Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Vùng nông nghiệp giá trị cao hàng đầu Đông Nam Á

VĂN VIỆT
Trong 5 năm tới, Lâm Đồng quyết tâm trở thành vùng nông nghiệp giá trị cao hàng đầu Đông Nam Á với 4 dự án chiến lược thực hiện cùng lúc gồm: Khu Công nghiệp nông nghiệp, Trung tâm Sau thu hoạch, Chợ đầu mối rau, hoa và Khu Du lịch nông nghiệp.

 ĐỘT PHÁ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, giai đoạn 2011- 2015, Lâm Đồng tiếp tục tạo ra những bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đã xây dựng và phê duyệt 5/5 đề án quy hoạch các vùng sản xuất cây trồng… Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 Vùng Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và Khu Công nghệ sinh học và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của quốc gia tại Lâm Đồng. Riêng có 4 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là: Công ty TNHH Agrivina ( Dalat Hasfarm), Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Trường Hoàng, Công ty cổ phần sinh học Rừng Hoa Đà Lạt và Công ty TNHH Đà Lạt GAP. Ở huyện Lạc Dương với diện tích 221ha Khu Công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt cũng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Một trong những khâu đột phá rõ nét trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng trong 5 năm qua là việc đầu tư chiều sâu để chọn tạo, nhân giống, khảo nghiệm thành công 20 loại cây trồng mới, giá trị cao. Hàng năm trung bình ở Lâm Đồng sản xuất hơn 30 triệu cây giống cấy mô (từ 50 cơ sở) và khoảng 02 tỷ cây giống thương phẩm ( từ 200 vườn ươm). Tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức thực hiện gần 40 đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, kết nối thường xuyên giữa 4 nhà ( nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). “Thành công lớn là các doanh nghiệp Lâm Đồng đã đầu tư, lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp, xây dựng các quy trình canh tác, tiêu chuẩn- quy chuẩn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thủy canh… ”-Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá.   
CHỦ ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ
Thống kê từ 3 năm trở lại đây, Lâm Đồng đã thu hút 67 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng. Đó là những doanh nghiệp nước ngoài đã và đang triển khai những dự án lớn tại Lâm Đồng như: Tập đoàn Tài chính Bejo ( Hà Lan) đầu tư 9,5 triệu Euro tại huyện Lâm Hà để sản xuất, xuất khẩu với sản lượng giống rau hàng năm dự kiến lớn nhất Đông Nam Á; Công ty TNHH Agrivina ( Dalat Hasfarm) với 1,5 triệu USD đầu tư nhân giống hoa cao cấp; chính quyền tỉnh Đông Flanders ( Bỉ) canh tác rau, hoa trong nhà kính thuộc Dự án Trung tâm Công nghệ cao; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam ( JICA) thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư….
Đến nay, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt gần 40.000ha, chiếm 15% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Doanh thu tính bình quân đạt khoảng 130 triệu đồng/ha/năm, cá biệt đã có nhiều diện tích đạt từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Theo ông Hosono Kyohei, Giám đốc Công ty Tư vấn DI ( Dream Incubator) của Nhật tại Việt Nam, nếu so giá trị sản xuất với tiềm năng đất đai, lao động ở Lâm Đồng thì vẫn đang ở mức chưa khai thác hết. Nguyên nhân với cây rau thường vấp phải “3 điểm nghẽn” chính là chi phí sản xuất cao, sản xuất quy mô nhỏ nên phần lớn nguồn cung không ổn định, chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. 
Còn với cây hoa, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối ra thị trường, người nông dân không được cung cấp các thông tin giá chính xác, hoặc giá chỉ được quyết định bởi nhà bán sỉ. Trong khi quy mô sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, không cân bằng được nguồn cung và nguồn cầu, nông dân vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi để tích lũy mở rộng đầu tư.
Mục tiêu xây dựng mô hình nông nghiệp đa ngành đến năm 2020, Lâm Đồng hợp tác với Nhật triển khai xây dựng khu công nghiệp nông nghiệp gồm vùng sản xuất chính khoảng 100ha và khu vực sản xuất vệ tinh từ 200- 250ha. Với việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới của Nhật, người nông dân Lâm Đồng được tập trung sản xuất theo quy mô mỗi hợp tác xã vệ tinh từ 40- 50ha. Và hơn 100ha vận hành hình mẫu này, khu công nghiệp nông nghiệp có các chức năng sản xuất, chế biến sau thu hoạch, nhân giống, nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực…Gắn kết với khu công nghiệp nông nghiệp là Trung tâm Sau thu hoạch rau quả khép kín các dây chuyền kiểm tra, phân loại, đóng gói, bảo quản lạnh và vận chuyển lạnh nguồn rau chất lượng cao cho xuất khẩu. Ngoài ra còn hình thành Khu Chợ Đầu mối hoa để tập trung đơn hàng hội đủ các điều kiện không bị ép giá về phía người sản xuất; khuyến khích phát triển Du lịch nông nghiệp để quảng bá thương hiệu nông sản Lâm Đồng.
Triển vọng lớn đang mở ra cho vùng rau, hoa Lâm Đồng khi sản phẩm đang định hướng khai thông những “điểm nghẽn” nói trên để xuất khẩu cạnh tranh trên thị trường Nhật nói riêng, thị trường quốc tế nói chung./. 

    THÁNG 3/2015