyển đổi 110ha trồng mới giống chè TB14…“Ở xã Lộc Nam, Bảo Lâm, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 tăng 2,2 triệu đồng so với năm 2013 là nhờ sản lượng cà phê, chè đều tăng nhanh…”- Báo cáo công tác khuyến nông xã  Lộc Nam, Bảo Lâm đã khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt cho rằng, từ việc trợ giúp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, lực lượng khuyến nông địa phương không chỉ góp phần tăng giá trị sản phẩm, mà còn đóng vai trò quan trọng làm chiếc cầu nối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. 
Thể hiện điều này là những số liệu ở Đà Lạt đã được công bố gồm: diện tích gieo trồng hàng năm gần 12.600ha, đạt tổng giá trị gần 5.400tỷ đồng; trong đó sản lượng rau đạt gần 300ngàn tấn, hoa đạt gần 2 tỷ cành, giá trị thu nhập bình quân khoảng 220triệu đồng/ha. “Có 3 nguyên nhân chủ yếu đạt được những kết quả khuyến nông nêu trên ở thành phố Đà Lạt là: sự phối hợp giữa lực lượng khuyến nông cơ sở với tổ chức hội nông dân và các đoàn thể chính trị ở khu dân cư; tinh thần và ý thức trách nhiệm cao của từng khuyến nông cơ sở; người nông dân luôn mong muốn tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi…”- bà Hạnh nói./.
THÁNG 11/2015