VĂN VIỆT
Hội Nông dân phường 4, Đà Lạt vừa tổ
chức cho hơn 40 hộ gia đình hội viên tham quan, học tập mô hình nuôi bồ câu nhiều
loại giống mới có nguồn gốc từ các nước Pháp, Ý, Mỹ, Nhật…trên đường Huyền Trân
Công Chúa. Phần lớn người đến đây đã tập trung tìm hiểu nguồn gốc giống bồ câu có
nhiều hình dáng, sắc màu và mức lợi nhuận đạt được.
Trong diện tích rộng gần 50m², chia thành 2 căn phòng bố trí san sát những dãy lồng nuôi hơn 350 cặp
chim bồ câu sinh sản gồm khoảng 12 giống bồ câu làm cảnh ( 100 cặp) và 1 giống
bồ câu lấy thịt (250 cặp), chủ nhân Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1983) cho biết đã
chính thức nhân đàn bồ câu sinh sản cách đây hơn 2 năm. Là một nhân viên làm
công việc tiếp nhận các mặt hàng bánh kẹo của một doanh nghiệp sản xuất từ Sài
Gòn chuyển lên phân phối ở thị trường Đà Lạt, Dũng đã quen biết với một số cơ
sở sản xuất các giống chim bồ câu Pháp, Ý, Mỹ, Nhật…mang lại thu nhập không ít
cho kinh tế hộ gia đình. Điều quan tâm ngay lập tức của Dũng khi tiếp xúc các
cơ sở nuôi chim bồ câu ở Sài Gòn không phải là loài bồ câu lấy thịt mà là loài
bồ câu làm cảnh. Dũng kể: “Em có sở thích nuôi chim cảnh các loại từ nhỏ, nên
khi ngắm nhìn hình dáng của các loài chim bồ câu nhập về từ nước ngoài khoe muôn
sắc màu của lông vũ, cảm nhận rất thú vị. Không đắn đo thêm nhiều, em gửi nhanh
qua tài khoản ngân hàng 15 triệu đồng đến nơi bán để mua về nuôi 4 cặp chim bồ
câu cảnh đầu tiên gồm các tên: sư tử Ý, xòe Nhật; gà banh Mỹ. Đến khoảng nửa
năm sau đó, em mua tiếp về các giống bồ câu cảnh khác như vảy cá hồng, vàng; bông
cúc trắng, vàng, đen và bồ câu thịt của nước Pháp… ” Rồi Dũng mở từng chốt cửa
lồng sắt cho tôi xem những cặp bồ câu khoe nhiều vũ điệu vui mắt như: phần lông
ở cổ dựng bờm lên giống đầu con sư tử; đuôi bung xòe cánh quạt như chim công;
đôi cánh sắp từng lớp vảy cá màu hồng, màu vàng đất; phần mình tròn căng, in
các hình lục giác như quả banh; phía trước mỏ dài ra như đang thổi chiếc kèn
vàng …
4 cặp bồ câu cảnh nói trên với 2
tháng tuổi đến 8 tháng tuổi được “đóng thùng” carton vận chuyển từ xứ nóng Sài
Gòn về xứ lạnh Đà Lạt vẫn đảm bảo khỏe mạnh, lanh lợi. Hơn 15 ngày nuôi sống ở
môi trường mới trên đường Huyền Trân Công Chúa, Đà Lạt, từng cặp bồ câu cảnh
trên dưới 6 tháng tuổi bước vào thời kỳ sinh sản, con mái đẻ 2 trứng cách nhau
2 ngày - mỗi lần đẻ 1 trứng. Đẻ xong, các con bồ câu mái ấp trứng trong vòng 20
ngày, đạt tỷ lệ nở con đạt yêu cầu đến 95%. Nuôi từng bồ câu con phát triển
lông cánh đẹp đến gần 2 tháng tuổi thì thông qua mạng xã hội, Dũng đã bán trở
lại cho khách hàng từ Sài Gòn mua 2 cặp “xòe Nhật” với giá mỗi cặp 500.000
đồng. “Khách hàng Sài Gòn mua về nuôi một thời gian nói rằng, chim bồ câu cảnh
Đà Lạt có bộ lông bóng mượt, mịn màng; màu sắc sáng đẹp, và đã giới thiệu truyền
miệng đến nhiều khách hàng nơi khác đặt mua, nên em phải huy động thêm vốn để
mở rộng diện tích chuồng nuôi đàn bồ câu cảnh…”- Dũng cho biết. Theo đó, trong lần
đầu tư quy mô lớn hơn, Dũng mua về 10 cặp chim cảnh từ 5- 6 tháng tuổi, giá mua
thấp nhất 500.000 đồng/cặp gà banh, xòe Nhật; giá mua cao nhất ở mức 7 triệu
đồng/cặp bồ câu kèn vàng Hà Lan. Chăm nuôi chưa đến 15 ngày sau, những cặp bồ
câu mới này đã đồng loạt đẻ trứng, ấp nở. Trung bình mỗi năm, một cặp bồ câu
cảnh bố mẹ sinh sản ra 5 cặp bồ câu cảnh con. Cứ thế, Dũng nhân đàn bồ câu
cảnh, trừ số bán ra; còn lại chọn ra 100
cặp nuôi làm giống sinh sản liên tục đến giờ. Riêng trong năm 2015, giá giống bồ
câu cảnh của Dũng bán ra theo từng loài cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng
- từ 200.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/cặp từ 1 tháng đến 6 tháng tuổi.
Riêng chim bồ câu Pháp nuôi lấy thịt,
từ đầu năm 2015, Dũng mới bắt đầu mua giống về nuôi chung trong khu vực 2 căn
phòng nuôi bồ câu cảnh. Mỗi lần mua về vài chục cặp bồ câu thịt chăm sóc, sau
khi xuất bán chim thịt, đến nay giữ lại nhân đàn 250 cặp sinh sản. Chia sẻ về
kinh nghiệm, Dũng cho biết, nuôi chim bồ câu cảnh và bồ câu thịt đều áp dụng quy
trình kỹ thuật như nhau, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Thức
ăn là cám, bắp đã chế biến sẵn, mua về trộn đều với tỷ lệ cân đối trước khi đưa
vào lồng cho bồ câu ăn. Nước uống cho bồ câu được bơm tự động từ giếng ngầm lên
phân phối qua hệ thống đường ống nhựa nhỏ, dẫn vào từng chiếc ly nhựa đặt trong
lồng nuôi…
Hiện với 350 cặp bồ câu cảnh và bồ
câu thịt nuôi sinh sản trong chuồng nhà, chủ nhân Nguyễn Tiến Dũng ước tính đạt
lợi nhuận bước đầu hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. “Đây là một mô hình mới
đang được khuyến khích nhân rộng để tăng thêm thu nhập cho kinh tế hộ gia đình
ở phường 4, Đà Lạt…”- Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường 4, Đà Lạt, Bùi Thiện
đánh giá./.
THÁNG 11/2015